Ngành nông nghiệp Ấn Độ cũng lo ngại rằng động thái áp thuế phòng vệ lên nhập khẩu phosphoric acid từ Mỹ có thể sẽ không phát huy tác dụng. Nhập khẩu phosphoric acid của Ấn Độ lên tới 2,4 triệu tấn, trong khi nhập khẩu từ Mỹ chỉ khoảng 200.000 tấn; phần lớn lượng nhập khẩu đến từ Morocco, Senegal và Jordan.
Là một phần trong các biện pháp trả đũa chống lại Mỹ, chính phủ Ấn Độ đã tăng thuế đối với phosphoric acid từ 5% lên 20%. “Tăng thuế đối với hàng hóa từ Mỹ có thể đẩy giá phosphoric acid từ các nguồn cung cấp khác”, theo một tác nhân ngành nhận định. Giá phosphoric acid hiện vào khoảng 730 USD/tấn, tăng khoảng 150 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà sản xuất phân bón Ấn Độ đã điều chỉnh giá phân DAP 3 – 4 lần trong 6 tháng vừa qua để đối phó với tình trạng tăng giá phosphoric acid trên thị trường thế giới. Giá phân bón DAP bán lẻ đã tăng 18 – 20% kể từ tháng 1. So với cùng kỳ năm ngoái, giá phân DAP và MoP đã tăng khoảng 24 – 27%.
Giá phân bón tăng càng khiến ngành nông nghiệp Ấn Độ lo lắng về hoạt động sản xuất kinh doanh, trừ khi mùa mưa diễn ra trên diện rộng cả nước. Giá nông sản thấp đang gây thiệt hại cho lợi nhuận của nông dân và làm giảm sức mua của họ. Tiến triển mùa mưa diễn ra chậm và giá phân bón thế giới tăng nên Indian Potash Ltd vẫn đang đánh giá nhu cầu để chốt các hợp đồng, theo giám đốc điều hành PS Gahlaut. “Tình hình giá hiện nay không có lợi cho Ấn Độ”.
Nhập khẩu MoP hàng năm của Ấn Độ vào khoảng 4,5 triệu tấn. Ông PS Gahlaut cho biết tồn kho MoP của Ấn Độ vào khoảng 2 triệu tấn, sẽ giúp đáp ứng nhu cầu trong vụ sản xuất chính. Năm tài khóa 2017-18, doanh số DAP trên thị trường Ấn Độ là 8,98 triệu tấn, tăng nhẹ so với năm tài khóa; trong cùng năm, nhập khẩu DAP của Ấn Độ là 4,22 triệu tấn và sản xuất nội địa là 4,65 triệu tấn.
Theo The Hindu Business Line (gappingworld.com)