Sau đại dịch virus nội hoành hành, khả năng một số kẻ lợi dụng những ngày lễ cuối năm này để phát tán mã nguy hiểm là rất cao. Thường thì một cô gái nhận được thư có tiêu đề "tỏ tình" từ cái tên rất phổ biến như LeHung vào ngày Valentine sẽ tò mò và bẽn lẽn giở ra xem mà không kiểm tra. "Chẳng ai viết thư hỏi lại là 'Anh gửi thư cho em đấy à?', nhất là trong những ngày khó nói như thế này", Nguyễn Hà Thanh, nhân viên văn phòng tại một công ty kiểm toán ở Hà Nội, bày tỏ. "Nếu đó là cái tên không quen, tôi còn cảm thấy tò mò hơn".
Tại Việt Nam, lượng virus phát tán trong dịp Valentine mọi năm không nhiều. "Hầu hết mã độc này có nguồn gốc từ nước ngoài", ông Nguyễn Ngọc Sơn, trưởng phòng Virus của Trung tâm an ninh mạng đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết. "Nhưng người sử dụng Internet năm nay cũng cần cẩn thận, không mở thư có đính file hay kèm đường link".
Hiện nay, có nhiều người tìm đến tiện ích gửi thiệp online để thể hiện tình cảm nhưng độ an toàn của các trang web loại này chưa được kiểm tra chính thức. Đôi khi, các chàng trai do sợ thiệp mình gửi không phải "hàng độc" nên đi tìm nguồn thật lạ và có thể gặp phải website chứa mã nguy hiểm.
"Bạn trai em hay gửi thiệp điện tử vào những ngày lễ nhưng không ghi địa chỉ e-mail thật để làm em bất ngờ", Lan Anh, một sinh viên Đại học Ngoại thương, tâm sự. "Nhưng sau mấy lần bị dính virus, em chẳng còn hào hứng với những thư kiểu đó nữa. Anh ấy sẽ phải tìm cách khác để bày tỏ thôi".
Trên thế giới, các chuyên gia bảo mật cũng đang cảnh báo về một ngày Valentine "không an toàn" cho thế giới mạng. "Những thông điệp lãng mạn mà bạn nhận được bằng e-mail có thể chứa mã nguy hiểm", đại diện của hãng bảo mật PandaLabs cho biết, sau khi họ phát hiện sâu Nurech.A đang tăng lên nhanh chóng trong những thư "nóng bỏng". Hãng bảo mật Symantec cũng nhận thấy một lượng thư rác lớn chứa Trojan với phiên bản mới như Peacomm hay Storm Trojan. Trước đây từng có LoveLetter, virus tình yêu gây ra một trong những thảm hoạ lớn nhất trong lịch sử máy tính.