Công bố khung giá –thuế nhập khẩu xăng
Ngày 31/5, Bộ Tài chính công bố việc ban hành khung giá -thuế này. Đây là biện pháp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể tự xác định và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh thông qua chính sách thuế. Có 5 mức giá - thuế tương ứng được áp dụng, gồm: mức thuế 0% tương ứng với giá 89 USD/thùng xăng A92, mức thuế 5% tương ứng với giá 83 USD - dưới 89 USD/thùng xăng A92; mức thuế 10% tương ứng với giá 78 USD-dưới 83 USD/thùng xăng A92; mức thuế 15% tương ứng với giá 72 USD - dưới 78 USD/thùng xăng A92; mức thuế 20% tương ứng với giá đến dưới 72 USD/thùng xăng A92. Bộ Tài chính cho biết, cùng với khung giá - thuế, thời gian tới, bộ này sẽ công bố cách tính giá xăng để người dân có thể giám sát việc bán lẻ xăng của các doanh nghiệp.
Cân đối giá vận chuyển xuất khẩu gạo
Các doanh nghiệp trong nước đã ký hợp đồng xuất khẩu tổng cộng 3,5 triệu tấn gạo. Trong 5 tháng chỉ giao xuống tàu khoảng 500.000 tấn nên lượng gạo xuất khẩu 5 tháng mới đạt 1,8 triệu tấn, giảm 4% sov ới cùng kỳ năm trước nhưng kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 516 triệu USD tăng 4%.
Nguyên nhân vì giá gạo thế giới tăng và năm nay gạo Việt Nam xuất khẩu đa phần chất lượng cao. Bên cạnh đó, lượng gạo xuất khẩu tăng chậm còn do giá vận chuyển tàu biển tăng cao nên bên mua chậm nhanạ hàng. Trong tháng 6, Hiệp hội lương thực Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp thành viên giao gạo giá 300 USD loại 5% tấm, 295 USD với loại 15% tấm, 285 USD với gạo 25% tấm. Mức giá này đã cân đối với phí vận tải, xếp dỡ container.
Thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam sẽ giảm trong thời gian tới
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội hép Việt Nam, trong thời gian tới, thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam sẽ giảm mạnh. Nguyên nhân là do từ ngày 1/6/2007, Trung Quốc sẽ nâng thuế xuất khẩu phôi thép lên 15%. Cũng trong thời điểm này, quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới này cũng nâng thuế xuất khẩu đối với thép thanh lên 10% và với thép tấm lên 5%.
Dự kiến năm 2007, Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 17.000 tấn chè
Lượng chè xuất khẩu của Việt Nam vào Ấn Độ chiếm 47,40% trong tổng số 23.940 tấn chè nhập khẩu của Ấn Độ. Việt Nam là nước xuất khẩu chè lớn nhất vào Ấn Độ. Tiếp theo là Nepal với 3.370 tấn, Kenya với 2.450 tấn, Indonesia với 1.590 tấn và Sri Lanka với 180 tấn… Các công ty xuất khẩu sang Ấn Độ là các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty nhà nước trong phạm vi cả nước, nhưng tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Hiện nay, thuế hải quan cho nhập khẩu chè (mã HS 0902) của Ấn Độ ở mức rất cao là 100%. Do đó, hầu hết chè Việt Nam được nhập khẩu với giá thấp để chế biến, pha trộn với chè địa phương, thay đổi bao bì và tái xuất sang các nước khác như Iraq, các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Nga, Pakistan, Iran, Ai cập… Dự kiến năm 2007, Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 17.000 tấn, tăng 50% về lượng và đạt trị giá 13,56 triệu USD, tăng 60%.
Khánh Hoà: các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ngày càng nhiều
Tháng 5 toàn tỉnh đã có thêm 5 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nâng số doanh nghiệp có hàng xuất khẩu của Khánh Hoà đến nay lên 106 đơn vị. Trong tháng, Khánh Hoà đã xuất khẩu hơn 46.000 tấn cát trắng, 10.000 tấn sắn lát, 4.800 tấn hải sản các loại, 240 tấn hạt điều, hơn 300 tấn cà phê, 20 tấn hạt sen, 7,1 triệu USD hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may và các loại hàng hoá khác, đạt doanh thu 43,2 triệu USD, tăng 3,4% so với tháng 4.
Từ đầu năm đến nay, Khánh Hoà đã xuất khẩu vào thị trường 58 nước trên thế giới gồm các mặt hàng thuỷ sản đông lạnh, hạt điều, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng dệt may các loại...tăng từ 6,1%-36,9% so với cùng thời điểm này năm ngoái, đạt tổng kim ngạch gần 196 triệu USD, tăng 4%. Trong số này, thị trường châu Á đạt 99,5 triệu USD, thị trường châu Âu và châu Mỹ đạt từ 34,8 đến 42,4 triệu USD. Riêng 2 mặt hàng cà phê và hàng nông sản giảm mạnh từ 25,6% đến 60,1% .
Xuất khẩu sản phẩm gỗ có nguồn gốc nhập khẩu
Bộ Tài chính đã có hướng dẫn thống nhất thực hiện chính sách thuế xuất nhập khẩu đối với sản phẩm gỗ xuất khẩu có nguồn gốc nhập khẩu như sau: Sản phẩm gỗ nhập khẩu sau đó xuất khẩu (bao gồm nhập khẩu tái xuất khẩu, và sản phẩm gỗ sản xuất từ gỗ nhập khẩu) không phải nộp thuế xuất khẩu khi xuất khẩu, nếu mặt hàng có thuế xuất khẩu.
Về hồ sơ thủ tục:
Đối với hàng hóa nhập khẩu tái xuất khẩu (hàng xuất khẩu đúng là hàng nhập khẩu chưa qua chế biến, sản xuất tại Việt Nam); thực hiện như hàng hóa kinh doanh tạm nhập- tái xuất, ngoài ra phải có thêm giấy tờ chứng minh nguồn gốc gỗ nhập khẩu (giấy xác nhận của kiểm lâm về nguồn gốc gỗ nhập khẩu).
Đối với hàng hóa sản xuất từ gỗ nhập khẩu thực hiện như hàng hóa nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp phải đăng ký sản xuất hàng xuất khẩu ngay từ khi làm thủ tục nhập khẩu gỗ nguyên liệu, ngoài ra phải có thêm giấy tờ chứng minh nguồn gốc gỗ nhập khẩu (giấy xác nhận của kiểm lâm về nguồn gốc gỗ nhập khẩu).
Doanh nghiệp cần biết về thị trường nhập khẩu gạo của Bénin
Mặc dù trong vài năm qua, sản xuất lúa của Bénin không ngừng tăng nhưng cũng chỉ đạt 30.000 tấn đáp ứng từ 10 đến 15% nhu cầu trong nước (80.000 tấn gạo). Một vấn đề đối với gạo trong nước là chất lượng kém, chứa nhiều tạp chất do công nghệ chế biến lạc hậu. Do vậy, trung bình mỗi năm Bénin phải nhập khoảng 50.000 tấn gạo.
Bên cạnh việc nhập khẩu gạo để đáp ứng nhu cầu trong nước, Bénin còn mua gạo để tái xuất sang Nigiêria, khối lượng từ 50.000 đến 150.000 tấn mỗi năm. Hiện nay thị trường nhập khẩu gạo vào Bénin chủ yếu do 5 công ty lớn là SHERIKA, ABC, SONAM, DIFEZI và TUKIMEX nắm độc quyền, có tầm hoạt động trong khu vực, quyết định giá bán tại Bénin.
Những nước cung cấp chính là Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2006, Việt Nam đã xuất được 4975 tấn gạo trị giá 1.236.335 USD sang thị trường này.
Việt Nam kỳ vọng vào kim ngạch xuất khẩu cá tra, ba sa năm 2007 sẽ đạt 1 tỷ USD
Hiện nay, xuất khẩu cá Tra, Ba sa của Việt Nam với tên thương mại là Pangasius đang tăng mạnh. Trong 2 năm 2005 - 2006, xuất khẩu cá Tra và Basa phi lê đã tăng gấp đôi, đạt 286.600 tấn. Giá trị xuất khẩu thậm chí còn tăng hơn gấp đôi, đạt 700 triệu USD.
Việt Nam hiện đang kì vọng vào việc kim ngạch xuất khẩu cá tra và basa năm 2007 có thể đạt 1 tỉ USD, so với hơn 700 triệu USD năm 2006.
Nga và Ba Lan là hai thị trường xuất khẩu chính của cá Tra, Ba sa Việt Nam với khối lượng và giá trị tăng mạnh trong năm 2006. Trong khi, các thị trường truyền thống quan trọng như Ôtxtrâylia và Hồng Kông chỉ tăng ít.
Đáng chú ý là xuất khẩu vào thị trường Mỹ tiếp tục tăng. Tổng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này tăng 65% về khối lượng và 100% về giá trị. Bên cạnh đó, EU cũng là thị trường quan trọng đối với cá Tra, Ba sa của Việt Nam. Năm 2006, xuất khẩu vào khu vực này đạt 123.000 tấn, tăng hơn gấp đôi so với năm 2005. Các thị trường EU quan tâm nhiều tới cá Tra và Basa của Việt Nam hiện là Ba Lan, Tây Ban Nha và Hà Lan. Trong đó, Ba Lan là thị trường nhập khẩu lớn nhất trong EU.