Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa có đánh giá về tác động của 5 năm triển khai Hiệp định Thương mại Song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) đối với thương mại, đầu tư và cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Theo đánh giá, nhờ có BTA, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã được cắt giảm mạnh thuế suất, dẫn tới khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đầu tư vào các ngành nghề có nhiều khả năng xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Đó là các ngành có lợi thế cạnh tranh bị dồn nén của Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động.
Chuyên gia của Dự án Hỗ trợ thúc đẩy thương mại (STAR-Việt Nam) của USAID chỉ ra rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nói chung vào Việt Nam đã tăng mạnh sau khi ký BTA, song vấn đề là FDI tập trung đầu tư trong các lĩnh vực xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Minh chứng, nguồn vốn này chủ yếu rót vào hàng dệt may, giày dép, chế biến gỗ và đỗ gỗ - ba mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng sau khi thực hiện BTA.
Báo cáo dẫn chứng, thị trường Hoa Kỳ mở cửa cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã giúp tăng lượng vốn FDI vào 3 lĩnh vực trên, ngay sau khi BTA được “ký nháy” ở cấp độ kỹ thuật giữa 2 nước vào năm 1999.
FDI đầu tư vào ba mặt hàng trên đã tăng gần 7 lần trong giai đoạn 1999-2005, từ 120 triệu USD vào năm 1999 lên 851 triệu USD vào năm 2005. Xét về tỷ trọng, vốn đầu tư vào các lĩnh vực trên tăng từ 3% vào năm 1998 và lên mức đỉnh điểm là 27% trong năm 2003.
Cục Đầu tư nước ngoài xác nhận thêm hầu hết các dự án đầu tư vào 3 lĩnh vực trên đều nhằm xuất khẩu sang Hoa Kỳ, dù hầu hết các nhà đầu tư đến từ khu vực Đông Á (các nhà đầu tư Mỹ chỉ chiếm dưới 2% tổng vốn FDI đăng ký trong lĩnh vực này).
Chính nhờ những nguồn lực trên mà xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng đột biến. Năm 2002 tăng 128% so với năm 2001, năm 2003 tăng 90% so với năm 2002. Kết quả này có được nhờ xuất khẩu dệt may năm 2002 tăng 1.764% so với năm 2001, và năm 2003 tăng 164%; đồ gỗ tăng tương ứng là 499% và 133%...
Như vậy, đến năm 2003, 2 năm sau khi thực hiện BTA, Mỹ đã vươn lên trở thành quốc gia nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tới nay, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ luôn dao động quanh mức 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hằng năm.
Tuy nhiên, việc tăng mạnh lượng xuất sang Mỹ ở hàng dệt may, da giày, đồ gỗ đã dẫn tới việc Việt Nam chịu thâm hụt thương mại với một số nước khi phải nhập rất nhiều nguyên liệu từ bên ngoài. Đó là chưa kể Việt Nam còn phải trả giá từ việc phát sinh một số tranh chấp thương mại (chẳng hạn, Mỹ áp đặt hạn ngạch với hàng dệt may Việt Nam từ 2003).
Ngoài ra, BTA cũng có tác động tới việc mở cửa các lĩnh vực trước đây bị hạn chế của Việt Nam cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, mà rất nhiều trong số này là các lĩnh vực Hoa Kỳ lại có tính cạnh tranh cao như ngân hàng, viễn thông, phân phối,…
Nhận xét về tác động của BTA tới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cho hay, Hiệp định có tác động tích cực nhiều mặt đối với Việt Nam, trong đó có việc thu hút thêm FDI.
“Tôi biết là trước khi thực hiện BTA, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn e dè đầu tư vào Việt Nam vì họ chờ đợi xem Hoa Kỳ đối với Việt Nam như thế nào”, bà Phạm Chi Lan nói. “Nhưng tới khi BTA được thực hiện, các nhà đầu tư đã coi Việt Nam như những đối tác bình thường khác”.
Còn trong kết quả điều tra do STAR-Việt Nam thực hiện cho thấy, gần một nửa số doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam trả lời rằng BTA có tác động quan trọng đối với các quyết định đầu tư của họ, trong đó chủ yếu không phải là các công ty của Hoa Kỳ