Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Thời mới” của nhà đăng ký tên miền
06 | 07 | 2007
Mới đây, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã quyết định giao lại việc chăm sóc, thu phí toàn bộ các tên miền .vn đã đăng ký trực tiếp tại VNNIC trước 1/11/2006 cho các nhà đăng ký tên miền.
Điều này có nghĩa là, VNNIC sẽ chính thức rút khỏi vai trò trực tiếp cung cấp dịch vụ tên miền để trở lại đúng vị trí tập trung vào các chức năng quản lý Nhà nước. Trước đó, VNNIC cũng đã “nhượng” một phần việc của mình cho các nhà đăng ký bằng việc từ 1/11/2006 ngừng tiếp nhận các yêu cầu đăng ký mới tên miền để giao cho các nhà đăng ký đảm nhiệm.

Nói về sự kiện này, đại diện của FPT Telecom, nhà đăng ký tên miền đứng đầu về thị phần số lượng tên miền duy trì (tính tới 30/6/2007), cho hay, quyết định của VNNIC có ý nghĩa rất lớn cho các nhà đăng ký tên miền khi tạo ra sự cạnh tranh thật sự trong việc phát triển tên miền.

Nhưng thực tế, sự cạnh tranh trong việc phát triển tên miền .vn đã diễn ra khá mạnh mẽ từ khi VNNIC cho phép đăng ký tên miền cấp 2 .vn và “nới rộng” các yêu cầu khi đăng ký tên miền vào tháng 8/2006. Kết quả đã tạo ra đòn bẩy cho sự phát triển tên miền .vn trong thời gian qua do có nhiều “hàng” hơn và có thêm “người bán”.

Tuy nhiên, “trước đây, VNNIC vừa làm công việc quản lý Nhà nước, vừa cung cấp dịch vụ khiến hệ thống nhà đăng ký không cạnh tranh được, giống như việc cạnh tranh với một đối thủ vừa đá bóng vừa thổi còi”, ông Trần Ngọc Quang, Phó phòng Dịch vụ lưu trữ Công ty FPT Telecom, cho biết.

Còn nay, quyết định của VNNIC tạo cơ hội cho các nhà đăng ký phát triển dịch vụ. “Bên cạnh đó cũng tạo một sức ép rất lớn tới các nhà đăng ký phải phục vụ các khách hàng chuyển tên miền về công ty mình quản lý”, vẫn theo lời của đại diện nhà đăng ký tên miền FPT.

Một đại diện nhà đăng ký tên miền đứng thứ 8 về thị phần, Công ty Cổ phần Ứng dụng Toàn Cầu (GLTEC), cũng nhận định rằng đây là đợt cạnh tranh mới giữa các nhà đăn ký tên miền nhằm đưa tên miền .vn đến với những phát triển mới.

Và từ sự cạnh tranh giữa các nhà đăng ký tên miền sẽ mang lại cho khách hàng nhiều lợi ích hơn. “Các nhà đăng ký tên miền sẽ phải mở rộng thêm các dịch vụ gia tăng và hỗ trợ khách hàng tốt hơn”, ông Vũ Thế Bình, Phó giám đốc Công ty NetNam (nhà đăng ký tên miền ở vị trí thứ 10 thị phần về số lượng tên miền duy trì), nhận định.

Quan chức của VNNIC cũng cho hay, quyết định của VNNIC không gây bất kỳ ảnh hưởng nào đối với khách hàng, mà còn lại còn đem lại cho khách hàng nhiều ưu đãi do các nhà đăng ký đều là doanh nghiệp.

Và sau khi việc chuyển giao quản lý tên miền của VNNIC có hiệu lực từ 1/6, các nhà đăng ký đã chứng tỏ sức mạnh của mình bằng các kế hoạch khác nhau để “câu” tên miền về công ty mình quản lý. Bởi trong số trên 10.000 tên miền đã đăng ký tại VNNIC trước 1/11/2006 có rất nhiều các tên miền quan trọng của các cơ quan nhà nước như cơ quan Đảng, bộ, ngành, và “hội tụ” nhiều các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

Nhà đăng ký tên miền VDC có chính sách miễn phí 100% phí duy trì DNS tại VDC năm đầu tiên và giảm 10% phí duy trì tên miền cho năm đầu tiên cho những tên miền chuyển về VDC.

Trong khi đó, FPT Telecom khuyến khích khách hàng chuyển tên miền về FPT Telecom bằng cách miễn phí duy trì DNS tên miền trên hệ thống máy chủ tên miền FPT, giảm 10% phí gia hạn tên miền, tặng phiếu ưu đãi dịch vụ lưu trữ website với mức giảm 50% cước hàng tháng và miễn phí khởi tạo dịch vụ lưu trữ web,…

NetNam thì thực hiện chính sách miễn phí hoàn toàn các phí chuyển đổi, không yêu cầu các chủ thể nộp thêm phí duy trì khi chuyển đổi, miễn phí lắp đặt DNS tại NetNam...

* Số lượng tên miền .vn duy trì qua hệ thống nhà đăng ký, tính đến 30/6/2007:

1. FPT: 7.097 tên miền (16,21%)

2. Hi-Tek: 6.991 tên miền (15,96%)

3. VDC: 4.252 tên miền (9,71%)

4. PA Vietnam: 3.301 tên miền (7,54%)

5. NETSOFT: 2.671 tên miền (6,10%)

6. ESC: 2.069 tên miền (4,72%)

7. Matbao: 1.994 tên miền (4,55%)

8. GLTEC: 1.729 tên miền (3,95%)

9. EURODNS: 1.342 tên miền (3,06%)

10. NetNam: 1.194 tên miền (2,73%)



Nguồn tin: Vneconomy

Báo cáo phân tích thị trường