Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bộ NN&PTNT: Tái đàn an toàn sinh học, tăng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm
25 | 03 | 2020
Ngoài việc tập trung chỉ đạo tái đàn heo theo hướng đảm bảo an toàn sinh học, Bộ NN&PTNT còn đang đẩy mạnh, kết nối với các doanh nghiệp tăng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong nước.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết tại cuộc họp về phòng chống dịch bệnh trên động vật và thúc đẩy sản xuất và nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học diễn ra chiều 24/3, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ, đối mặt với “thách thức kép” trong bối cảnh dịch COVID- 19 diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu và dịch bệnh trong chăn nuôi, các đơn vị trực thuộc Bộ phải nỗ lực tìm mọi giải pháp để đảm bảo thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu; trong đó có việc tái đàn chăn nuôi heo. 

Kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học cho thấy, không chỉ giúp tiết kiệm chi phí chăn nuôi mà còn giúp nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, từ đó phòng chống hiệu quả các bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch tả heo châu Phi.

Tuy nhiên, điều kiện để nhân rộng mô hình này đòi hỏi các trang trại chăn nuôi phải được xây dựng ở địa điểm phù hợp, đảm bảo cự li an toàn với các khu vực xung quanh.

Mặt khác, cần áp dụng các biện pháp an toàn sinh học theo 3 vùng, gồm: vùng lõi, vùng đệm và vùng giám sát; nhất là việc áp dụng triệt để chương trình phòng bệnh theo điều kiện dịch tễ giúp các trại heo phòng tránh dịch bệnh hiệu quả. 

Nếu kiểm soát tốt qui trình chăn nuôi an toàn sinh học, các trang trại có thể duy trì môi trường an toàn dịch bệnh cho đàn heo trong thời gian dài và cung ứng cho thị trường các sản phẩm thịt đảm bảo chất lượng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngoài việc tập trung chỉ đạo tái đàn heo theo hướng đảm bảo an toàn sinh học, Bộ NN&PTNT còn đang đẩy mạnh, kết nối với các doanh nghiệp tăng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong nước.

Bên cạnh đó Thứ trưởng yêu cầu Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cần đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn các địa phương và người chăn nuôi các giải pháp bảo đảm an toàn sinh học trong quá trình nuôi mới để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt heo của thị trường. Đồng thời khẩn trương xây dựng các mô hình tái đàn chăn nuôi an toàn sinh học trên cả 3 vùng Bắc – Trung – Nam.

“Mô hình an toàn sinh học phải có cơ sở thuyết phục, lựa chọn tỉnh nào, làm thí điểm mô hình ở 1 tỉnh trong một khoảng thời gian, vì bây giờ đến đầu quí III mới nguồn cung thịt heo mới có thể tăng trở lại. Những tỉnh chọn triển khai mô hình là những địa phương đã làm nghiêm túc các Chỉ thị và đến nay vẫn giữ được đàn heo, qua đó sẽ nhân rộng thời gian tới", Thứ trưởng cho hay.

Ngoài ra theo ông Tiến trong hoàn cảnh này, thực phẩm 5,8 triệu tấn, sản phẩm chăn nuôi là 1,2 tấn sữa, khoảng 14,5 tỉ quả trứng và 8,5 triệu tấn thuỷ sản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa là ứng phó với dịch COVID-19 vừa phải đảm bảo được mục tiêu kép là sản xuất và xuất khẩu. 

Theo Kinh tế & Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường