Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tôm thẻ chân trắng: Bên cười nụ, bên khóc thầm
14 | 09 | 2011
Từ đầu năm 2010, nông dân bắt đầu chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT). Có nhiều người thắng đậm, cũng có không ít người tiêu tan tiền tỷ...

Đại gia cũng thất bại

Danh sách những nạn nhân mới của TTCT không chỉ có những nông dân am hiểu sơ sơ kỹ thuật nuôi tôm, mà còn bao gồm những “đại gia” có tầm cỡ, đủ khả năng đầu tư mạnh và có điều kiện nuôi tôm công nghiệp hiện đại.

Đầu tư bao nhiêu, lỗ bấy nhiêu

Trước đây, về miền Tây, có dịp tham quan tuyến ven biển vào ban đêm, sẽ thấy đèn sáng rực như đô thị. Đó là bãi đèn khổng lồ của những vùng nuôi tôm rộng lớn. Chuyện ấy giờ xưa rồi, tôm chết hàng loạt từ vụ này sang vụ khác nên đèn cũng không còn được thắp lên như trước.

Tháng 4.2011, anh Vũ Thuấn (ấp Biển Đông, xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) bố trí 3 hầm nuôi TTCT sau khi thất bại vụ tôm sú trước đó. Sau 20 ngày thả giống với mật độ trên 100 con/m2, TTCT đã trở chứng và chết sạch. Anh Thuấn mất hơn 30 triệu đồng.

Tại Long An cũng xảy ra chuyện tương tự. Ở khu vực xã Tân Chánh, TTCT chết nổi đầy ao. Ông Trần Văn Sang (ấp Đông Nhì, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước) thua 2 keo liền, khi thả liên tiếp 2 lượt trên ao nuôi hơn 5.000m2. Dù ông Sang đã xử lý lại đầm nuôi khá kỹ, nhưng chỉ 20 ngày sau khi thả, tôm chết hết, tiêu tốn mấy chục triệu đồng

Trên đây chỉ là các hộ nhỏ, lẻ nuôi TTCT với quy mô nhỏ, đầu tư ít. Những đại gia nuôi tôm cũng không ngoại lệ. Thất bại của anh Triệu Nghĩ (xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu) là một ví dụ. Dân xứ “Công tử Bạc Liêu” ai cũng biết anh Nghĩ có đủ tiền lực, vật lực và cả kỹ thuật canh tác bài bản, cộng với nguồn nhân lực dồi dào. Do đó, chuyện thiết kế ao đến cải tạo hoàn chỉnh, chọn giống, đầu tư thức ăn... đều đầy đủ. Vậy mà, đầu vụ 2011, hơn 30 ao nuôi TTCT đã “kết thúc sớm” vụ. Trong vòng 1 tháng, anh Nghĩ mất hàng trăm triệu đồng.

Cùng như anh Nghĩ, ở Bạc Liêu còn có nhiều trường hợp khác, đều là “đại gia” nuôi tôm. Như ông Chín Ánh (xã Long Điền, huyện Đông Hải), ông Lê Luận (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) và trước đó khá lâu là Công ty Duyên Hải (Bạc Liêu)… với thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng.

Phải quy hoạch vùng chuyên canh, có kiểm soát

Từ năm 2004, nhiều tỉnh ĐBSCL đã manh nha nuôi TTCT, mấy niên vụ đều cho thấy: Thất bại có, thành công có. Riêng niên vụ 2011, việc nuôi thả không thuận lợi lắm, TTCT vẫn chết cục bộ tại nhiều địa phương.

Ông Sơn Kiên - Phó Trưởng phòng NNPTNT TP.Bạc Liêu cho biết: Nhiều địa bàn ven biển đều có diện tích tôm (cả sú và TTCT) bị thiệt hại do dịch bệnh. Thạc sĩ Trần Thanh Hoàng - cán bộ kỹ thuật Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh: Nhiều hộ nuôi chưa kiểm soát tốt môi trường nước, việc tuân thủ quy trình kỹ thuật chưa nghiêm ngặt theo hướng dẫn.

Cần có quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng mang tính chuyên canh, cụ thể, có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý, sự giúp đỡ của nhà khoa học và đầu tư đúng mức từ doanh nghiệp.

Thạc sĩ thủy sản Tiền Hải Lý (Đại học Bạc Liêu) phân tích thêm: Nghề nuôi trồng thuỷ sản ở miền Tây Nam Bộ vẫn mang tính chất nông hộ, phân tán, tự phát, nên việc huấn luyện, chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật gặp không ít khó khăn.

Kỹ sư Trần Quốc Hùng - Trưởng phòng NNPTNT huyện Phước Long (Bạc Liêu) đề xuất: Cần quan tâm đầu tư nghiên cứu khoa học, đi sâu ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, nhất là hiện đại khâu sản xuất giống, đủ sức cung ứng cho từng vùng; có kế hoạch xử lý môi trường ô nhiễm định kỳ và cần đầu ra ổn định cho con tôm nói chung, trong đó có TTCT.

Theo Dân Việt



Báo cáo phân tích thị trường