Ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm đến nông nghiệp
1. Vũ Thị Huyền Trân và những người bạn từ Đức Trọng - Lâm Đồng mang dự án "Happy Trees" dự thi với sản phẩm cà chua trái cây thu hút được nhiều sự chú ý.
Sở dĩ vậy vì đây là loại cà chua, như đúng tên gọi quen thuộc, nhưng lại mang vị ngọt. Điều này mang lại sự độc đáo cho sản phẩm như chính tiêu chí chuyên kinh doanh những sản phẩm độc, lạ mà Happy Trees hướng đến.
Để tạo được vị ngọt cho cà chua, ngoài việc chọn giống, Happy Trees còn sử dụng loại phân bón đặc biệt, được phối trộn từ trứng gà, sữa đậu nành, sữa bò tươi và mật mía. Điểm nhấn này gây sự tò mò và giúp Happy Trees thu hút được sự chú ý của truyền thông.
Hiện sản phẩm đã được bán ra thị trường với mức giá 100.000 đồng/kg và những người sáng lập dự án này đặt kỳ vọng loại cà chua này sẽ được người dùng chấp nhận và sử dụng hàng ngày như một loại trái cây thông dụng; đồng thời sản phẩm sẽ có mặt trong danh mục trái cây của siêu thị, nhà hàng, khách sạn...
Tại vòng chung kết cuộc thi, một vị giám khảo đặt câu hỏi "Vì sao các bạn lại hy sinh nhiều nguồn lực (với trứng, sữa và mật mía - pv) để tạo hàng độc như vậy?". Không chỉ riêng vị giám khảo trên, không ít khán giả tại hội trường cũng có chung câu hỏi tương tự.
Trong bối cảnh cuộc sống của không ít người còn gặp khó khăn, việc xài phân bón cho cây sang như vậy không hẳn ai cũng ủng hộ. Tuy vậy, những người ủng hộ lại có cái lý riêng của họ. Và bò Kobe là một ví dụ được viện dẫn.
Gác qua những nhận xét nêu trên, nói đến kinh doanh là nói đến câu chuyện thị trường. Thành công hay không sẽ do thị trường quyết định. Dù thế nào đi nữa, Happy Trees cũng mang đến cho cuộc thi nhiều giá trị. Ít nhất các bạn có một câu chuyện cầu kỳ để kể; dám mạo hiểm với cái mới và cung cấp thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng.
2. Nếu Happy Trees là câu chuyện "đánh đổi" tài nguyên để phục vụ mục đích kinh doanh thì dự án "Xây dựng vùng nguyên liệu Hương Đồng Tháp" của cô gái Đoàn Ngọc Minh Thùy lại là một câu chuyện ở thái cực khác.
Cô gái này tận dụng những cái gọi là bỏ đi để sản xuất tinh dầu.
Đồng Tháp nổi tiếng với nhiều loại trái cây ngon, trong đó không thể không kể đến quýt Lai Vung. Những cây quýt ra trái trĩu quả. Trái mọc dày đặc, sát nhau và do vậy, một số trái phải được tỉa bỏ để cây dành sức nuôi những trái còn lại; đồng thời tránh cho những trái ma sát, cạ vào nhau gây ảnh hưởng đến lớp vỏ quýt.
Những trái quýt được tỉa đi vì còn khá non nên sẽ khó có thể làm gì. Bỏ thì thành rác. Lại tốn công xử lý. Vậy là Thùy nhận thu mua "mớ rác" này. Cứ 2.000 đồng một ký. Cứ 5 ký như vậy, qua chiết suất, cô thu được 10 ml tinh dầu quýt.
Bên cạnh tinh dầu quýt, Thùy còn sản xuất những những loại tinh dầu khác như tinh dầu bưởi hoặc tinh dầu tràm... Cứ 20 kg lá tràm, giá mua 40.000 đồng, vốn được tận dụng khi người dân tỉa bớt các cành lá rậm rạp hoặc thu gom sau một cơn mưa, qua tinh chế, cô gái này thu được 20 ml tinh dầu, giá bán 240.000 đồng.
Ở đây, ta thấy rác, qua bàn tay và khối óc của người trẻ, đã được biến thành hương với nhiều giá trị gia tăng.
3. Bạn biết gì về cái tên Hoàng hoa? Hoàng hoa là tên gọi khác của hoa kim châm, một sản phẩm được chàng trai Đặng Đình Quý giới thiệu trước ban giám khảo và khản giả.
Dự án của Quý mang tên "Mô hình trồng hoa kim châm kết hợp trồng dâu nuôi tằm". Trong phần trình bày của mình, anh cho biết hoa kim châm, còn có thêm một tên gọi khác là hoa hiên, khi nở màu vàng chanh, có vị ngọt, được trồng rất nhiều tại Đà Lạt. Loài hoa này không chỉ sử dụng trang điểm cho các phòng khách sang trọng mà còn là vị thuốc quý chữa bệnh, món ăn bổ dưỡng. Đặc biệt, kỹ thuật trồng loại cây này rất đơn giản nên ai cũng trồng được.
Quý đã chọn cách trồng cây hoa kim châm kết hợp với trồng dâu nuôi tằm, lấy phân của tằm để bón cho hoa kim châm, và dùng chính con tằm - làm sinh vật chỉ thị - để chứng minh rằng hoa mình trồng hoàn toàn tự nhiên, không hóa chất, an toàn.
Bài thuyết trình của Quý mắc một lỗi cơ bản khi chi chít chữ và thiếu hình ảnh. Dự án của bạn, xét về mặt kinh doanh, cũng không thật sự xuất sắc. Tuy vậy, câu chuyện Quý đem đến nhiều sự bất ngờ. Xin kể lại một đoạn đối thoại ngắn giữa chàng trai này và Ban giám khảo.
- Ngoài hoa tươi, em có làm hoa sấy khô chứ?
- Cái này em không biết. Nhà em chỉ trồng và cung cấp hoa tươi thôi. Em nghe nói cũng có người làm hoa sấy nhưng thật sự là em không biết.
- Vậy giá một ký hoa tươi bao nhiêu?
- Dạ, hiện nay 35.000 đồng/kg nhưng giá dao động dữ lắm.
- Dữ lắm là bao nhiêu?
- Có lúc giá rớt xuống còn 7.000 đồng/kg, có lúc lên đến 70.000 đồng/kg.
- Vậy nếu anh đầu tư vào dự án của Quý thì bạn cần bao nhiêu?
- Dạ, em không cần đầu tư.
- Vậy bạn cần gì?
- Em cần có người bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Như vậy là đủ. Nông dân có thể tự trồng được sản phẩm này mà không cần đầu tư.
Câu trả lời của Quý làm nhiều người bất ngờ. Quý tin vào giá trị từ mô hình qua thực tế câu chuyện của gia đình mình nên mong muốn dự án được nhân rộng.
Chưa biết rồi ai sẽ đáp lại đề nghị của Quý nhưng nhìn cách mà chàng trai bị bại não, thở dốc từng hơi khi phát biểu, khó khăn trong di chuyển, quan tâm đến cộng đồng thật đáng trân trọng.
Không chỉ có Quý, tính cộng đồng cũng được nhiều bạn trẻ khác quan tâm, ví như dự án "Khôi phục làng nghề mạch nha" của chàng trai Đoàn Tri Anh Tuấn - Quảng Ngãi, hay như dự án "Kinh doanh với người giữ rừng" của cô gái Trịnh Thị Ngọc Hiện - Bến Tre...
Những tín hiệu trên thật quý. Khi ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm đến nông nghiệp, bắt tay vào làm nông nghiệp, ta thấy ở đó có bàn tay, khối óc và trái tim; ta thấy ở đó có nhiều điều đáng hy vọng.