Sản lượng rau có thể giảm hơn 30%, đặc biệt là tại các khu vực thời tiết nóng như miền nam châu Âu, các dải đất từ châu Phi tới Nam Á, theo các nhà nghiên cứu từ London School of Hygiene and Tropical Medicine công bố kết quả.
Thông qua phân tích trên 40 nước, với một số nước có dữ liệu từ năm 1975 đến nay, các nhà nghiên cứu phát hiện ra mức tăng mạnh trong phát thải khí nhà kính, tình trạng khan hiếm nước và nhiệt độ trên toàn cầu đã làm giảm sản lượng các loại rau và đậu. Những thay đổi mạnh mẽ này có thể đẩy giá rau tăng, tác động mạnh nhất tới các cộng đồng nghèo khó nhất, theo nghiên cứu nhận định. “Nếu trong giả định “không có gì thay đổi”, những thay đổi môi trường sẽ làm giảm mạnh tính sẵn có của các loại thực phẩm hết sức quan trọng này trên toàn cầu”, theo ông Alan Dangour, đồng tác giả nghiên cứu nhấn mạnh.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng nhiẹt độ thế giới cso thể tăng thêm 2 – 4,9 độ C trong thế kỷ này so với giai đoạn tiền công nghiệp hóa. Điều này dẫn đến những hình thái thời tiết nguy hiểm – bao gồm các đợt hạn hán nghiêm trọng và thường xuyên hơn, lũ lụt và bão mạnh – làm tăng áp lực lên ngành nông nghiệp.
Sản xuất thực phẩm cũng chính là một yếu tố chính góp phần vào biến đổi khí hậu. Nông nghiệp, lâm nghiệp và những thay đổi trong sử dụng đất tổng cộng chiếm gần 25% phát thải khí nhà kính toàn cầu, đưa nhóm này làm nhóm gây phát thải lớn thứ 2 sau ngành năng lượng, theo tính toán của FAO.
Lượng thực phẩm chuyển chở trên khắp thế giới cũng đang góp phần làm trầm trọng thêm vấn đề ấm lên toàn cầu. Nhu cầu đối với thực phẩm trên toàn cầu dự báo tăng mạnh khi dân số thế giới dự báo chạm mốc 9,8 tỷ người đến năm 2050, từ mức 7,6 tỷ người hiện nay. Sản xuất trồng trọt hiện chiếm 11% bề mặt đất đai thế giới, và các đồng cỏ chăn nuôi chiếm 26% diện tích đất không đóng băng, theo tổ chức OECD tính toán.
Nông nghiệp cũng chiếm khoảng 70% tổng lượng nước sử dụng trên toàn cầu, theo OECD cho hay. Khan hiếm nước hiện đã tác động tới hơn 40% dân số thế giới, theo tính toán của UN. Con số trên dự báo sẽ tăng lên do sự ấm lên toàn cầu, với cứ mỗi 1/4 người dự báo sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nước nghiêm trọng đến năm 2050. “Các hành động khẩn cấp cần được triển khai, bao gồm hỗ trợ ngành nông nghiệp tăng cường khả năng chống chịu với những thay đổi về môi trường”, ông Dangour phát biển. “Và đây phải là ưu tiên của các chính phủ trên toàn thế giới”.
Theo Reuters (gappingworld.com)