Những thay đổi đó bao gồm: NĐT quan tâm nhiều hơn đến phân tích cơ bản và tình hình hoạt động của công ty, các chỉ số phản ánh giá trị của CP. Nhiều NĐT khi nói về giá CP, đã đề cập nhiều hơn đến hệ số P/E và mức tăng trưởng lợi nhuận cũng như quan tâm đến tác động pha loãng của việc phát hành thêm. Điều này cho thấy, nhận thức và trình độ của NĐT cá nhân đã được nâng cao. NĐT cũng dựa trên những nhận định, đánh giá khác nhau để đưa ra quyết định đầu tư, qua đó nâng cao kiến thức, sự hiểu biết về diễn biến của thị trường và đánh giá được phần nào sự đắt rẻ của giá CP.Những nhân tố tích cực tác động đến thị trường
Vấn đề hiện nay là NĐT cần thận trọng để tránh những phản ứng thái quá vì ngay thời điểm này đã có nhiều CP có giá rất hợp lý (xét trên khía cạnh giá trị nội tại và so sánh) như các CP của ngành ngân hàng, nhựa - cao su - bao bì, thực phẩm, đây rõ ràng đang là cơ hội cho những NĐT có khả năng tài chính.
Ngoài ra, phải tính đến một số yếu tố tích cực tác động đến TTCK trong các tháng kế tiếp như: lợi nhuận kinh doanh quý 3 và 4 của các doanh nghiệp (DN) thường tăng cao hơn 2 quý đầu năm. Gia tăng lượng vốn đầu tư của các quỹ nhằm tận dụng cơ hội thị trường xuống để mua vào các CP hấp dẫn. Lượng thanh khoản của các NĐT hiện tại sau khi rút ra khỏi thị trường, chờ đợi sẽ quay lại và sẽ có lớp NĐT mới tham gia thị trường, khi mà giá CP đang được điều chỉnh hợp lý. Các công ty niêm yết và OTC sẽ thận trọng nhiều hơn đối với việc phát hành thêm CP một cách ồ ạt, tránh tác động pha loãng.
Tuy vậy có thể nhận thấy, thị trường hiện nay vẫn còn mang nặng tâm lý cảm tính, và phản ứng của NĐT thường rơi vào sự thái quá (tranh mua hoặc tranh bán). Điều này một phần do hạn chế kiến thức của NĐT cá nhân, một phần còn do TTCK chưa có sự linh hoạt và hiệu quả (về hoạt động và thông tin).
Để NĐT có thể ra quyết định đúng
Làm sao để NĐT có đủ thông tin thích hợp, kịp thời và có nhiều lựa chọn để đưa ra quyết định đầu tư chính là điều cần thiết giúp thị trường có sự tự điều chỉnh phù hợp và có cơ sở. Trong tương lai, để đạt được điều này, thị trường cần phát triển các khía cạnh sau:
Một là phát triển vai trò của các nhà phân tích chứng khoán độc lập (Security Analyst). Nhà phân tích chứng khoán là những người có chuyên môn cao thực hiện công việc phân tích đánh giá trong những khuôn khổ luật pháp và đạo đức nghề nghiệp nghiêm ngặt. Trong phân tích của mình, nhà phân tích thường đưa ra các nhận định và dự báo về kết quả hoạt động, đánh giá chất lượng quản trị, chiến lược kinh doanh và năng lực, đạo đức của ban giám đốc.
Nâng cao năng lực và ảnh hưởng của đội ngũ phân tích độc lập có vai trò quan trọng trong việc phát triển thị trường. Tính minh bạch và hữu ích của thông tin được công khai, giúp tăng sự nhận thức và hiểu biết của NĐT, nhắc nhở trách nhiệm đối với cổ đông và xã hội của ban giám đốc các công ty cổ phần đại chúng. Tiếp theo là làm sao để các phân tích độc lập này đến với rộng rãi NĐT cá nhân. Ở đây, chúng ta có thể áp dụng kinh nghiệm của Singapore: để nâng cao kiến thức và trình độ của NĐT, đặc biệt là NĐT cá nhân, Chính phủ Singapore có chương trình thuê (thông qua việc xét thầu định kỳ) để chọn một số công ty phân tích chứng khoán có uy tín, thực hiện các báo cáo phân tích đánh giá về tất cả công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán, các báo cáo này được cung cấp miễn phí đến NĐT (công bố trên website của Sở Giao dịch chứng khoán). Công ty thực hiện phân tích với uy tín và tên tuổi của mình sẽ thực hiện việc phân tích đánh giá một cách khách quan và cẩn trọng.
Trong TTCK phát triển, NĐT cá nhân thường dựa rất nhiều vào ý kiến của các chuyên gia - nhà phân tích chứng khoán độc lập để đưa ra các quyết định đầu tư, nhất là những phân tích đánh giá nhiều chiều để có quyết định đúng đắn. Ban giám đốc của các công ty cổ phần cũng ý thức được ảnh hưởng của các bài phân tích của chuyên gia độc lập, từ đó mà thận trọng trong các quyết định của mình...
Hai là cần phát triển TTCK nợ của công ty và chính quyền làm đối trọng với thị trường CP. Thực tế cho thấy, thị trường trái phiếu và thị trường CP thường biến động ngược chiều nhau: khi giá CP tăng thì giá trái phiếu giảm và ngược lại. Như vậy, các NĐT có thêm lựa chọn là đầu tư vào CP với mức sinh lợi và đi cùng nó là rủi ro cao, hoặc lựa chọn đầu tư vào chứng khoán nợ có độ an toàn cao. Việc phát triển TTCK nợ còn giúp DN chủ động trong việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư với chi phí thấp, qua đó xác định chi phí sử dụng vốn hợp lý và hiệu quả mà không ảnh hưởng pha loãng đến tỷ lệ sở hữu và P/E của CP. TTCK nợ còn là cơ sở mà dựa vào đó chi phí sử dụng vốn và giá trị của CP được xác định trên cơ sở mức sinh lợi và rủi ro.
Phát triển các công cụ đầu tư dẫn xuất trên thị trường (Derivatives) như future, forward, option. Kinh nghiệm cho thấy, khi có nhiều phương thức mua bán (đầu tư) trên cùng một loại hàng hóa cơ bản (CP, trái phiếu) thì sẽ loại bỏ (hay chí ít cũng hạn chế) được các cơ hội trục lợi làm giá (Arbitrages). Giá chứng khoán sẽ được xác định dựa trên giá trị nội tại (giá trị được xác định dựa trên những dự báo hợp lý và có cơ sở về hoạt động của công ty và CP). Lấy ví dụ: trong thời gian giá CP tăng vượt quá mức giá trị hợp lý thì một số NĐT sẽ nhận thấy cơ hội thực hiện phương thức bán khống (short sale), điều này giúp tăng cung và làm giá CP giảm xuống đến mức mà cơ hội thu lợi từ bán khống và mua bị triệt tiêu, giá CP gần với giá trị thực. Ngược lại, trong thời gian giá CP xuống quá thấp so với giá trị nội tại của nó, một số NĐT sẽ tận dụng cơ hội để thực hiện mua kỳ hạn (future hoặc forward) hoặc quyền mua (buy option): kết quả là cầu CP tăng và giá CP tăng đến khi cơ hội trục lợi làm giá bị triệt tiêu.
Ba là ứng dụng khái niệm và các kỹ thuật quản lý danh mục đầu tư. Thực hiện mua bán CP trên quan điểm về danh mục đầu tư có tác dụng khuyến khích việc đầu tư dài hạn có bài bản. Trên phương diện danh mục đầu tư, giá trị và rủi ro của CP được đánh giá không chỉ gói gọn riêng của CP đơn lẻ đó mà được đặt trong sự tương quan và so sánh với các CP khác của các ngành khác nhau, dựa trên mối quan hệ cộng hưởng hoặc bù trừ về rủi ro giữa các CP. Qua đó làm tăng tính tương thích giữa TTCK với nền kinh tế, tránh tình trạng tập trung thái quá vào một vài ngành - lĩnh vực, nhịp độ của TTCK sẽ đồng điệu với sức khỏe chung của nền kinh tế.