Rút ruột cổ phiếu Đạm Phú Mỹ?Ngày 17/9, VAFI đã có văn bản gửi tới Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) khẳng định quyết định của tập đoàn này về việc thu hồi 28ha đất của Công ty Cổ phần Phân đạm và Hoà chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ) là không có hiệu lực pháp lý.
Khẳng định trên được đưa ra sau khi VAFI phân tích tính vô hiệu của các văn bản 5010/DKVN-HĐQT ngày 23/8/2007 và 5413/DKVN-KHĐT ngày 12/9/2007 của PetroVietnam liên quan đến sự việc.
Cụ thể, ngày 23/8/2007, Chủ tịch PetroVietnam Đinh La Thăng đã ký văn bản thu hồi 8 ha đất của Đạm Phú Mỹ để giao cho Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Dầu khí thực hiện dự án xây dựng Nhà máy Ethaonol. Chủ tịch Tập đoàn phát lệnh đến ngày 31/8/2007 thì Đạm Phú Mỹ phải hoàn thành thủ tục bàn giao 8 ha đất. 20 ha đất còn lại thì giao cho Ban Kế hoạch và Đầu tư - PetroVietnam làm đầu mối thông báo cho các đơn vị trong ngành có nhu cầu để đăng ký đầu tư xây dựng. Công việc này phải hoàn thành trước 15/9/2007 để PetroVietnam phê duyệt.
Trong Bản công bố thông tin tại thời điểm tháng 3/2007 về việc bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Đạm Phú Mỹ có công bố chi tiết về diện tích văn phòng, nhà xưởng đang sử dụng như sau: Diện tích văn phòng, nhà xưởng đang sử dụng là 635.668,10 m2; diện tích nhà xưởng không cần dùng là 0 m2; diện tích văn phòng nhà xưởng đang sử dụng trong sản xuất kinh doanh là 355.668,10 m2; diện tích đất thuê chưa sử dụng là 280.000 m2.
VAFI cho rằng “theo các quy định về cổ phần hoá thì tài sản không cần dùng sẽ được đưa ra khỏi giá trị doanh nghiệp, còn tài sản cần dùng, cần sử dụng trong tương lai thì đưa vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá. Trường hợp với đất đai đưa vào cổ phần hoá thì doanh nghiệp có giá trị quyền sử sử dụng đất. Thực tế hiện nay giá trị của đất chủ yếu là giá trị vô hình và được thể hiện chủ yếu vào kết quả đấu giá doanh nghiệp”.
“Khi các nhà đầu tư đi đấu giá mua cổ phần, thì ngoài việc xem xét các yếu hữu hình, điều quan trọng không thể bỏ qua là xem xét và tính các giá trị vô hình của doanh nghiệp như quyền sử dụng đất, các lợi thế trong kinh doanh. Việc các nhà đầu tư phải bỏ giá từ 51.000 đồng - 75.000 đồng/cổ phần của Đạm Phú Mỹ (nhà đầu tư sơ cấp và thứ cấp) không phải là theo giá thiết bị của nhà máy mà chủ yếu là các giá trị vô hình. Như vậy từ phân tích này để khẳng định rằng 28 ha (mà PetroVietnam quyết định thu về) là thuộc tài sản của Đạm Phú Mỹ chứ không phải của PetroVietnam”.
Cũng theo VAFI, mặc dù PetroVietnam là cổ đông lớn trong Đạm Phú Mỹ, có quyền quyết định nhân sự chủ chốt “nhưng không thể thu hồi tài sản từ công ty con, kể cả với giá trị nhỏ nhất là 1 đồng. Bất kỳ tài sản gì trong các công ty con của PetroVietnam đều thuộc sở hữu chung của 100% các cổ đông, một cổ đông lớn không thể có cái quyền thu hồi tài sản mà liên quan đến sở hữu của nhiều nhà đầu tư khác”.
Ngoài ra, qua hai quyết định trên của PetroVietnam, VAFI cho rằng lãnh đạo tập đoàn chỉ đạo trực tiếp đối với các công ty cổ phần là hoàn toàn sai Luật Doanh nghiệp. Theo Luật Doanh nghiệp, lãnh đạo tập đoàn chỉ có thể chỉ đạo người trực tiếp quản lý phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần mà thôi.
Cùng với những phân tích trên, VAFI đề cập đến một vấn đề khác, liên quan đến việc tôn trọng quyền và lợi ích của các cổ đông thiểu số. “Khi những Quyết định sai luật phát sinh thì nhà đầu tư mất niềm tin và có thể thiệt hại do giá cổ phiếu giảm, khi đó họ có thể khởi kiện người ký những văn bản sai pháp luật và người ký văn bản sẽ phải đối mặt với những yêu cầu đòi bồi thường của đông đảo các nhà đầu tư”, VAFI đề cập đến khả năng xấu có thể xẩy ra.
Nếu khả năng đó xẩy ra, trước hết là các cổ đông thiệt thòi và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng.