Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Có phân bón Lâm Thao 'tiếp sức', trồng cây đinh lăng thu trăm triệu
03 | 01 | 2018
Ngoài dùng phân bón của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho cây lúa, nhiều nông dân ở huyện Hải Hậu (Nam Định) còn dùng bón cho cây dược liệu đinh lăng. Bà con cho biết, khi sử dụng các loại phân bón của Lâm Thao cho cây đinh lăng, cây lớn nhanh rõ rệt, lại góp phần cải tạo và bảo vệ đất…

Trồng đinh lăng thu nhập hàng trăm triệu đồng

Những năm gần đây, một số xã của huyện Hải Hậu đã mạnh dạn chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu cho kinh tế cao. Trong đó, đinh lăng được chọn làm cây trồng chủ lực.

Có phân bón Lâm Thao 'tiếp sức', trồng cây đinh lăng thu trăm triệu - Ảnh 1

Từ trồng đinh lăng nhiều nông dân ở huyện Hải Hậu có thu nhập cao. Ảnh: Thu Hà

"Những năm đầu trồng dược liệu đinh lăng, tôi còn băn khoăn chưa biết bón loại phân gì cho tốt. Khi bón phân NPK của công ty Lâm Thao cho lúa, đọc hướng dẫn trên bao bì rồi tôi cũng thử bón trên diện tích nhỏ cây đinh lăng, vậy mà hiệu quả không ngờ. Bón phân Lâm Thao, cây đinh lăng cho năng suất, chất lượng cao hơn hẳn”.

Ông Bùi Văn Sớm

Chúng tôi tìm về xã Hải Quang, nơi được mệnh danh là vựa đinh lăng lớn nhất của huyện Hải Hậu với hàng trăm hộ tham gia trồng cây dược liệu quý này. Là người đầu tiên khởi xướng trồng cây đinh lăng tại địa phương, đến nay gia đình ông Bùi Văn Sớm (xóm 11, xã Hải Quang) đã sở hữu vườn đinh lăng rộng lớn, xanh mướt.

Vừa bật hệ thống phun nước tự động cho vườn đinh lăng, ông Sớm vừa vui vẻ cho biết, 1 mẫu đất được ông chia ra làm 4 mảnh, trồng và thu hoạch theo kiểu “cuốn chiếu” để luôn cũng có đinh lăng bán. Trung bình, mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 3 tấn đinh lăng.

“Mỗi một năm, gia đình tôi chỉ thu một mảnh. Sau khi thu hoạch xong, gia đình làm vồng cấy giống mới và đợi năm sau thu mảnh thứ 2, năm sau nữa thu mảnh thứ 3, cứ xoay vòng như thế... Nhà tôi không trồng đủ 3 năm mới thu hoạch 1 lần như các hộ khác” - ông Sớm cho hay.

Hiện gốc và rễ cây đinh lăng được bán với giá 35.000 đồng/kg; lá đinh lăng khô có giá 20.000 đồng/kg. Theo tính toán của ông Sớm, với khoảng 3 tấn đinh lăng/năm, gia đình ông thu lợi nhuận trên 150 triệu đồng.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng cây dược liệu đinh lăng, ông Sớm cho biết: “Những năm đầu trồng dược liệu đinh lăng, tôi còn băn khoăn chưa biết bón loại phân gì cho cây tốt. Khi bón phân NPK của Công ty Lâm Thao cho lúa, đọc hướng dẫn trên bao bì rồi tôi cũng thử bón trên diện tích nhỏ cây đinh lăng, vậy mà hiệu quả không ngờ. Bón phân Lâm Thao, cây đinh lăng cho năng suất, chất lượng cao hẳn”.

Triệu phú “mách nước” dùng phân Lâm Thao

Có phân bón Lâm Thao 'tiếp sức', trồng cây đinh lăng thu trăm triệu - Ảnh 2

Bón phân đúng cách, đinh lăng cho năng suất và chất lượng cao. Ảnh: D.V

Theo ông Sớm, kỹ thuật trồng đinh lăng rất dễ, mỗi cành chặt nhỏ ra thành từng đoạn dài 25cm (gọi là 1 hom). Về kỹ thuật trồng, cần phải lên luống cao 30cm, rộng 1m, mật độ trồng 4 cây/m2. Sau khi trồng cần tưới nước đủ ẩm trong vòng 2 tháng để đảm bảo cây sống và ra rễ. Mỗi ha nên bón lót 10 - 15 tấn phân chuồng, 400-500kg phân NPK Lâm Thao; bón toàn bộ lượng phân lót, tránh bón sát vào hom giống.

Trong năm đầu tiên trồng, sẽ tiến hành bón thúc vào tháng thứ 6 sau khi trồng. Đến cuối năm trồng thứ 2, vào tháng 9, bón thêm phân chuồng 6 tấn/ha trộn cùng 300kg NPK Lâm Thao và 100kg kali. Sau đó vun đất phủ kín phân bón để cây đinh lăng có điều kiện phát triển mạnh vào năm sau.

Ông Sớm cho biết thêm, đinh lăng thường được dùng để ngâm rượu uống và chế biến thuốc (hoạt huyết dưỡng não). Ngoài trồng đinh lăng, hiện gia đình ông Sớm còn có 3 cơ sở thu mua và chế biến đinh lăng tại các huyện Hải Hậu, Xuân Trường và huyện Giao Thủy. Nhiều năm nay, bình quân mỗi năm gia đình ông thu mua từ 400 - 500 tấn đinh lăng tươi cho bà con trong và ngoài huyện về sơ chế, sấy khô rồi bán cho Công ty dược Traphaco. Qua đó đã tạo việc làm thường xuyên cho từ 20 - 30 công nhân.

Rời gia đình anh Bùi Văn Sớm, chúng tôi đến thăm gia đình ông Bùi Văn Trung ở xóm 2 xã Hải Quang. Tìm gia đình ông Trung không khó, không phải bởi ông đang là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, mà từ lâu ông đã nổi tiếng là người mạnh dạn, dám nghĩ dám làm và thành công trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi ở địa phương. Chẳng thế mà hiện nay ông Trung là chủ trang trại VAC có diện tích 8 mẫu. Gia đình ông Trung vừa trồng dược liệu đinh lăng với trên 10.000 gốc, vừa có 6 ao nuôi các loại cá truyền thống kết hợp trồng cây dược liệu sen và 1 ao nuôi ba ba. Mmô hình VAC này mang lại cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng.

Ông Trung tâm sự: Để trồng các loại cây dược liệu như đinh lăng và nhất là để cây dược liệu như cây sen vốn là cây truyền thống cho thu nhập cao ở địa phương thì việc chăm sóc, bón phân cho cây rất quan trọng. “Nhiều năm nay, gia đình tôi vẫn quen dùng phân bón Lâm Thao. Khi bón thấy phân có chất lượng, dù lúa hay cây dược liệu là đinh lăng, sen đều tốt, ít sâu bệnh, đất luôn tơi xốp, cho hiệu quả kinh tế cao”.

Ông Phạm Văn Đà - Chủ tịch UBND xã Hải Quang cho biết: Toàn xã Hải Quang có khoảng 40ha trồng cây dược liệu đinh lăng rải rác ở tất cả các xóm. Ngoài việc vận động, khuyến khích bà con mở rộng diện tích, xã cũng rất chú trọng phối hợp với các cấp Hội ND tuyên truyền, tập huấn khoa học kỹ thuật, hướng dẫn bón phân “4 đúng” để bà con thực hành tốt việc trồng, thu hái và sơ chế nhằm đảm bảo hiệu quả, chất lượng dược liệu.

Thu Hà



Baomoi.com
Báo cáo phân tích thị trường