Đánh gia về tình hình sản xuất vụ Đông Xuân năm nay, Bộ trưởng cho rằng: Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn- thời tiết diễn biến phức tạp, hạn hán kéo dài….Song, với sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương và nỗ lực cố gắng của bà con nông dân, đến nay cơ bản 641 nghìn ha lúa Đông Xuân của các tỉnh phía Bắc đã cấy xong, trong đó nhiều diện tích lúa thuộc trà xuân sớm và xuân chính vụ đã qua giai đoạn bén rễ hồi xanh và bắt đầu vào thời kỳ đẻ nhánh và đẻ nhánh rộ. Những ngày xung quanh tết Âm lịch, nông dân đã bón thúc đợt 1 cho các trà lúa này. Qua kiểm tra đồng ruộng và phản ánh của các địa phương, hiện lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt- chưa thấy hiện tượng bất thường. Tuy nhiên, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương nhận định thời tiết trong cuối tháng 2 và tháng 3 sẽ tiếp tục có những diễn biến bất thường, nhiệt độ tăng cao hơn hẳn so với quy luật ( trung bình trên 22- 23oC). Nếu tình trạng này kéo dài và cộng thêm với việc khó khăn về nguồn nước tưới dưỡng thì khả năng lúa trỗ sớm( trước 20/4) hoàn toàn có thể xẩy ra, làm giảm năng suất lúa; nhất là những trà lúa dài ngày gieo mạ trước 20/11 và các giống ngắn ngày gieo mạ trứơc 15/12. Về một số biện pháp cần tập trung chỉ đạo trong thời gian tới, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: dù còn ý kiến khác nhau về việc có nên bón tăng hơn lượng phân đạm cho cây lúa hay không; nhưng điểm mấu chốt là phải căn cứ vào tình hình sinh trưởng, phát triển thực tế của cây lúa. Quan điểm chung là phải kết hợp nhiều biện pháp đồng bộ, kịp thời và linh hoạt trong vụ sản xuất Đông Xuân năm nay ở các tỉnh phia Bắc nhằm tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất cao- kể cả việc chuyển đổi những diện tích cao khó khăn về nước sang gieo trồng các loại rau mầu khác. Tuy nhiên, trước mắt các địa phương và các cơ quan chức năng cần kiểm tra lại tình hình thực tế diện tích lúa đã cấy, nắm chắc cơ cấu giống, mùa vụ và sự sinh trưởng phát triển của lúa… để từ đó đề ra được những nhóm giải pháp cụ thể, sát thực. Thông qua hệ thống cán bộ khuyến nông cơ sở, cán bộ bảo vệ thực vật… tổ chức hướng dẫn cho bà con nông dân các biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh; thực hiện tiết kiệm nước ở các ao, hồ, kênh mương và trên mặt ruộng. Về vấn đề cung ứng vật tư nông nghiệp nhất quyết phải đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng và giá cả ổn định - Bộ trưởng yêu cầu.