Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tin vắn ngành thịt, thủy sản ngày 20/12
20 | 12 | 2017
CPF dự báo tăng trưởng doanh thu 10% trong năm 2017. Triển vọng tích cực cho ngành gia cầm toàn cầu năm 2018. Xuất khẩu thủy sản Indonesia suy giảm. Thái Lan dự kiến xuất khẩu 220.000 tấn tôm năm 2018.

CPF dự báo tăng trưởng doanh thu 10% trong năm 2017

Charoen Pokphand Foods (CPF) dự báo tăng trưởng doanh thu năm 2017 sẽ đạt 10%, lên 15,34 tỷ USD, chủ yếu nhờ tăng doanh thu của các công ty con quốc tế. Sooksunt Jiumjaiswanglerg, đồng chủ tịch kiêm CEO mảng kinh doanh nông sản cho biết: “Chúng tôi đã sản xuất và xuất khẩu thịt lợn, thịt gà, và tôm, vận hành hoạt động kinh doanh và quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế”. Đồng thời, đô thị hóa đã thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm an toàn và tiện lợi, mở ra cơ hội tăng trưởng cho CPF. CPF cho biết sẽ tiếp tục cải thiện quy trình sản xuất để đáp ứng nhu cầu đang tăng và duy trì vị thế là công ty thực phẩm hàng đầu, có trách nhiệm.

Triển vọng tích cực cho ngành gia cầm toàn cầu năm 2018

Triển vọng ngành gia cầm thế giới năm 2018 được nhận định tích cực và dựa trên những yếu tố cơ bản tích cực, bao gồm: tăng trưởng nhu cầu tiếp diễn tại hầu hết các thị trường, ngoại trừ Trung Quốc, và giá TACN giảm trong nửa đầu năm 2018, theo nhận định của Rabobank. Theo Nan-Dirk Mulder, nhà phân tích cấp cao về protein động vật cho rằng cần có chiến lược tăng trưởng nguồn cung, đặc biệt là khi các yếu tố bất ổn đang nổi lên, như sự trở lại của dịch cúm gia cầm vào mùa đông tại Bắc bán cầu và nguồn cung đang tăng của các loại thịt cạnh tranh với thịt gia cầm như thịt lợn và thịt bò. Thương mại gia cầm toàn cầu sẽ trở lại tình trạng biến động, chủ yếu do cúm gia cầm, biến động tỷ giá, và những thay đổi trong chính sách thu mua của thương nhân để đối phó với các bê bối trước đây. Những nhà cung ứng mới cũng sẽ gia nhập thị trường.

Xuất khẩu thủy sản Indonesia suy giảm

Xuất khẩu thủy sản của Indonesia trong 3 năm qua liên tục suy giảm. Theo dữ liệu của Bộ Thủy sản và Nghề cá Indonesia, xuất khẩu thủy sản năm 2015 đạt 1,1 triệu tấn, giảm từ mức 1,3 triệu tấn trong năm 2014 và tiếp tục giảm 15% trong năm 2016. Budhi Wibowo, chủ tịch AP5I, dự báo xuất khẩu thủy sản Indonesia năm 2017 tiếp tục suy yếu. “Công suất hoạt động của các cơ sở chế biến thủy sản ước chỉ đạt 50%. Đồng thời, công suất hoạt động của các nhà máy chế biến surimi cũng chỉ khoảng 30%. Chúng tôi hy vọng chính phủ có thể nới lỏng quy trình cấp phép khai thác để tác động tích cực lên nguồn cung thủy sản nguyên liệu cho các nhà chế biến”. Mặt khác, chính phủ cũng nên tiếp tục thúc đẩy nuôi trồng thủy sản, vốn chỉ tăng trưởng 5% hàng năm.

Thái Lan dự kiến xuất khẩu 220.000 tấn tôm năm 2018

Các nhà sản xuất tôm tại Thái Lan sẽ tăng trưởng xuất khẩu hơn 10% trong năm 2017, theo dự báo của chủ tịch Hiệp hội tôm Thái Lan Somsak Paneetatyasai. Mỹ và Nhật Bản là các thị trường xuất khẩu chính, nhưng các nhà sản xuất đang đánh giá tích cực tiềm năng tăng trưởng của thị trường Trung Quốc. Trong 10 tháng đầu năm 2017, Thái Lan đã xuất khẩu 6.953 tấn tôm sang Trung Quốc, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2016. “Do kinh tế Trung Quốc cải thiện, nước này tăng nhập khẩu tôm”. Tuy nhiên, đồng Baht tăng giá đang tác động đến khả năng cạnh tranh của thủy sản Thái Lan. Sản lượng tôm Thái Lan được dự báo đạt 330.000 tấn trong năm 2018, tăng so với mức sản lượng ước đạt 300.000 tấn năm 2017.

Theo Asian Agribiz (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường