Boonyarit Kalayanamit, lãnh đạo cơ quan quản lý thương mại nội địa, dẫn lời thủ tướng cho rằng kế hoạch này sẽ giúp nông dân tránh khỏi thiệt hại do bất ổn giá. Ông Boonyarit cho biết Bộ Thương mại đã lên lịch tổ chức cuộc họp liên bộ đầu tiên giữa ba bộ vào ngày 28/6 để thảo luận về phân vùng nông nghiệp, thúc đẩy các nhà máy chế biến tại mỗi khu vực và hợp tác với khu vực tư nhân để giúp kết nối người mua với người sản xuất và gia tăng giá trị cho hàng hóa nông sản. “Một trong những vấn đề kinh niên khiến giá nông sản suy giảm là sản xuất hàng loạt – trường hợp nông dân bị hấp dẫn bởi những đợt tăng giá ngắn hạn và quyết định sản xuất hàng loạt một loại cây trồng”, ông phát biểu. “Điều này dẫn đến tình trạng dư cung và tất yếu là giá giảm. Hợp tác chặt chẽ giữa các bộ chức năng sẽ giúp giải quyết triệt để vấn đề này, bất kể là trong ngành gạo, tinh bột sắn, ngô, dứa hay tỏi”.
Ông Boonyarit cho rằng chính phủ Thái Lan nên thúc đẩy hợp đồng sản xuất giữa các nhà máy chế biến và nông dân để đảm bảo tính chắc chắn của nguồn cung nguyên liệu thô và ổn định giá, đặc biệt là đối với hàng hóa nông sản phụ thuộc nặng nề vào các thị trường xuất khẩu. “Ví dụ như dứa, khoảng 90% tổng sản lượng dứa Thái Lan dùng để xuất khẩu, hợp đồng sản xuất là cần thiết để ổn định giá”, ông phát biểu. “Sự phát triển hệ thống nhà máy chế biến cần sự khuyến khích, đặc biệt là tại các khu vực còn thiếu các nhà máy như khu vực miền Bắc”.
Về một vấn đề liên quan, ông Boonyarit cho rằng Bộ Thương mại có kế hoạch đề xuất Hội đồng Quản lý và Chính sách ngành gạo xem xét gia hạn thêm cơ chế vay cho nông dân đồng thuận hoãn bán lúa gạo theo chính cách cam kết kho gạo cho niên vụ 2018-19.
Chính phủ Thái Lan thông qua ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước là Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác nông nghiệp (BAAC) để dành ra hơn 80 tỷ Baht cho các khoản vay và trợ cấp tiền mặt cho nông dân trồng lúa – những người hoãn bán lúa để bình ổn giá lúa năm 2017-18.
Theo cơ chế cho vay và trợ cấp tiền mặt 83,7 tỷ Baht, 21 tỷ Baht được dành cho những người hoãn bán lúa, 3 tỷ Baht dành cho trợ cấp tiền mặt cho những nông dân trữ lúa trong các kho theo thời gian chỉ định, 12,5 tỷ Baht được phân bổ cho các tổ chức nông nghiệp thu mua lúa từ các thành viên để gia tăng giá trị, và 47,3 tỷ Baht trợ cấp tiền mặt cho 3,9 triệu nông dân đã đăng ký với Cơ quan Khuyến nông Quốc gia để trợ cấp chi phí thu hoạch.
Theo cơ chế cho vay trên, BAAC cung cấp tín dụng dựa trên giá gạo trung bình trong 3 năm qua: 10.800 Baht/tấn (328,2 USD/tấn) cho lúa gạo Hom Mali và lúa gạo nếp; 7.200 Baht/tấn (218,8 USD/tấn) đối với lúa gạo trắng và 8.500 Baht/tấn (258,36 USD/tấn) đối với lúa gạo thơm Pathum Thani. Các nông dân lẻ có hạn mức các khoản vay là 300.000 Baht; trong khi hạn mức cho các HTX nông nghiệp, các cụm nông dân và các doanh nghiệp cộng đồng lần lượt là 300 triệu Baht, 20 triệu Baht và 5 triệu Baht.
Chính phủ trợ cấp lãi suất trị giá tổng cộng 453 triệu Baht nhưng những người đi vay không thanh toán được nợ trong vòng 5 tháng sẽ phải tự mình thanh toán toàn bộ lãi suất. Chính sách trên nhằm hoãn bán ra 2 triệu tấn lúa trong mùa thu hoạch hàng năm. Những nông dân tham gia chính sách này đồng ý giữ lúa trong kho sẽ nhận được 1.500 Baht/tấn, trong khi tất cả nông dân trồng lúa đều nhận được 1.200 Baht/rai cho chi phí thu hoạch và gia tăng giá trị cho lúa gạo, với hạn mức 12.000 Baht/hộ.
Sản xuất lúa Thái Lan niên vụ 2018/19 dự báo đạt 30 triệu tấn, giảm 1 – 2 triệu tấn so với niên vụ 2017/18, chủ yếu là do dự báo có hạn hán.
Theo Bangkok Post (gappingworld.com)