Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hà Nội trên đường công nghiệp hoá vào năm 2015.
25 | 07 | 2007
Mục tiêu chung trong giai đoạn 2006-2010 là xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế có trình độ phát triển cao của vùng và cả nước, gắn với phát triển kinh tế tri thức, hoàn thành cơ bản mục tiêu công nghiệp hoá Thủ đô vào năm 2015...

Kỷ niệm lần thứ 52 ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2006), VOV nêu những giải pháp chủ yếu mà thành phố Hà Nội đã và đang triển khai để thực hiện mục tiêu này.

Hà Nội chuyển mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, phát triển các ngành, lĩnh vực và sản phẩm có hàm lượng chất xám và công nghệ cao, có triển vọng thị trường, phù hợp với lợi thế so sánh của Thủ đô. Về công nghiệp, thành phố chủ trương phát triển công nghiệp có chọn lọc, công nghiệp công nghệ cao. Chú trọng phát triển các nhóm sản phẩm công nghiệp có khả năng cạnh tranh thuộc các ngành: thiết bị điện - điện tử - công nghệ thông tin và truyền thông, cơ khí, dệt may cao cấp. Hà Nội sẽ là trung tâm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm mới, trung tâm giao dịch, dịch vụ cung ứng, đầu mối xuất khẩu hàng công nghiệp của vùng, phấn đấu hàng năm đạt tốc độ tăng bình quân giá trị tăng thêm công nghiệp từ 12 đến 12,5%. Theo ông Lưu Tiến Long - Giám đốc Sở Công nghiệp Hà Nội, Thủ đô có cơ chế đặc thù với sản phẩm có thương hiệu, cơ chế hỗ trợ tạo mặt bằng, nghiên cứu ứng dụng khoa học…

Đường phố Hà Nội trang hoàng các khẩu hiệu chào mừng APEC Việt Nam 2006.

Cùng với phát triển công nghiệp về dịch vụ, thành phố tập trung phát triển các loại hình dịch vụ trình độ cao và nâng cao chất lượng dịch vụ trước hết là trong lĩnh: du lịch, thương mại, bưu chính viễn thông, tài chính – ngân hàng, khoa học, công nghệ, đồng thời quan tâm các ngành dịch vụ có tỷ trọng lớn để từng bước xây dựng Hà Nội thành trung tâm dịch vụ trình độ, chất lượng cao của vùng, cả nước, tăng giá trị dịch vụ thêm bình quân từ 10,5% đến 11,5%. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu hàng hoá xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng các mặt hàng chế biến sâu, có giá trị tăng cao, tăng xuất khẩu dịch vụ và xuất khẩu tại chỗ. Công ty cổ phần dệt 10/10 là một ví dụ. Với sản phẩm xuất khẩu truyền thống là màn tuyn sang Châu Phi, hàng năm, kim ngạch xuất khẩu của công ty đều tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, trong đó năm 2005, kim ngạch xuất khẩu đạt 15 triệu USD thì năm 2006, công ty phấn đấu 70 triệu USD. 9 tháng đầu năm nay, công ty đạt kim ngạch xuất khẩu 56 triệu USD.

Một giải pháp quan trọng khác mà thành phố tập trung chỉ đạo là công tác quản lý, xây dựng và phát triển đô thị, trong đó tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng và tiến độ công tác quy hoạch, phối hợp chặt chẽ với Bộ xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô, phấn đấu đến năm 2007. Hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực đến năm 2020. Thành phố tập trung xây dựng hạ tầng khung theo hướng văn minh, hiện đại; phấn đấu cơ bản hoàn thành xây dựng đường vành đai 1, thông tuyến vành đai 2 và vành đai 3 nối sang phía Bắc sông Hồng, hoàn thành xây dựng 3 cầu mới qua sông Hồng.

Để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2006-2010, thành phố coi cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực chính quyền các cấp là một nhiệm vụ trọng tâm, trong đó cải cách hành chính tập trung vào khâu đột phá là cải cách thể chế hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức. Trong buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội vào trung tuần tháng 9 vừa qua về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn: Hà Nội phải đi đầu, nêu gương sáng cho cả nước về công tác cải cách hành chính. Thủ tướng chỉ đạo, Hà Nội phải chú trọng cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mối quan hệ giữa chính quyền với doanh nghiệp và chính quyền với dân, đặc biệt trong những lĩnh vực bức xúc như cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng, giao và cho thuê đất, cấp sổ đỏ…

Trong 5 năm qua, kinh tế Thủ đô phát triển nhanh và khá toàn diện vượt mục tiêu kế hoạch đã đề ra. Đến nay, Hà Nội tuy chỉ chiếm 3,7% về dân số, và 0,3% diện tích lãnh thổ quốc gia, song hàng năm, Thủ đô đã đóng góp khoảng 45% GDP của vùng đồng bằng sông Hồng, 8% vào GDP của cả nước. Những tín hiệu vui này là cơ sở để Hà Nội tiếp tục chỉ đạo thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 10, Nghị quyết của Đảng bộ thành phố lần thứ 14, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế có trình độ phát triển cao của vùng và của cả nước, hoàn thành cơ bản mục tiêu công nghiệp hoá Thủ đô vào năm 2015./.



Quang Hướng (Theo VOV)
Báo cáo phân tích thị trường