Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chủ tịch Hội đồng nông dân Thái Lan kêu gọi cải cách nông nghiệp
14 | 11 | 2016
Ông Prapat Panyachatraksa, chủ tịch Hôi đồng nông dân Thái Lan, đang kêu gọi Bộ Nông nghiệp và Hợp tác nông nghiệp cải cách lĩnh vực nông nghiệp và chuyển dịch theo hướng nông nghiệp tích hợp để giúp giảm nghèo trong cộng đồng nông dân. Ông cũng kêu gọi thành lập một cơ quan phát triển nông nghiệp bền vững.

Cải cách ngành nông nghiệp theo hướng bền vững sẽ giúp 4 triệu hộ gia đình nông nghiệp nghèo thay đổi cuộc sống và giảm gánh nặng tài khóa cho chính phủ, ông Prapat nhận định. Tuy nhiên, ông lo ngại rằng các nhóm lợi ích trong ngành nông nghiệp có thể kìm hãm bất kỳ tiềm năng cải cách nào. Đây là những nhóm đã đầu tư nhiều tỷ Baht vào ngành phân bón và thuốc BVTV hóa học, có ảnh hưởng lên chính sách toàn ngành.

Nông nghiệp tích hợp là hệ thống nông nghiệp liên quan đồng thời nhiều hoạt động, như sản xuất kết hợp các cây trồng – vật nuôi, ngược với cách tiếp cận độc canh như hiện nay. Hệ thống này tối thiểu hóa đầu vào bên ngoài, khi mỗi yếu tố sản xuất hỗ trợ các yếu tố khác.

Ông Prapat chỉ ra rằng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác nông nghiệp đã thúc đẩy độc canh và nông nghiệp thâm canh trong hơn 50 năm, dẫn tới tình trạng dễ tổn thương của ngành này. Ông cho rằng Bộ chưa bao giờ tin vào nông nghiệp hữu cơ, vốn trái với các chính sách hiện thời của ngành và chỉ một bộ phận nhỏ các nhà chức trách ngành thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ.

Hàng triệu hộ gia đình nông nghiệp Thái Lan đang ở tầng lớp kinh tế yếu kém nhất, ông Prapat chỉ ra. Họ nỗ lực xoay xở với tình trạng giá nông sản thấp trong vài năm gần đây và bị đẩy vào tình trạng nợ nần. Một chu kỳ giảm giá gạo mới đang cuốn theo sinh kế của hàng loạt hộ gia đình.

Ông Prapat cho rằng một số hộ gia đình nông nghiệp có thể sống thoải mái bởi họ đã chuyển sang làm nông tích hợp và ngừng sử dụng hóa chất trong sản xuất.

“Chúng ta chưa bao giờ phản đối chính sách thúc đẩy nông nghiệp độc canh đối với những sản phẩm nông sản chủ lực. Chúng ta chưa bao giờ nói rằng điều này không nên xảy ra với nông dân và rằng nông dân nên có thêm lựa chọn. Bộ NN và Hợp tác NN không nên sử dụng cách tiếp cận từ trên xuống (top down) để triển khai chính sách bởi cách tiếp cận này không trao quyền cho nông dân Thái Lan”, ông khẳng định.

Nông nghiệp tích hợp có thể giúp giảm thiểu rủi ro mà nông dân phải đối mặt do dựa vào chỉ một loại cây trồng. Ví dụ, nông dân có thể giảm diện tích trồng lúa và trồng cỏ hoặc chăn nuôi. Ông thừa nhận rằng không dễ để thuyết phục nông dân, đặc biệt là bộ phận nông dân sản xuất loại cây trồng được chính phủ hỗ trợ, chuyển sang các loại cây trồng khác. Nhưng một hướng đi rõ ràng từ phía chính phủ thúc đẩy nông nghiệp tích hợp sẽ khuyến khích nông dân thay đổi.

Ông Prapat tin rằng cách tiếp cận từ trên xuống trong quyết định chính sách và thiếu sự tham gia của nông dân đã hủy hoại ngành nông nghiệp Thái Lan, trong khi ảnh hưởng của các doanh nghiệp lớn lên các chính sách của chính phủ, bao gồm cả các thỏa thuận thương mại tự do (FTAs) cũng đã càn quét ngành nông nghiệp nước này.

Ví dụ, FTA Thái Lan – Trung Quốc đã gây nên sự sụp đổ của các nhà máy tỏi, các thỏa thuận song phương với Úc và New Zealand đã làm giảm thuế lên các loại thịt bò nhập khẩu và chính sách gần đây nhất là miễn thuế cho lúa mỳ nhập khẩu để sản xuất TACN, đã đẩy giá ngô xuống mức chỉ còn 3 Baht/kg, thấp hơn chi phí sản xuất hiện ở mức 9 – 10 Baht/kg.

Kể từ khi thuế đánh trên lúa mỳ nhập khẩu bị xóa bỏ, Thái Lan đã nhập khẩu 4 triệu tấn lúa mỳ trong 2 năm qua nhưng giá TACN lại không giảm trong 2 năm qua, bất chấp chi phí nguyên liệu thô giảm.

Ông kêu gọi chính phủ tiếp tục thúc đẩy nông dân gia tăng thêm giá trị cho các sản phẩm nông sản để tăng thu nhập. Để giúp nông dân sản xuất các sản phẩm GTGT cao và đặt mục tiêu này vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác nông nghiệp (BAAC) đã cung cấp khoản vay lên tới 72 tỷ Baht và đến nay đã có 30 tỷ Baht được tiếp cận cho 3.000 – 4.000 người vay.

Ông Prapat, cũng là một thành viên hội đồng quản trị của BAAC, cho biết ngân hàng này cũng hỗ trợ thanh toán nợ cho nông dân, điển hình là sau khi thu hoạch vào tháng 3, do nông dân cần thời gian để chế biến sản phẩm trước khi chào bán trên thị trường.

Ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước sẽ sớm nhận được phê chuẩn từ hội đồng về quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 5 tỷ Baht, để đầu tư cho những nông dân có kế hoạch quản lý tốt nhưng không có đủ nguồn tài chính.

Ông Prapat tự tin rằng quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ thành công ở quy mô lớn hơn trong ngành công nghiệp do nông dân gia tăng giá trị cho sản phẩm, trong khi các ngành sản xuất công nghiệp chịu chi phí cao do phải mua nguyên liệu thô đầu vào. Những nước có thể đưa SMEs trở thành một trụ đỡ của tăng trưởng kinh tế luôn bắt đầu bằng ngành nông nghiệp trước khi mở rộng sang các ngành khác, ông Prapat phân tích.

Theo Bangkok Post



Gappingworld
Báo cáo phân tích thị trường