Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá cá tra và tôm thẻ chân trắng tiếp tục diễn biến trái chiều
05 | 06 | 2018
Trong tháng 5, giá cá tra nguyên liệu vẫn ở mức cao, giá tôm sú ổn định, trong khi giá tôm thẻ chân trắng giảm do giá thế giới giảm.

Khai thác thủy sản vẫn thuận lợi

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), sản lượng khai thác thủy sản thác tăng so với cùng kỳ năm trước do thời tiết thuận lợi. Theo đó, 5 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản ước đạt 1,3 triệu tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, khai thác biển ước đạt 1,2 triệu tấn, chiếm 92% tổng lượng khai thác. 

Tuy nhiên, sản lượng đánh bắt cá ngừ có xu hướng giảm. Theo báo cáo của ba tỉnh chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương, sản lượng trong 5 tháng ước đạt 9.227 tấn, giảm 8% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, tại Phú Yên sản lượng khai thác ước đạt 2.287 tấn; Bình Định đạt 4.750 tấn; Khánh Hòa đạt 2.190 tấn. 

Giá trị xuất khẩu thuỷ sản 5 tháng ước đạt 3,12 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cá tra tiếp tục tăng

Theo Bộ Công Thương, sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 5 ước đạt 334.000 tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, đưa tổng sản lượng 5 tháng ước đạt 1,3 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong tháng 5, giá cá tra nguyên liệu vẫn ở mức cao. Người dân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng cường nuôi cá tra trở lại. 

Nguồn: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại tổng hợp

Sản lượng nuôi cá tra của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong 5 tháng ước đạt 485.300 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số tỉnh nuôi cá tra trọng điểm đạt sản lượng cao như Đồng Tháp đạt 161.900 tấn, tăng 8%; An Giang đạt 125.000 tấn, tăng 9%; Cần Thơ đạt 74.000 nghìn tấn, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm đạt 760 triệu USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Bộ NN&PTNT nhận định với tình hình trên, nguồn cá nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu trong năm 2018 sẽ hạn chế, tuy nhiên giá cá tra xuất khẩu đạt ở mức tốt và dự báo có thể kéo dài cả năm 2018.

Thị trường tôm vẫn ảm đạm

Trong khi đó, giá tôm thẻ chân trắng giảm, loại 60 - 70 con/kg hiện chỉ còn ở mức 100.000 - 110.000 đồng/kg (trước đó giá hơn 120.000 đồng/kg); tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giảm từ mức khoảng 90.000 đồng/kg xuống còn khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg. 

Giá tôm thẻ chân trắng giảm do ảnh hưởng bởi giá thế giới giảm, một số nước xuất khẩu tôm trên thế giới đã giảm giá bán để cạnh tranh. Trong khi đó, giá bán tôm sú vẫn khá ổn định. Hiện, tôm sú loại 30 con/kg có giá 205.000 - 225.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 150.000 - 165.000 đồng/kg. 

Sản lượng tôm nước lợ của cả nước 5 tháng ước đạt 176.000 tấn, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng tôm sú ước đạt 85.800 tấn, sản lượng tôm thẻ ước đạt 90.200 tấn. 

Mặc dù vậy, kim ngạch xuất khẩu tôm 5 tháng vẫn đạt gần 1,3 triệu USD tăng nhẹ 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, xuất khẩu tôm gặp khó khăn lớn tại thị trường Mỹ. Theo đó, nước này đẩy mạnh nhập khẩu tôm từ Indonesia, Trung Quốc, Mexico…trong khi giảm nhập khẩu từ Thái Lan và Việt Nam. Do đó, trong khi thị phần tôm của nhiều nước được cải thiện so với cùng kỳ năm trước thì thị phần của Thái Lan và Việt Nam giảm. 

Giá tôm xuất khẩu của Việt Nam đã giảm tới 20% so với cuối năm ngoái nhưng vẫn khó bán vào thị trường Mỹ vì người mua nghĩ giá sẽ giảm nữa. Hơn nữa, trên thị trường Mỹ, các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam cũng phải cạnh tranh mạnh với tôm Ấn Độ bán giảm giá. Giá tôm nhập khẩu trung bình của Ấn Độ vào Mỹ đạt 9,9 USD/kg trong quý I/2018 trong khi giá trung bình tôm Việt Nam vào thị trường này lên tới 11,4 USD/kg.

Ấn Độ là nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ với 14.950 tấn trong tháng 3, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 với lượng đạt 3.191 tấn giảm 1,7% so với tháng 3/2017. 

Nguồn: Đức Quỳnh/Vietnambiz, Kinh tế & Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường