Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2020 cơ bản hoàn thành mục tiêu
18 | 01 | 2021
Mặc dù đối mặt nhiều khó khăn nhưng kết thúc năm 2020 ngành gỗ vẫn đạt được những kết quả khả quan, về kim ngạch xuất khẩu đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra, ước đạt 12,32 triệu USD so với mục tiêu 12,5 tỷ USD.

Nguồn: Vietnambiz.vn

Báo cáo của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ cả năm 2020 đạt 12,32 tỷ USD, tăng 15,7% so với năm 2019. 

Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020, chiếm 78,1% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

So với cùng kỳ năm 2019 trong 11 tháng đầu năm 2020 giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh tại các thị trường như Mỹ tăng 1,6 tỷ USD tương đương tăng 34%, Canada tăng 24,7 triệu USD tương đương tăng 14.4%, Australia tăng 15,4 triệu USD tương đương tăng 11,1%, Thái Lan tăng 7,1 triệu USD tương đương tăng hơn 19% và Bỉ tăng 5,4 triệu USD tương đương tăng hơn 15%.

Ngược lại, trong 11 tháng đầu năm 2020 một số thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh như Anh giảm 77 triệu USD tương đương giảm hơn 27%, Pháp giảm 18,7 triệu USD tương đương giảm 16,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Như vậy, mặc dù đối mặt nhiều khó khăn như tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, thiên tai bão lũ trong nước, các cáo buộc về nguồn gốc nguyên liệu gỗ nhưng kết thúc năm 2020 ngành gỗ vẫn đạt được những kết quả khả quan, về kim ngạch xuất khẩu đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra, ước đạt 12,32 triệu USD so với mục tiêu 12,5 tỷ USD.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2020 cơ bản hoàn thành mục tiêu - Ảnh 1.

Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam. (Ảnh: Như Huỳnh).

Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho rằng kết quả này cho thấy sự nỗ lực, sáng tạo của người sản xuất, doanh nghiệp, hiệp hội và các đơn vị quản lý nhà nước trong việc tận dụng các lợi thế do các hiệp định thương mại tự do mới mang lại.

Đồng thời là sự đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, tiếp thị như đa dạng mẫu mã, tiến hành tiếp thị online qua các triển lãm trực tuyến, tìm kiếm phát triển thị trường mới… và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong nước, hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh. 

Ở chiều ngược lại giá trị nhập khẩu tháng 12/2020 ước đạt 300 triệu USD, đưa tổng giá trị gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu cả năm 2020 đạt 2,57 tỷ USD, tăng 0,9% so với năm 2019. 

Trong 11 tháng đầu năm 2020, 32,7% trong tổng giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam là từ thị trường Trung Quốc, 12,7% từ thị trường Mỹ và 5% từ thị trường Thái Lan.

Trong khi nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020 từ thị trường Trung Quốc tăng trưởng hơn 29%, Thái Lan tăng 10,5% thì nhập khẩu từ thị trường Mỹ lại giảm 6,9%. 

Với dự báo về kinh tế chung của thế giới và Việt Nam năm 2021 sẽ hồi phục và đạt được mức tăng trưởng tốt, đặc biệt khi vắc xin COVID-19 được đưa vào sử dụng trên diện rộng, ngành gỗ được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng tốt nếu tiếp tục phát huy sự sáng tạo, đổi mới như trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, thực thi nghiêm các quy định về nguồn gốc gỗ nguyên liệu, tránh các gian dối về xuất xứ hàng hóa, giảm các rủi ro về phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu.

Đồng thời, bảo vệ, phát triển các vùng nguyên liệu trong nước, quy hoạch và phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

 



Báo cáo phân tích thị trường