Kết quả phân tích “đá nhau”
Đầu tháng 12-2006, Sở NN-PTNT TP.HCM đã gởi Viện Khoa học Kỹ thuật (KHKT) nông nghiệp Miền Nam nhờ phân tích 25 mẫu thịt heo của 25 cơ sở bày bán trên thị trường TP.HCM, kết quả có 2 mẫu cho kết quả dương tính với chất hoóc môn tăng trưởng (họ Beta-Agonist). Tuy nhiên, ngay sau khi có kết quả phân tích này, một trong hai cơ sở không đồng tình và đã mang mẫu đi thử lại tại Công ty Dịch vụ Thí nghiệm phân tích TP.HCM. Kết quả phân tích lần sau đã trái ngược với kết quả lần trước, một mẫu đã phân tích dương tính trước đó nay lại cho kết quả âm tính với Beta-Agonist.
Chưa tin tưởng kết quả phân tích của các phòng thí nghiệm trong nước, Cục Chăn nuôi đã thuê chuyên gia nước ngoài phân tích và đến nay cũng chưa cho kết quả cụ thể về những mẫu phân tích trên.
10,98% mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính
Theo khảo sát và nghiên cứu của Viện KHKT nông nghiệp Miền Nam trên 428 mẫu thức ăn chăn nuôi của Cục Chăn nuôi, 12 tỉnh, thành và một số công ty chế biến thức ăn chăn nuôi, có đến 47 mẫu dương tính với Beta-Agonist (chiếm tỉ lệ 10,98%) và hầu hết các mẫu thức ăn chăn nuôi này đều là thức ăn dành cho heo, từ heo con, heo nái đến heo lấy thịt. Bên cạnh đó, một nghiên cứu ngẫu nhiên trên 2 mẫu thận heo và 3 mẫu thịt heo được lấy tại các chợ ở TP.HCM, khi phân tích định tính đều cho thấy tồn dư rất cao Clenbuterol và Salbutamol (2 chất thuộc họ Beta-Agonist). Trước những kết quả này, viện đã tiến hành lấy mẫu máu, nước tiểu của 9 con heo nặng 50 kg và phát hiện đều có hoóc môn Clenbuterol và Salbutamol từ 27-35 ppb.
Những kết quả này cho thấy hoóc môn tăng trưởng đã được sử dụng khá phổ biến trong chăn nuôi và rất khó kiểm soát. PGS-TS Lã Văn Kính, Phó Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp Miền Nam, cho biết: “Hoóc môn có họ Beta-Agonist bị cấm làm chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi ở nước ta. Muốn thịt heo không bị tồn dư hoóc môn tăng trưởng, chỉ có cách là thôi không dùng đến chất này chứ không còn cách nào khác”. Điều đáng lo khác, theo PGS-TS Kính là việc người tiêu dùng không thể phân biệt được loại nào là thịt heo sạch, loại nào là thịt heo có tồn dư hoóc môn tăng trưởng để phòng tránh.
Lúng túng vì chưa có cơ sở pháp lý
Trước thực tế nhiều mẫu thịt heo phân tích tại TP.HCM cho thấy tồn dư hoóc môn tăng trưởng, hiện nay Sở NN-PTNT TP.HCM đã tổng hợp tình hình và trình UBND TPHCM cách giải quyết cụ thể trong thời gian sắp tới. Nhưng ông Nguyễn Phước Trung, trưởng phòng nông nghiệp của sở này, thẳng thắn nhìn nhận thực tế khó khăn: “Chúng tôi không có một cơ sở pháp lý nào để đưa ra cách giải quyết. Trong tay không có một văn bản nào của Bộ NN-PTNT quy định việc lấy mẫu thịt, đưa ra phương pháp phân tích chuẩn, yêu cầu về phòng thí nghiệm. Chưa có cơ sở pháp lý thì thật khó để thực hiện”. Ông Trung cho biết biện pháp xử phạt hành chính để chế tài vẫn không hiệu quả. Trước mắt vẫn là biện pháp tuyên truyền với các cơ sở chăn nuôi và yêu cầu các đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi (cả trong và ngoài nước) cam kết không dùng hoóc môn tăng trưởng.