Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gỗ: Lạc quan với mục tiêu 5,5 tỷ USD
07 | 10 | 2013
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, tháng 8/2013 gỗ tiếp tục nằm trong nhóm có kim ngạch xuất khẩu cao của nhóm ngành công nghiệp chế biến với 460 triệu USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ. Tám tháng đầu năm, ngành gỗ cũng giữ được mức tăng trưởng xuất khẩu 12,2% so với năm 2012, đạt 3,368 tỷ USD, trong đó, sản phẩm gỗ vẫn chiếm ưu thế với 2,314 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ.
Mỹ là thị trường Việt Nam xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ lớn nhất với kim ngạch 7 tháng đạt trên 1,052 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Ghế, giường bằng gỗ thông, gỗ xà cừ, bàn , tủ… là các sản phẩm chính xuất khẩu sang Mỹ. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc với 491,3 triệu USD, tăng 14,7%; Nhật Bản 441 triệu USD, tăng 23,3%.
 
Ngoài ba thị trường xuất khẩu chính kể trên, còn một số thị trường có quy mô nhỏ hơn nhưng tốc độ tăng tưởng lại đạt rất cao so với cùng kỳ. Cụ thể, thị trường Hàn Quốc đạt 181,7 triệu USD, tăng 48%; Singapore đạt 14,48 triệu USD, tăng 41,28%, đặc biệt thị trường Campuchia đạt 5,035 triệu USD và tăng tới 346,3% so với cùng kỳ.
 
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngoài yếu tố thị trường hồi phục, nhu cầu từ các nhà nhập khẩu tăng thì luồng đơn hàng chuyển dịch từ Trung Quốc về Việt Nam cũng là nguyên nhân khiến lượng đơn hàng của DN ngành gỗ ngày một nhiều. Sự chuyển dịch diễn ra rải rác một vài năm trở lại đây, nhưng sang đầu năm nay đã xuất hiện rất rõ nét. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng đơn đặt hàng tăng 20 -30%, nhiều DN đã ký được đơn hàng đến hết năm với quy mô lớn về cả lượng hàng và giá trị. Với tình hình thị trường, đơn hàng khả quan như hiện nay ngành gỗ sẽ đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cả năm khoảng 10-15% và mục tiêu đạt 5,5 tỷ USD kim ngạch là hoàn toàn khả thi.
 
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền,dòng đơn hàng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam không còn là xu hướng nữa mà đã trở thành thực tế. Hơn nữa, đơn hàng từ các thị trường, nhất là thị trường Mỹ dự kiến sẽ tăng, do đó các DN trong ngành phải chủ động mở rộng nhà xưởng, chuẩn bị nhân lực, thực hiện tốt các quy định về tiền lương, an toàn cho người lao động... sẵn sàng đón nhận cơ hội từ các nhà nhập khẩu.
 
Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo, sắp tới có thể sẽ có sự dịch chuyển các đơn đặt hàng lớn tới Việt Nam vì vậy các DN cần tăng cường năng lực sản xuất, nhân công lành nghề.... Hiện hội đang giúp các DN thành viên chuyển đổi từ sản xuất đồ gỗ ngoài trời sang đồ trong nhà, là xu hướng sản phẩm đang được ưa chuộng trên thị trường thế giới hiện nay.
 
Có thể nói, gỗ và sản phẩm gỗ là ngành hàng rất quan trọng, đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, ngành gỗ vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, do đó không chủ động được trong sản xuất, giá trị gia tăng của sản phấm thấp. Tại hội nghị lấy ý kiến về Đề án “Ưu tiên phát triển DN thuộc các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao giai đoạn 2013-2020” do Bộ Công Thương xây dựng, ông Lê Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí minh cho rằng: “Việt Nam hiện đang giữ vị trí thứ 6 trên thế giới và thứ 2 khu vực châu Á về xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ, vì vậy nên đưa ngành chế biến gỗ vào diện được ưu tiên phát triển. Với những chính sách ưu đãi thì vấn đề thiếu nguyên liệu của ngành gỗ có thể được khắc phục”.
 
(Nguồn: TTNN)
 


Báo cáo phân tích thị trường