Sản xuất
Thực hiện chủ trương hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tiến hành trồng cao su tại Lào từ năm 2004 và mục tiêu đến năm 2015 đạt 100.000 héc ta. Sau gần 7 năm tiến hành, đã có 3.000 héc ta đầu tiên cho khai thác mủ, dự kiến lượng mủ khai thác sẽ ngày càng tăng.
Trong mấy năm trở lại đây, phong trào trồng cao su tiểu điền tại Bình Dương phát triển hết sức mạnh mẽ. Trước mức lợi nhuận cao, nhiều nông dân đã bất chấp những quy luật sinh trưởng của cây cao su mà trồng loại cây này xuống vùng đất thấp, trũng nước.
Tại nhiều nơi, người dân còn dùng máy xúc múc đất dưới lòng suối để san phẳng mặt bờ và trồng cao su ngay sát bờ suối hoặc thay thế hoàn toàn các cây trồng có giá trị khác như điều, tiêu, cây ăn trái. Đã có nhiều khuyến cáo về các hệ quả có thể xảy ra với những diện tích cao su trồng dưới vùng đất trũng nhưng bất chấp các khuyến cáo này, nông dân vẫn cứ tiếp tục trồng và cho đến nay nhiều diện tích đã cho thu hoạch.
Thực tế cho thấy năng suất của các vườn cây trồng kiểu này không hề cao như nhiều người mong đợi, lại phải tốn chi phí để phòng trừ sâu bệnh cao. Tuy nhiên, khi phong trào trồng cao su xuống các vùng đất thấp vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Biến động giá
Tại thị trường Việt Nam, mở đầu giao dịch tuần 25 (13/6 – 16/6), giá cao su thiên nhiên đồng loạt giảm. Các chủng loại SVRCV, SVRL, SVR 10, SVR 20 lần lượt sụt xuống 1,4 – 1,6% (tương đương 1.400 - 1.600 đồng/kg) về các mức 106.800 đồng/kg, 102.400 đồng/kg, 92.100 đồng/kg và 92.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, đến ngày 15/6, các chủng loại này đã lần lượt hồi phục, dù không thể trở lại mức giá trong phiên chốt thứ Sáu (10/6), SVRCV, SVRL, SVR 10 và SVR 20 cũng ổn định quanh mức an toàn.
Thương mại
Theo nguồn tin từ Bộ Công thương, giao dịch xuất nhập khẩu cao su thiên nhiên tại thị trường khu vực cửa khẩu quốc tế Móng Cái – Đông Hưng tiếp tục trầm lắng. Trong tuần đến ngày 10/6, lượng cao su nước ta xuất khẩu hàng ngày chỉ đạt 200 tấn, bằng 25% so với mức 800 tấn/ngày trước đây. Một số ngày trong tuần qua còn phải ngưng giao dịch vì không có người mua. Giá cao su vì thế cũng giảm theo khoảng 1.000 – 1.500 NDT xuống còn 30.500 NDT/tấn.
Thực chất không phải khách hàng Trung Quốc đã mua đủ nguyên liệu cao su thiên nhiên để sản xuất mà vấn đề là ở chỗ các doanh nghiệp và thương gia nước này đang gặp khó khăn trong kinh doanh, chủ yếu xuất phát từ động thái siết chặt khâu cho vay vốn của hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu cao su vào Trung Quốc tăng lên đáng kể so với tháng 5, kết hợp với cước vận tải tới địa bàn tiêu thụ tăng cao, làm giảm lợi nhuận của các nhà kinh doanh.
Trong 5 tháng/2011 xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 240 nghìn tấn, kim ngạch hơn 1 tỉ đô la, tăng 31,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010. Hiện giá cao su trong nước cũng đang có xu hướng tăng trở lại đạt mức 99,5 triệu đồng/tấn, đây cũng là cơ hội tốt để xuất khẩu cao su Việt Nam đạt trên 3 tỉ đô la trong năm 2011 và cũng là mức tăng cao nhất từ trước đến nay (năm 2010 đạt kim ngạch trên 2,32 tỉ đô la).
Hiện Việt Nam đang đứng thứ 5 thế giới về diện tích cao su và đứng thứ 4 thế giới về sản lượng xuất khẩu cao su tự nhiên. Sản phẩm cao su của Việt Nam hiện đã xuất khẩu ra 39 nước trên thế giới, trong đó Trung Quốc chiếm 60%.
Năm 2010, xuất khẩu cao su toàn ngành đạt mức cao nhất từ trước đến nay với sản lượng 782.200 tấn, kim ngạch trên 2,3 tỉ đô la. Tính bình quân 5 tháng đầu năm 2011 giá cao su xuất khẩu của Việt Nam vẫn cao gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2010 đạt khoảng 4.383 đô la/tấn. Với kết quả đó, xuất khẩu cao su xếp vị trí thứ 2 trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Với những tín hiệu khả quan của nền kinh tế toàn cầu trong thời gian tới sẽ khiến nhu cầu về cao su tăng mạnh, giá tăng cao. Dự kiến, trong năm 2011 sản lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt khoảng 830.000 tấn, tăng khoảng 50.000 tấn so với năm 2010, đạt kim ngạch trên 3 tỉ đô la.
Triển vọng thị trường
Theo Nhóm Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG), thiếu hụt cao su thế giới năm 2011 sẽ được co hẹp do triển vọng giá ngày càng lên cao đã và đang góp phần thúc đẩy người dân ở các nước sản xuất cao su chủ đạo gia tăng hoạt động cạo mủ. Dự kiến mức sản lượng năm 2011 tăng 5,8% so với năm 2010, đạt 10,9 triệu tấn đã giúp điều chỉnh dự đoán thiếu hụt giảm xuống còn 200.000 – 300.000 tấn, so với 400.000 tấn năm 2010.
Cung hạn chế ở các nước xuất khẩu chủ lực, đặc biệt là Thái Lan do ảnh hưởng thời tiết xấu, cùng với mức dự trữ đang ngày càng eo hẹp của thị trường cao su Thượng Hải phản ánh mức cung nghèo nàn trong hai tháng 6 – 7. Trong khi đó, nhu cầu mạnh mẽ từ ngành ô tô toàn cầu sẽ giúp giãn rộng chênh lệch cung cầu, hỗ trợ đẩy giá trong các tháng tới.
Theo một khảo sát mới đây của Reuters tiến hành với các nhà phân tích, thương nhân và nhà đầu tư, giá cao su kỳ hạn tháng 11 tại Sở giao dịch Hàng hóa Tokyo (Tocom) sẽ chốt tháng 6 ở 395,0 yên/kg, cao hơn 1% so với mức 390,7 yên/kg cuối tháng 5. Giá kết thúc tháng 7 nhiều khả năng đạt 392,5 yên/kg, trong trường hợp được hỗ trợ thêm từ đồng yên ngừng tăng thì giá có thể lên trên 400 yên/kg.
Hiện tại, giá cao su các loại giao tiền mặt đang ở trên 4,6 đô la/kg. Cao su tấm hun khói RSS3 của Thái Lan vẫn được chào mua trên 5 đô la/kg. Consortium Cao su Quốc tế (IRCo) nhận định, giá cao su thiên nhiên khó có thể giảm xuống dưới 4 đô la/kg trong quí 3 năm nay.
Theo IRCo, dù kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại, đặc biệt ở các nước tiêu thụ hàng đầu như Trung Quốc, Ấn Độ và các nhà đầu tư còn tỏ ra khá do dự ở một số thời điểm, cung cao su sụt giảm mạnh mẽ trong khi nhu cầu từ các nhà sản xuất lốp xe ở các thị trường đang nổi lên về tiêu thụ cao su (Trung Đông, Brazil và Nga) vẫn tăng vững vàng sẽ hỗ trợ cho giá.
Tuy nhiên, kỳ vọng thị trường cao su kỳ hạn trong quí 3 cũng sẽ không quá cao bởi kinh tế Mỹ chưa qua bất ổn, tình hình nợ châu Âu ngày càng nghiêm trọng và chính sách thắt chặt tiền tệ ở Trung Quốc.
Theo TBKTSG Online