Thực chất của siêu thị là một mô hình đổi mới và tạo giá trị gia tăng. Với tư cách là người tiêu dùng, nông dân hầu như chưa phải là khách hàng của siêu thị. Với tư cách là người cung cấp các mặt hàng nông sản, nông dân phải đối mặt với rất nhiều những khó khăn: Đó là những yêu cầu ngặt nghèo về độ an toàn vệ sinh thực phẩm, về khối lượng, thời gian cung cấp. Các siêu thị đều yêu cầu người cung cấp rau quả phải xuất trình được chứng chỉ về quản lý chất lượng. Nói cách khác, ngành Nông nghiệp tổ chức đưa sản phẩm vào siêu thị thì sản phẩm phải theo tiêu chuẩn chung của thị trường quốc tế: đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ. Theo ông Uwe Hoelzer, Tổng Giám đốc Tập đoàn Metro Cash & Carry: “Đối với nhà nông điều này là một thử thách, nhưng họ phải tuân theo”.
Nếu như năm 1990, Việt Nam gần như chưa có siêu thị, thì đến năm 2001 đã có 70 siêu thị với 32 ở Hà Nội và 38 ở TP HCM. Năm 2005 riêng TP HCM đã có 71 siêu thị. Điều này cho thấy siêu thị đã thực sự mang lại những lợi ích tích cực, nhưng chủ yếu đối với người thành phố… |
Trong một lần dự hội thảo về bảo vệ thương hiệu do chính quyền một địa phương tổ chức, nhiều người tham dự mới biết nhãn lồng Hưng Yên có hai loại chính. Loại trái ngọt thì nhiều nước, còn loại ít nước thì lại giòn và ít ngọt. Về thời gian bảo quản, người trồng nhãn chỉ biết áng chừng khoảng 2 – 3 ngày gì đó. Kể lại những thông tin này, bà Lê Thị Minh Trang, Trưởng phòng chất lượng của Metro Cash & Carry than phiền: “Làm sao có thể mua nhãn lồng mà hôm nay thì ngọt mai lại không ngọt. Rồi, nhân viên siêu thị sẽ trả lời sao nếu người mua hỏi giữ nhãn được trong bao lâu?”. Hơn nữa, bà Trang nói tiếp, nông dân mình trồng cây chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền miệng hơn là kiến thức khoa học. Những tập quán sản xuất như vậy nếu không thay đổi thì nông sản Việt Nam rất khó vào siêu thị, rất khó hội nhập.
Cho đến thời điểm này, việc cung cấp được hàng cho siêu thị vẫn là niềm mơ ước của người nông dân. Theo một nghiên cứu của “Dự án nâng cao hiệu quả thị trường cho người nghèo và quan hệ giữa thị trường và nông nghiệp cho những thành phố châu Á”, cho thấy: Khi bán sản phẩm cho các siêu thị người nông dân có thể có thêm thu nhập, đặc biệt đối với những người tham gia vào các tổ chức như Hợp tác xã, tổ sản xuất, nông hội. Ví dụ, khi bán 1 kg cà chua thông thường cho siêu thị Coop Mart, người nông dân ở Hợp tác xã Anh Đào (Đà Lạt) thu được lãi cao hơn 400% so với khi bán trong chợ truyền thống!. Tại Hà Nội, nông dân huyện Sóc Sơn khi cung cấp sản phẩm cho Công ty Bảo Hà để bán cho siêu thị, cũng thu được mức lời cao hơn 23% so với người mang bán ở chợ bên ngoài. Bà Cao Thị Hòa, chủ nhiệm Hợp tác xã Ngã Ba Giòng (Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: hiện nay siêu thị Metro tiêu thụ 400 kg rau quả/ngày, như: bầu, bí, cà tím, mướp khía, dưa leo… Giá bán những sản phẩm này trong siêu thị cao hơn 10-20% so với giá ở ngoài thị trường.
Hiện nay, ở các thành phố, số đơn vị đưa hàng nông sản vào siêu thị vẫn còn đếm được trên đầu ngón tay. Riêng ở thành phố Hồ Chí Minh nhờ sự phối hợp giữa sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Metro Cash & Carry đã có 12 trong tổng số 20 nhà cung cấp nông sản được tuyển chọn đưa sản phẩm vào bán tại Metro, gồm các mặt hàng như: thịt cá sấu, hoa lan, rau, chanh không hạt…. Với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, tùy tiện; nông dân không thể tự “bơi” vào siêu thị cũng như ra chợ toàn cầu WTO, vì khó đáp ứng được các yêu cầu ngặt nghèo về an toàn thực phẩm và khối lượng cung cấp. Cho thấy để giải quyết vấn đề này, phải có sự hỗ trợ từ nhiều phía. Ví dụ, ở thành phố Hồ Chí Minh có Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp, làm cầu nối giữa nông dân và các siêu thị. Tại Hà Nội, siêu thị Coop Mart hỗ trợ nông dân thông qua Hợp tác xã Ấp Đình, đưa ra những chỉ dẫn và giới thiệu những yêu cầu sản phẩm của siêu thị tới nông dân. Cũng thông qua đó, nông dân có cơ hội được hỗ trợ kiến thức tốt hơn. Trong vai trò là những nhà cung cấp tiềm năng cho siêu thị, nông dân cần tập hợp thành nhóm; rồi từ nhóm lên Hợp tác xã, các Hợp tác xã có thể liên kết lại thành các Liên hiệp Hợp tác xã để đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của thị trường và đủ sức cạnh tranh trong hội nhập./.