Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Thuật, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị. Tham dự có Đại diện Ban Chỉ đạo Cải cải cách hành chính của Chính phủ, Đại diện Ban Thư ký Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ; các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Bộ, các Cục, Vụ, đại diện Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn Thanh niên cơ quan Bộ, Công đoàn ngành Nông nghiệp và PTNT.
Bộ Nông nghiệp và PTNT là Bộ đầu tiên thực hiện cơ chế “một cửa”. Tính đến nay,đã có 7/11 Cục chuyên ngành chính thức triển khai thí điểm cơ chế “1 cửa”, trong đó:
+ 3 Cục: Thú y; Bảo vệ thực vật; Nông nghiệp (nay là Cục Trồng trọt và Cục Chăn nuôi) được Bộ phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm và triển khai từ ngày 01/03/2005.
+ 2 Cục: Thủy lợi; Quản lý xây dựng công trình được Bộ phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm và triển khai từ ngày 01/7/2005.
+ Cục HTX-PTNT đuợc Bộ phê duyệt đề án thí điểm và triển khai từ ngày 01/11/2005.
- Ngoài ra, theo chỉ đạo của Bộ trưởng, 3 Cục khác đã xây dựng đề án để đưa vào vận hành theo cơ chế “1 cửa” từ đầu năm 2007, gồm:
+ Cục Lâm nghiệp: Xây dựng đề án từ tháng 9/2006; thành lập Bộ phận thực hiện cơ chế “1 cửa” và ban hành quy chế tiếp nhận hồ sơ, giải quyết công việc của tổ chức cá nhân theo cơ chế “1cửa” từ tháng 11/2006 với 8 loại công việc; bắt đầu áp dụng từ tháng 1/2007, đã tiếp nhận và giải quyết được 11 hồ sơ đúng hẹn.
+ Cục Kiểm lâm: Xây dựng đề án; thành lập Bộ phận thực hiện cơ chế “1 cửa” và ban hành quy chế tiếp nhận hồ sơ, giải quyết công việc của tổ chức cá nhân theo cơ chế “1cửa” từ tháng 11/2006 với 3 loại công việc; bắt đầu thực hiện từ tháng 1/2007.
+ Cục Chế biên Nông lâm sản và nghề muối: Xây dựng đề án thực hiện cơ chế “1 cửa” từ tháng 8/2006. Tuy nhiên, do chức năng, nhiệm vụ của Cục ít liên quan đến việc trực tiếp giải quyết công việc của tổ chức, doanh nghiệp nên việc triển khai cơ chế “1 cửa” còn gặp lúng túng.
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực CCHC, tính đến ngày 30/12/2006, bộ phận “1 cửa” của các Cục đã tiếp nhận 8968 hồ sơ, tỷ lệ trả lời đúng hẹn 95%. Một số lĩnh vực đã và đang được triển khai ứng dụng theo mô hình cấp phép qua mạng như: kiểm dịch nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển cửa khẩu và quá cảnh đối với động vật, sản phẩm động vật; công bố tiêu chuẩn chất lượng phân bón; công bố tiêu chuẩn chất lượng thức ăn chăn nuôi, …
Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế “một cửa” còn bộc lộ một số hạn chế: một số Cục triển khai chưa nghiêm túc; còn có tới hơn 32% ý kiến của khách hàng đề nghị nếu có thể nên nghiên cứu cải tiến giảm bớt thủ tục hành chính, hơn 20% khách hàng đánh giá diện tích làm việc của bộ phận “một cửa” quá chật hẹp, chưa đầy đủ tiện nghi, việc tiến hành lấy ý kiến khách hàng ở một số đơn vị chưa được thường xuyên, …
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Ngô Hải Phan – Vụ Phó Vụ Cải cách hành chính Văn phòng Chính phủ và đồng chí Vũ Hòe – Vụ phó Vụ Cải cách hành chính Bộ Nội vụ đều đánh giá cao quá trình triển khai thực hiện chương trình cải cách hành chính của Bộ nói chung, thực hiện cơ chế “một cửa” nói riêng. Đồng chí Vũ Hòe nhấn mạnh: Bộ cần tiếp tục hoàn thiện mô hình; nghiên cứu triển khai thực hiện cơ chế “một cửa liên thông”; nghiên cứu xây dựng một phòng “một cửa” của Bộ sử dụng chung cho các đơn vị đảm bảo tiêu chuẩn hành chính hiện đại , văn hoá công vụ để tiếp nhận và trả kết quả giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để làm mẫu cho các Bộ, ngành Trung ương học tập.
Về nhiệm vụ năm 2007, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Thuật, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC yêu cầu phải thực hiện cơ chế “một cửa” ở tất cả các Cục, đồng thời mở rộng ra đối với các Vụ; tiếp tục rà soát danh mục các thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế “một cửa”; đơn giản hóa các thủ tục hành chính; nghiên cứu loại bỏ những qui trình không cần thiết để giảm thời gian; giao cho Trung tâm Tin học và Thống kê nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cơ chế “một cửa”; nghiên cứu triển khai mô hình “một cửa liên thông”; giao Văn phòng, Vụ Tài chính, Cục Quản lý XDCT nghiên cứu xây dựng một phòng “một cửa” của Bộ sử dụng chung cho các đơn vị đảm bảo tiêu chuẩn hành chính hiện đại , văn hoá công vụ để tiếp nhận và trả kết quả giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.