Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sữa Việt chinh phục thị trường Trung Quốc
04 | 01 | 2020
Năm 2019 đánh dấu bước ngoặt lớn của ngành sữa Việt Nam khi lần đầu tiên những sản phẩm sữa Việt chính thức được phép xuất khẩu (XK) chính ngạch sang Trung Quốc - thị trường tiêu dùng sữa lớn thứ 2 thế giới với những đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng. Đây là “trái ngọt” cho sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp (DN) và người nông dân.

Đơm trái ngọt

Công ty Cổ phần Sữa TH (Tập đoàn TH) là DN đầu tiên được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã giao dịch cho phép XK sản phẩm sữa tươi tiệt trùng và sữa biến đổi sang thị trường Trung Quốc. Như vậy, thị trường tiêu dùng sữa lớn thứ 2 thế giới - chỉ sau thị trường Mỹ, đã “mở cửa” cho các sản phẩm sữa XK chính ngạch của Việt Nam.

Quá trình chuẩn bị cho XK sữa và sản phẩm sữa từ Việt Nam sang Trung Quốc được khởi động từ năm 2013. Mất gần 6 năm để hoàn thiện hồ sơ đánh giá rủi ro, với nhiều nỗ lực, ngày 26/4/2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký “Nghị định thư về yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam XK sang Trung Quốc”. Chỉ 6 tháng sau sự kiện quan trọng này, đã có DN đầu tiên được cấp mã số giao dịch.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhận định, việc Việt Nam XK sữa tươi vào Trung Quốc theo con đường chính ngạch có nhiều ý nghĩa. Theo đó, khẳng định tái cơ cấu nông nghiệp, ưu tiên trục XK nông sản là đúng hướng - mục tiêu và giải pháp để tổ chức lại sản xuất; mở đường cho nông sản vùng miền tham gia vào chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu…

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) - nhận xét, Trung Quốc đang triển khai áp dụng chặt chẽ các quy định về ghi nhãn mác, truy xuất nguồn gốc và yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm XK vào Trung Quốc, hạn chế thương mại tiểu ngạch. Sữa Việt được XK chính ngạch sang thị trường này cho thấy, ngành sữa Việt Nam ngày càng phát triển, hội nhập với thế giới. DN sản xuất sữa đã xây dựng được các mô hình trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản trị; sản phẩm sữa sản xuất hoàn toàn đáp ứng các quy chuẩn, quy định khắt khe của thị trường Trung Quốc.

Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp

Với hơn 1,4 tỷ dân, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới về nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa. Theo dự báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc, nhu cầu tiêu thụ sữa và các sản phẩm sữa của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cao. DN Việt Nam XK được sản phẩm sữa sang thị trường Trung Quốc sẽ tạo cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi bò sữa và sản xuất, chế biến sữa của Việt Nam.

Để rộng đường XK, ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) - cho hay, đối với 4/5 DN đăng ký trong đợt 1 chưa được phép XK, Bộ sẽ tiếp tục đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm xem xét, đánh giá và cho biết kết quả về hồ sơ đăng ký XK sữa. Đối với DN đăng ký XK sữa trong đợt 2, Bộ tiếp tục kiểm tra, giám sát các điều kiện; phổ biến, hướng dẫn cụ thể DN lập hồ sơ đăng ký XK theo yêu cầu tại Nghị định thư để gửi cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc tổ chức thẩm định, đánh giá. Cục đang tập trung triển khai nhiều nội dung, dự kiến đến tháng 12/2022 sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đánh giá công nhận vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh.

Trong các ngành hàng nông sản XK, khó nhất là ngành sữa với các yêu cầu an toàn thực phẩm, dinh dưỡng. Việc XK lô sữa đầu tiên của Việt Nam sang Trung Quốc đánh dấu bước ngoặt của nông nghiệp Việt Nam, thể hiện chất lượng nông sản hàng hóa đã được nâng lên. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba tin tưởng, sẽ có nhiều DN Việt Nam được cho phép XK sữa sang Trung Quốc; đồng thời hy vọng hai bên sẽ cùng nỗ lực thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác, đặc biệt trong những vấn đề về nông nghiệp có tính bổ trợ cho nhau.

Với việc Trung Quốc “mở cửa” cho sản phẩm sữa Việt Nam, ngành sữa kỳ vọng, kim ngạch XK sang thị trường này sẽ tăng từ 120 triệu USD lên 300 triệu USD vào năm 2020.

Theo báo Công thương



Báo cáo phân tích thị trường