Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tất bật với các đối tác Mỹ
22 | 08 | 2007
Hơn 20 hợp đồng, biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác kinh tế trị giá hơn 11,5 tỉ USD đã được ký kết trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Mỹ.
Quay trở về, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã phải tất bật ngay với những cơ hội làm ăn mới với các đối tác Mỹ sau chuyến đi.

“Xắn tay áo làm ngay!”

Ngay trong chuyến đi, bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quí Phú Nhuận (PNJ), đã ký kết hai hợp đồng hợp tác kinh doanh với hai doanh nghiệp kim hoàn của Mỹ là Zalemark và DC& D.

Bà Dung cho biết các hợp đồng này được triển khai trong tháng 7/2007. Theo nội dung ký kết với Zalemark, PNJ sẽ đại diện các nhãn hiệu trang sức “Demeter” cùng với một số các dòng sản phẩm khác như “I forever do”, “Seventeen” của Zalemark tại Việt Nam.

“Để thực hiện được việc hợp tác này, phía Zalemark sẽ tư vấn, hỗ trợ PNJ trong việc lắp đặt hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại và hỗ trợ chuyên gia. Các chuyên gia của Zalemark sẽ trực tiếp hướng dẫn thợ kim hoàn của PNJ sản xuất các sản phẩm trang sức tinh xảo theo đúng tiêu chuẩn của Zalemark mà hiện nay ngành kim hoàn Việt Nam chưa thực hiện được”, bà Dung nói.

Song song đó, phía Zalemark cũng sẽ cung cấp các mẫu thiết kế mới nhất, các bộ sưu tập đang ăn khách nhất của họ để PNJ sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam. Dòng sản phẩm mới này sẽ được bán trong hệ thống nhãn hiệu “Cao-Fine Jewellery” của PNJ.

Sau khi PNJ sản xuất thành công các mẫu thiết kế theo yêu cầu kỹ thuật của Zalemark, phía Zalemark sẽ đặt hàng để xuất khẩu ngược sang thị trường Mỹ. “Chúng tôi rất kỳ vọng vào đối tác này vì đây là nền tảng và cầu nối vững chắc cho PNJ thâm nhập thị trường Mỹ”, bà Dung nói.

Chuyến đi này cũng nâng tầm hợp tác giữa Công ty DC&D - một công ty kim hoàn do ông Nguyễn Kim Tuấn - Việt kiều Mỹ - làm đại diện, và PNJ đã có từ ba năm nay.

Trước đây PNJ chủ yếu nhận gia công dòng trang sức cao cấp của DC&D đang kinh doanh tại thị trường Mỹ - đặc biệt là trang sức kim cương, nhưng với hợp đồng vừa ký mới này PNJ hi vọng sẽ có bước nhảy vọt về kim ngạch xuất khẩu, từ mức 5,3 triệu USD sẽ tăng lên 20 triệu USD.

Những dự án lớn

Tổng công ty Dệt may Phong Phú cũng đã ký được một số thỏa thuận quan trọng với các đối tác chiến lược Hoa Kỳ. Theo ông Trần Quang Nghị, đáng chú ý nhất là việc Phong Phú tiếp tục ký với Tập đoàn ITG về việc mở rộng đầu tư dự án liên doanh sản xuất vải cotton cùng các mặt hàng chủ lực khác như vải denim, vải tổng hợp... với tổng mức đầu tư khoảng 100 triệu USD.

Ký kết này rất quan trọng bởi trước đó, tháng 6/2006, liên doanh Phong Phú - ITG đã cùng bắt tay thực hiện dự án trị giá 80 triệu USD tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng) xây dựng cụm công nghiệp dệt may, từ khâu nguyên liệu vải ban đầu cho đến sản phẩm may mặc hoàn chỉnh. Hơn 90% sản phẩm làm ra của liên doanh sẽ được ITG tìm thị trường xuất khẩu.

Ở lĩnh vực bất động sản, Phong Phú cũng tìm được đối tác WL Ross để ký kết thỏa thuận với trị giá ban đầu ước khoảng 100 triệu USD. Đồng thời ở tầm nhìn lâu dài, WL Ross cũng đã được Phong Phú “chấm” là nhà đầu tư chiến lược khi Phong Phú cổ phần hóa lần đầu trong năm tới.

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Tân Tạo, cho biết trong chuyến đi ông cũng đã ký bản thỏa thuận hợp đồng xây dựng cụm công nghiệp cảng biển - nhà máy nhiệt điện công suất 3.600MW cùng với hợp đồng cho vay tài chính và cung cấp thiết bị giai đoạn 1 có tổng trị giá gần 4 tỉ USD giữa Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest Group - SIG mà ông làm chủ tịch tập đoàn) với một tập đoàn lớn tại Mỹ.

Đây cũng là một trong hai hợp đồng có giá trị lớn nhất trong toàn bộ các hợp đồng, thỏa thuận đã được ký kết giữa doanh nghiệp hai nước.

Khu công nghiệp theo tiêu chuẩn Mỹ

Theo ông Đặng Thành Tâm, dự án xây dựng cụm công nghiệp và cụm nhà máy nhiệt điện trị giá hơn 2,5 tỉ USD. Dự án này sẽ được triển khai trong vòng ba năm để có thể đáp ứng các nhu cầu cơ sở hạ tầng của nhà đầu tư Mỹ.

Ông Tâm cho biết trong chuyến đi ông đã gặp lại một số nhà đầu tư Mỹ và họ cho biết sẵn sàng hợp tác với công ty để xây dựng cụm công nghiệp của nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam rộng khoảng vài ngàn hecta. “Vấn đề là phải chuẩn bị cho thật tốt, chúng tôi đã chuẩn bị đất ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

Các khu công nghiệp này đã được chuẩn bị mặt bằng ở Long An, Bình Dương, Bình Phước; miền Trung sẽ triển khai ở Dung Quất, Chu Lai, Nhơn Hội; miền Bắc ở Hà Tây, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc…” - ông Tâm cho biết thêm.

Theo kế hoạch hợp tác của Tân Tạo với các đối tác Mỹ, họ sẽ cử chuyên gia sang thiết kế các khu công nghiệp này theo tiêu chuẩn của Mỹ và kêu gọi đầu tư vào đây các ngành công nghiệp nặng, công nghệ cao, các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng lớn và công nghiệp công nghệ sạch.

Mai Linh Group cũng ký được hợp đồng ghi nhớ với đối tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và y tế. Ông Hồ Huy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Mai Linh Group, cho biết cũng đã ký được các hợp đồng ghi nhớ về xây dựng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế giữa Mai Linh với Tập đoàn công nghệ thông tin SAP ước tính khoảng 5 triệu USD.

Riêng dự án hợp tác với Viện Y khoa Texas xây dựng một bệnh viện phụ sản quốc tế ước tính khoảng 100 triệu USD cũng đã được hai bên ký cam kết thỏa thuận, chờ thời điểm thích hợp sẽ xúc tiến thực hiện.

* Những hợp đồng hàng trăm triệu USD

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EViệt Nam) và Tổng công ty Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam (PetroVietnam) ký với Tập đoàn Chevron Ý định thư về dự án phát triển khí đốt ở vùng biển tây - nam Việt Nam, trị giá 4 tỉ USD.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) ký với Công ty Vận tải biển SSA Marine dự án xây dựng cầu cảng và cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức trị giá khoảng 500 triệu USD.

Tập đoàn Microsoft ký hợp đồng với FPT và CMC chính thức công nhận hai tập đoàn này là những đối tác bán hàng cao cấp nhất của Microsoft tại Việt Nam, và được ủy quyền thực hiện hợp đồng sử dụng bản quyền phần mềm Microsoft Office cho toàn bộ hệ thống máy tính của các cơ quan trực thuộc Chính phủ và địa phương.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và Microsoft ký kết hợp đồng theo đó Agribank chính thức sở hữu vĩnh viễn quyền sử dụng toàn bộ 12.000 giấy phép sử dụng cho phần mềm Microsoft Office Standard 2007 cũng như bất kỳ phiên bản nào mà Microsoft sẽ đưa ra thị trường trong vòng ba năm tới.



Báo cáo phân tích thị trường