Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo nằm giữa đại ngàn Trường Sơn, giáp biên giới nước bạn Lào. Hơn năm chục năm trước đây, Lao Bảo là nơi rừng thiêng nước độc, nơi thực dân Pháp chọn xây dựng Nhà tù Lao Bảo để giam cầm các chiến sĩ cộng sản Việt Nam. Còn Lao Bảo ngày nay, đã dần mang dáng vẻ của một khu đô thị sầm uất. Không chỉ là điểm “đầu cầu” trên tuyến kinh tế hành lang Đông Tây, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo còn được coi là vùng động lực của tuyến động lực về phía Việt Nam. Từ đây, du khách và các nhà đầu tư Đông Nam Á, ASEAN có thể vào sâu nội địa Việt Nam và ra biển qua Thừa Thiên Huế và cảng Tiên Sa (thành phố Đà Nẵng), hoặc xa hơn, có thể đi theo Con đường di sản miền Trung, đi thành phố Hồ Chí Minh và nhiều điểm du lịch khác của Việt Nam. Ông Lê Hữu Thăng, Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo cho biết: Đến thời điểm này, đã có trên 60 dự án đầu tư xây dựng cơ bản vào Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, với tổng số vốn khoảng 300 tỷ đồng, góp phần làm đổi thay sâu sắc hình ảnh của một vùng miền núi biên giới miền Trung. Từ một thị trấn miền núi heo hút, hoang sơ, cơ sở hạ tầng yếu kém, kinh tế thuộc loại nghèo nhất Quảng Trị, đến nay Lao Bảo đã trở thành một Trung tâm giao dịch thương mại tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Các khu sản xuất tập trung, khu vui chơi giải trí, các công trình giao thông, điện chiếu sáng, nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, các công trình trường học, sân vận động, trạm xá… được xây dựng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, cũng như các du khách trong vùng Đông Nam Á và ASEAN. Lao Bảo ngày nay bắt đầu mang dáng dấp của một thành phố sầm uất. Ông Lê Hữu Thăng cho biết: "Từ năm 2002 đến nay, chúng tôi đã thu hút được vào đây 47 dự án đầu tư trên các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 2 nghìn tỷ đồng. Trong đó có khoảng 500 tỷ cho 17 dự án đã đi vào hoạt động, có sản phẩm”.
Hàng năm, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo mang lại nguồn thu đáng kể cho tỉnh Quảng Trị. Chỉ tính riêng trong năm qua, tổng giá trị sản xuất ở đặc khu kinh tế này đạt khoảng 270 tỷ đồng, tăng khoảng 70 tỷ đồng so với năm trước. Bức tranh tươi sáng về Lao Bảo, biểu hiện một sức bật mới, vươn lên hội nhập với thế giới ngay trên hành lang Đông Tây càng rõ nét hơn khi những ngày cuối năm qua, Thái Lan và Lào khánh thành cầu Hữu nghị 2, bắc qua sông Mê Kông. Cầu nằm trên hành lang Đông Tây, nối thông Myanmar, Thái Lan và Lào với Việt Nam. Ngay trong ngày khánh thành, đoàn khách du lịch đầu tiên, đi trên những chiếc xe ca-ra-van, loại xe du lịch gia đình của Thái Lan đã đến Việt Nam, mở đầu cho một giai đoạn hội nhập mới của Quảng Trị. Ngay trong những ngày đầu, quý đầu năm 2007, đã có nhiều dự án bắt đầu triển khai tại Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo.
Khu du lịch "Việt Nam giang sơn cẩm tú"
Cách tết Đinh Hợi 2 tuần, Tổng công ty Mai Linh khởi công xây dựng ở đây một khu công nghiệp du lịch mang tên "Việt Nam giang sơn cẩm tú". Công trình có số vốn 3 triệu USD đầu tư hoàn chỉnh từ bãi đỗ xe để cho thuê xe đến nhà hàng, khách sạn… và đặc biệt, Mai Linh quy hoạch xây dựng những hình ảnh trên biển của các địa phương trong cả nước để quảng bá, giới thiệu với du khách đến từ các nước trong khu vực. Quý 1 này, Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển thương mại Thái Dương- Lao Bảo, doanh nghiệp hoàn toàn vốn nước ngoài sẽ đưa vào hoạt động một số hạng mục chính của dự án đầu tư “Khu thương mại Trung Quốc” tại Lao Bảo. Một doanh nghiệp ở tỉnh Mục-đa-hán (Thái Lan) sẽ khởi công dự án “Siêu thị và nhà hàng Thái Lan", doanh nghiệp Thái Hà của Hà Nội xây dựng khách sạn Thái Ninh ở Khe Sanh v.v… Các doanh nghiệp “bản địa Quảng Trị” cũng không chịu ngồi yên, mà chủ động tìm hướng đi để chớp lấy cơ hội hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới ngay trên hành lang Đông Tây. Điển hình là Công ty thương mại Quảng Trị, với thương hiệu là Sê Pôn, tên con sông chung của 2 nước Việt – Lào. Đến nay, Công ty thương mại Quảng Trị đã có một khách sạn lớn tại Trung tâm thương mại đặc biệt Lao Bảo, một Trung tâm lữ hành quốc tế chuyên mở tua du lịch đón đầu dòng khách 2 chiều trên tuyến Đông Tây. Không những thế, Sê Pôn còn là thương hiệu của nhà phân phối sản phẩm độc quyền của 8 tập đoàn lớn Thái Lan ở Lao Bảo. Ông Hồ Đại Nam, Giám đốc Công ty thương mại Quảng Trị cho biết: “Càng nghiên cứu càng thấy hành lang mở ra nhiều cơ hội. Nếu doanh nghiệp biết khai thác thì cơ hội nhiều hơn là thách thức. Để đón đầu dòng chảy hàng hoá 2 chiều giữa Thái Lan và Trung Quốc, trong chiến lược của công ty, cùng với đầu tư khách sạn Sê-pôn, chùng tôi đầu tư một tổng kho ngoại quan lớn ngay gần cửa khẩu- rồi lập dự án và chuẩn bị khởi công một trung tâm dịch vụ lớn tại khu làng Vây cũng nằm trong khu thương mại Lao Bảo".
Trung tâm thương mại Lao Bảo, với diện tích sàn 10.000 m2, được đưa vào sử dụng từ năm 2003 đã trở thành một địa chỉ mua sắm yêu thích của nhiều người dân trong nước và nước ngoài. Chị Nguyễn Thị Nga, một du khách đến từ Hà Tây nói với chúng tôi “Đến đây chủ yếu tôi mua một số đồ dùng như rượu ngoại, bánh kẹo, thuốc lá ngoại và mỹ phẩm của Thái Lan. Gia đình tôi rất thích nên có dịp đến là tôi không thể bỏ qua những mặt hàng này" .
Mùa xuân này có dịp lên Lao Bảo, trong khi mưa giăng mắc đầy các khu rừng phía đông Trường Sơn, thì ở bên kia, nắng vàng rực khắp một vùng rộng lớn phía tây. Những cánh mai rừng xoè hoa, như xôn xao, mời gọi… Chắc chắn rằng trong một tương lai không xa, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo sẽ trở thành một trung tâm kinh tế văn hoá, một động lực cho sự phát triển toả sáng trên vùng biên giới miền Trung./.