Hiện nay, điều được giá (trên 40.000 đồng/kg), nhưng các nhà vườn lại không có để bán, kéo theo các cơ sở chế biến, sản xuất trên địa bàn tỉnh trong tình trạng “đói” nguyên liệu.
Vườn điều của gia đình anh Phạm Văn Tuyển, ấp 5, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc năm nay chỉ có một số cây được trái, mà số lượng cũng rất ít. Theo anh, vườn điều của gia đình có diện tích 7 sào, nếu như vụ trước thu về 1,5 tấn thì sau khi trừ chi phí anh còn lãi khoảng 30 triệu đồng. Nhưng vụ điều năm nay có thể thiệt hại gần 70% do bông bị khô héo quắt khiến số trái đậu được rất ít. “Giá điều năm nay tăng cao hơn so với mọi năm khiến người trồng điều chúng tôi rất xót xa vì không có điều để bán”, anh chia sẻ.
Gia đình ông Nguyễn Đình Dự, ấp Nhân Đức, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc cũng trong hoàn cảnh tương tự. Vườn điều 1,5 ha của gia đình cũng chỉ có lác đác vài trái trên cây. Nếu như vụ điều năm ngoái ông thu hoạch được 3 tấn thì năm nay chỉ thu về được gần 1 tấn. Ông cho biết, mảnh đất của gia đình trồng điều là vùng đất cát, thiếu nước, không một loại cây trồng nào “trụ” được ngoài cây điều, nên đến giờ ông vẫn “chung thủy” với loại cây này. “Nếu có đủ nước tưới, tôi đã chuyển qua trồng thanh long rồi”, ông cho biết thêm.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến thời điểm này diện tích điều của tỉnh đang giảm mạnh. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 10.000 ha, trong đó gần 9.700 ha cho thu hoạch, số diện tích điều trồng mới rất ít, hầu như không có. Vụ điều năm nay do thời tiết mưa trái vụ cùng các loại sâu bệnh như: bọ xít muỗi, bệnh thán thư... khiến năng suất cũng như chất lượng hạt điều giảm rõ rệt.
Anh Lý Tú, trợ lý của doanh nghiệp tư nhân Tiến Lợi, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc cho biết: “Vụ này, điều đồng loạt mất mùa nên từ đầu vụ đến nay doanh nghiệp thu mua không được bao nhiêu. Năm nay, không chỉ nông dân mà thương lái cũng thất thu vì hạt điều giảm mạnh về sản lượng và chất lượng”.
Hiện nay, mỗi ngày doanh nghiệp cần khoảng 6 tấn điều để sản xuất, nhưng tìm mua khắp nơi trên địa bàn huyện cũng chỉ thu mua được từ 4 - 5 tấn. Giống như mọi năm doanh nghiệp tìm mua hạt điều tươi từ Bình Thuận, song năm nay vùng nguyên liệu này cũng bị thất thu, chất lượng hạt không đảm bảo. Trong khi đó, giá thành hạt điều nhập khẩu dù rẻ hơn hạt điều trong nước, nhưng chất lượng không đảm bảo.
Theo ông Cao Thúc Uy, Giám đốc Công ty TNHH Cao Phát, ấp Vĩnh Bình, xã Bình Giã, huyện Châu Đức, những năm qua do giá trị kinh tế từ cây điều không ổn định nên người dân đã ồ ạt chặt đi để đầu tư trồng tiêu mang lại hiệu quả cao hơn. Trong khi đó, ngành nông nghiệp địa phương chưa có định hướng phát triển lâu dài đối với loại cây này nên diện tích ngày càng giảm mạnh.
Ông Uy cho biết, trung bình doanh thu của công ty đạt khoảng 20 triệu USD/năm nhờ xuất khẩu hạt điều, nhưng hầu hết nguyên liệu được nhập khẩu từ nước ngoài như: Ghana, Campuchia… do sản lượng ở địa phương quá ít. Cụ thể, diện tích điều trên địa bàn huyện Châu Đức là 2.140ha, năng suất 0,7 tấn/ha, tổng sản lượng khoảng 1.500 tấn, trong khi nhu cầu của công ty từ 400 - 500 tấn/tháng.
Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, nâng tỷ lệ nhân điều chế biến đạt tối thiểu 40%, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đặc biệt, chú trọng phát triển thị trường nội địa nhằm tránh những rủi ro và biến động của thị trường thế giới. Bên cạnh đó, phối hợp với Trung tâm nghiên cứu cây ăn trái miền Đông Nam bộ nhân giống điều mới để cung ứng cho bà con; triển khai mô hình thâm canh cây điều có năng suất tăng 40% và đạt 3,5 tấn/ha, lợi nhuận tăng từ 50 - 70 triệu đồng/ha so với giống điều cũ; tổ chức các lớp tập huấn về quản lý dịch bệnh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và bảo vệ thực vật trên cây điều…