Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bắt đầu từ... cơ chế!
26 | 09 | 2007
Theo Quyết định 1077/QĐ-TTg ngày 20/8/2007 của Chính phủ, đến năm 2025 TP Hải Phòng sẽ quy hoạch và xây dựng 33 KCN-CCN với tổng diện tích khoảng 14.500 -15.500 ha. Nếu tính từ 2001, kế hoạch phát triển các KCN - CCN của Hải Phòng tăng 2,5 lần về số lượng (từ 13 lên 33), gấp hơn 6 lần về diện tích. Vậy Hải Phòng đã chuẩn bị cho cơ hội và thách thức này thế nào?

Dường như việc huy động nguồn vốn từ DN để đầu tư xây dựng CSHT các CCN vẫn là lựa chọn tối ưu với TP Hải Phòng. Vì ngay từ năm 2001, Cty Xây dựng và Phát triển CSHT đã được giao thí điểm xây dựng và quản lý CCN Vĩnh Niệm. Đến 2006, thành phố khởi công xây dựng, sau đó giao Cty CP KCN Sài Gòn - Hải Phòng - thành viên của DN đã xây dựng KCN Tân Tạo (TP HCM) - làm chủ đầu tư xây dựng CCN Tràng Duệ. Năm 2007, thành phố tiếp tục giao Cty CP Công nghiệp tàu thuỷ Shinec (thành viên của Vinashin) làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh CSHT CCN Vinashin - Shinec (SIP)...

Nhưng cũng là thực tế, suốt 6 năm qua, Hải Phòng mới khởi công xây dựng được 3 CCN, trong đó chỉ hoàn thành CSHT có 1 CCN (Vĩnh Niệm). Theo một lãnh đạo Sở KH-ĐT Hải Phòng sở dĩ có sự chậm trễ này vì hiện chưa có sự công nhận về pháp lý đối với mô hình CCN. Nghĩa là: tên gọi CCN thuần tuý là danh từ kỹ thuật để chỉ những khu vực phát triển công nghiệp tập trung có quy mô nhỏ và không do Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Tại các địa phương đều có BQL các KCN, KCX, có rất nhiều chính sách ưu đãi dành cho các DN đầu tư xây dựng HTCS KCN. Nhưng việc quản lý các CCN tập trung không do ban này phụ trách và các CCN cũng không được hưởng chính sách ưu đãi. Mặt khác, đa phần các DN đều tìm cách thuê đất để được cấp Giấy CNQSDĐ. Sau đó thế chấp ngân hàng vay vốn đầu tư. Trong khi đó thì do không được ưu đãi hoặc chưa có chính sách hỗ trợ, các DN trong nước hoạt động xây dựng, kinh doanh CSHT phát triển công nghiệp cũng buộc phải thế chấp Sổ đỏ của diện tích được thuê để hình thành vốn xây dựng CCN. Do vậy, các DN thuê đất trong CCN cũng không được cấp Sổ đỏ. Như vậy, DN sẽ không mặn mà khi thuê đất trong CCN, dẫn tới việc không có DN xây dựng, kinh doanh CSHT CCN.

Năm 2001, thành phố Hải Phòng đã áp dụng cơ chế cấp Sổ đỏ trực tiếp cho DN thuê đất trong CCN Vĩnh Niệm. Kết quả: CCN này được phủ kín ngay khi hoàn thành. Đó là cơ sở để thành phố xây dựng và chuẩn bị ban hành Quy chế xây dựng các khu, CCN trên địa bàn Hải Phòng. Dự kiến, quy chế này sẽ được chính thức công bố, áp dụng trong năm 2008. Theo đó, thành phố cam kết sẽ giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư. Tại những điểm quy hoạch xây dựng CCN, thành phố sẽ xây dựng trước các công trình như trạm điện, đường giao thông, họng cấp nước... để tạo sức hấp dẫn với các DN. Nhưng cũng theo Sở KH-ĐT, những nỗ lực ấy dường như chưa đủ để “kéo” các DN đầu tư xây dựng, kinh doanh CSHT CCN. Dù nhu cầu đầu tư sản xuất trong CCN của các DN - đặc biệt là các DNNVV - là rất lớn và ngày càng tăng.

Trong nhiều năm qua, việc đáp ứng nhu cầu đầu tư cho DN tại các địa phương phần lớn dựa trên các CSHT có sẵn như cạnh các quốc lộ, tỉnh lộ, trạm điện. Từ đó hình thành các CCN tập trung do địa phương quản lý. Mô hình CCN, bởi thế, tồn tại trong tình cảnh “con rơi” bên cạnh mô hình “con đẻ” là KCN, KCX. Cũng có nghĩa, là nhu cầu đầu tư của đa số DN tại các địa phương vẫn chưa được quan tâm để có thể khơi nguồn nội lực theo định hướng của Nhà nước. Vậy thì bao giờ CCN mới được công nhận là một loại hình phát triển công nghiệp như mô hình KCN, KCX?



Theo dddn.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường