Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đẩy mạnh XK vào thị trường TQ: Cần tăng độ sâu phân tích thị trường
28 | 09 | 2011
Sự vươn lên của nền kinh tế Trung Quốc là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Nói theo cách của cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại (cũ) Trương Đình Tuyển thì: "Ta phải quan tâm hơn đến thị trường này".
Bị phụ thuộc
Năm 2010, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 20,02 tỉ USD hàng hóa. Theo TS.Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (VIE), nhập siêu đang trở thành vấn đề nghiêm trọng, song xử lý không đơn giản, do liên quan đến nhiều chính sách vĩ mô khác. Nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN. Nhưng tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng trung bình 13% trong giai đoạn 2001-2005 lên 20% giai đoạn 2006-2009.
Trung Quốc không nằm trong nhóm các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tính đến hết năm 2004, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại số 1 của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hai chiều đạt 71,91 tỷ USD. Nhưng đến năm 2010, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc mới chỉ đạt 7,3 tỷ USD. Một trong những giải pháp được xem là căn cơ để hạn chế nhập siêu là thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc, nhưng thực tế, việc gia tăng kim ngạch vào nước này là bài toán hóc búa, bởi chính sách thương mại của Trung Quốc khá linh hoạt, lượng hàng và giá nhập khẩu thường xuyên được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, chiến lược với thị trường Trung Quốc rất quan trọng, nhất là khi xét Trung Quốc như một nhân tố lớn chi phối sự phát triển trong khu vực và là láng giềng của Việt Nam. "Vấn đề chính với thị trường Trung Quốc là xem xét lại cơ cấu hàng hóa, cách thức làm ăn với họ để tránh tình trạng chúng ta nhập siêu lớn từ Trung Quốc và lệ thuộc quá nhiều vào họ", bà Lan cho biết.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc đưa ra một khung chính sách thương mại mới là rất cần thiết. Song ông Trương Đình Tuyển, cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại (cũ, nay là Bộ Công Thương), đặc biệt lưu ý đến ba động thái mới của Trung Quốc. Thứ nhất, Trung Quốc đang chuyển từ cạnh tranh giá rẻ dựa trên chi phí nhân công thấp sang cạnh tranh bằng chất lượng. Thứ hai, Trung Quốc đang hướng chính sách tăng trưởng theo hướng giảm bớt tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, chuyển sang coi trọng nhu cầu trong nước. Đây cũng là điều kiện để ta thâm nhập vào thị trường này. Thứ ba, trước sức ép của Hoa Kỳ, EU và một số nước khác, Trung Quốc buộc phải điều chỉnh tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ (NDT) với USD theo hướng tăng giá đồng NDT. Trong bối cảnh đó, Việt Nam không giảm được nhập siêu mà có thể còn làm cho nhập siêu từ Trung Quốc tăng lên.
Nghiên cứu kỹ thị trường
Từ năm 2010, Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu mạnh gạo của Việt Nam. Theo số liệu hải quan công bố ngày 13/8/2011, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 7 đạt 14.000 tấn, cộng 7 tháng đầu năm 2011 là 79.000 tấn.
"DN cần tỉnh táo để phân tích, Trung Quốc nhập khẩu nhiều gạo có gây tổn hại gì cho chúng ta hay không?", ông Phạm Quang Diệu, Kinh tế trưởng của Công ty cổ phần Phân tích và dự báo thị trường Việt Nam (AgroMonitor) chia sẻ.
Ông Diệu đưa ra vài ví dụ. Thứ nhất, giá gạo 5% tấm của Việt Nam xuất sang Trung Quốc chỉ ở mức 450 USD/tấn, trong khi xuất sang Singapore giá 500 USD/tấn và xuất sang Thổ Nhĩ Kỳ hơn 550 USD/tấn. Như vậy, lo lắng Trung Quốc đưa giá cao hút gạo về nước mình là không thực tế. Thứ hai, Trung Quốc làm ăn với rất nhiều DN xuất khẩu gạo của Việt Nam. Hồi tháng 1/2011, Trung Quốc mới chỉ làm việc với 4 DN xuất khẩu gạo Việt Nam nhưng đến tháng 5/2011 đã tăng lên 36 DN. Việc này dễ tạo ra những tin đồn thổi về nhu cầu gạo khổng lồ của Trung Quốc mà không ai biết đích xác ra sao.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vinamit, DN rất thành công khi làm ăn tại thị trường Trung Quốc, cho biết: "Năm 2011, thị trường trong nước sụt giảm mạnh, Vinamit đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhờ vậy, chúng tôi đảm bảo được kế hoạch doanh số, còn được hưởng mức lãi suất ưu đãi 11,5%. Khi Vinamit đang thu mua mít của nông dân với giá 3.000 đồng/kg thì thương lái Trung Quốc sang thu mua với giá 12.000 đồng/kg".
Tìm hiểu, Vinamit được biết, họ mua giá cao như thế nhưng về bán tới 150.000 đồng/kg. Ngay lập tức, Vinamit cũng thu mua của dân với giá 12.000 - 13.000 đồng/kg và mang qua Trung Quốc bán. Nhìn ở một góc rộng hơn, chuyện thu mua nông sản cũng là một bài học khai thác cơ hội cho DN Việt Nam, quan trọng là mình có đủ can đảm mua giá cao - bán giá cao hay không. Tất nhiên, không phải DN nào cũng thành công khi làm ăn với Trung Quốc.
Việc đăng ký sở hữu thương hiệu cũng được coi là cần thiết khi làm ăn với thị trường Trung Quốc. "Thương hiệu là của mình, phải đăng ký thương hiệu để họ không động chạm vào thương hiệu của mình. Nếu họ yêu cầu độc quyền phân phối thương hiệu của mình tại Trung Quốc, thì phải quy định kỹ về doanh số, giá cả và phải tiếp cận được các đối tác phân phối của họ", ông Viên nói.
Dù gì đi nữa, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng. Nhưng để hạn chế nhập siêu, tăng cường xuất khẩu, các DN cần bảo vệ thị trường nội địa, giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Đẩy mạnh thâm nhập vào thị trường này bằng cách tăng độ sâu nghiên cứu thị trường. Tất nhiên, nỗ lực của DN cần có sự hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước.
Theo Kinh tế nông thôn
 


Báo cáo phân tích thị trường