Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tập đoàn kinh tế tư nhân: Bao giờ danh chính?
27 | 09 | 2007
LS Phạm Chí Công - Giám đốc Vietthaibinh Group khẳng định: “Về pháp lý, mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay chưa được thừa nhận nên phải mang cái tên không chính danh là “Cty cổ phần tập đoàn”. Ý kiến của bạn về mô hình tập đoàn? - Đó chính là nội dung tại cuộc Hội thảo “Tập đoàn kinh tế VN - Những vấn đề về tổ chức, phát triển và quản trị điều hành” do VCCI và Viện nghiên cứu quản lý TƯ thực hiện.

Bình mới - rượu cũ?

- Có ý kiến cho rằng mô hình tập đoàn kinh tế tại VN chẳng qua là “bình mới, rượu cũ”?

TS Trần Tiến Cường: Mô hình tập đoàn kinh tế tại VN là bước phát triển tất yếu sau một quá trình đổi mới về kinh tế - là bước phát triển tất yếu các loại hình DN theo nhu cầu phát triển về quy mô để sử dụng ưu thế kinh tế quy mô, loại hình hợp tác liên kết. Đây sẽ là hình kinh doanh có chỗ đứng trong tương lai ở VN. Tuy nhiên, mô hình này còn rất mới ở VN, chủ yếu mới ở trong khu vực DN nhà nước do quá trình sắp xếp lại các TCty và cổ phần hoá DN thành viên cũng như quá trình đầu tư nước ngoài vào VN và VN ra ra nước ngoài. Vì vậy, còn nhiều vấn đề từ nhận thức đến tổ chức quản lý, tên gọi, phát triển thương hiệu... trong tập đoàn, nhất là hình thành cách thức quản lý mới thay thế cho cách thức quản lý cũ trong các TCty.

Ông Đàm Xuân Hiệp: Tôi chưa thấy có một định nghĩa chính thống về tập đoàn ở nước ta. Tuy nhiên, gần đây hầu hết các Cty 90 và 91 của VN đã được Chính phủ ra QĐ để trở thành các tập đoàn. Thế nhưng, theo tôi, đó chẳng qua là sự đổi tên, còn bản chất hầu như chẳng có gì thay đổi đáng kể. Vẫn bấy nhiêu ban bệ với các chức năng nhiệm vụ như trước đây, vẫn các Cty con trong đó đổi thành các TCty...

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Để có thể hội nhập với khu vực và quốc tế thì việc có một số tập đoàn mạnh ở một số ngành mũi nhọn là cần thiết để có thể cạnh tranh được với các Cty nước ngoài. Tuy nhiên, nếu lạm dụng mô hình này quá, đưa nó trở thành phong trào tập đoàn thì sẽ trở thành phản tác dụng. Vì vậy, trước hết phải hiểu rõ thế nào là tập đoàn và xác định tiêu chí cho nó, phù hợp với VN.

Ông Đỗ Quang Hiển: Việc hình thành các tập đoàn của VN là cần thiết nhưng trước hết phải có định nghĩa, khái niệm, làm rõ các tiêu chí về tập đoàn như ngành nghề, vốn, công nghệ, thành viên (phải đáp ứng những điều kiện gì), nhất là giá trị thương hiệu đã được xã hội thừa nhận. Có thể có những cá nhân có thương hiệu mạnh cũng có thể thành tập đoàn. Đã gọi là tiêu chí thì sự liên kết giữa các thành viên như thế nào, chi phối với nhau bởi cái gì dựa theo luật nào như Luật DN, CTCP chẳng hạn. Nếu theo tiêu chí của nước ngoài về tập đoàn thì mình có đáp ứng được không. Vì về vốn và vấn đề chi phối. Hiện tại có những tập đoàn nhà nước có Cty thành viên mà trong đó tập đoàn chỉ chiếm 10% vốn nhưng Chủ tịch HĐQT tập đoàn vẫn nắm quyền chi phối. Ngoài ra thì công nghệ, hệ thống phân phối, thương hiệu... cũng phải được xác định, có quy chuẩn cụ thể.

Ông Võ Văn Mai: Hiện nay ở VN đang bắt đầu dùng thuật ngữ “tập đoàn” để chỉ một tập hợp của một nhóm Cty có liên hệ với nhau theo nghĩa nào đó (ngành nghề, chủ sở hữu, hay chỉ đơn thuần là do truyền thống). Ta cũng thấy rất nhiều tập đoàn kinh tế lớn như VNPT, Dầu khí, Bảo Việt, NH Đầu tư... Bên cạnh đó cũng có những tập đoàn tư nhân lớn và nhỏ, hoạt động theo mô hình có “tập đoàn” như HiPT là một ví dụ.

- Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, VN hiện chưa xây dựng tiêu chí cụ thể của mô hình tập đoàn?


Nghị định 139/2007/NĐ-CP mới ban hành có một điều hướng dẫn về tập đoàn. Tuy nhiên, tập đoàn kinh tế là một nhóm, một tổ hợp của các Cty có tư cách pháp nhân độc lập. Còn tập đoàn không phải là một pháp nhân nên việc quy định một khung khổ pháp lý về tổ chức của một nhóm Cty trong bối cảnh DN được quyền tự quyết về các mối liên hệ thì khung khổ pháp lý mà chúng ta muốn xây dựng có thể trở thành khiên cưỡng, thậm chí sẽ kìm hãm sự phát triển của DN.

TS Trần Tiến Cường - Trưởng Ban nghiên cứu cải cách và phát triển DN – CIEM


TS Trần Tiến Cường: VN chưa có tiêu chí xác định tập đoàn kinh tế là một thực tế. Có ý kiến cho rằng cần xây dựng các tiêu chí về tập đoàn kinh tế để có căn cứ công nhận và thực hiện. Theo cá nhân tôi thì điều này khó vì thiếu cơ sở khoa học và kinh nghiệm quốc tế. Cũng bởi lẽ, bản chất của tập đoàn là các mối quan hệ giữa Cty mẹ – Cty con và những mối liên kết phát triển. Từ đó, quy mô liên kết, số lượng, phương thức liên kết như thế nào là do nhu cầu thực tiễn của các DN đó. Trong bối cảnh các DN đều có những nhu cầu đa dạng thì không thể có một tiêu chí chung để áp đặt cho tập đoàn. Nếu cứ quyết tâm xây dựng tiêu chí cho tập đoàn, vô hình trung đã áp đặt duy ý chí.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Điều cần được làm rõ là tập đoàn có phải là pháp nhân? Một TCty A được chọn làm hạt nhân (Cty mẹ) trong tập đoàn cùng một số TCty khác là Cty con. Như vậy liên kết của các thành viên trong tập đoàn được hình thành từ liên kết về phần vốn nhà nước, liên kết trong phân công sản xuất, chiến lược thị trường... Nhưng bản thân tập đoàn bao gồm toàn bộ các TCty này có là một pháp nhân hay chỉ là một mô hình tập hợp các mối liên kết với nhau? Tại một số nước như Nhật Bản, các tập đoàn cũng có nhiều dạng. Có loại có cùng một tên gốc như Mitsubishi thì có Mitsubishi Industry, Heavy, Construction, Electric... Loại hình này liên kết chặt chẽ với nhau không chỉ về vốn mà cả về chiến lược thị trường, thương hiệu... Thậm chí, ở một số tập đoàn giữa những người lãnh dạo các Cty có quan hệ gia đình với nhau như bố là Chủ tịch, con là giám đốc Cty thành viên. Tuy nhiên, có những tập đoàn chỉ liên kết, hỗ trợ nhau khá lỏng lẻo và không phụ thuộc nhiều vào nhau, thương hiệu khác nhau nhưng họ vẫn tuyên bố là cùng trong một tập đoàn như Taisei là một tập đoàn xây dựng lớn của Nhật. Họ tham gia Group với một ngân hàng lớn và một số tập đoàn công nghiệp lớn nhưng hoàn toàn không bị lệ thuộc vào nhau. Sự liên kết này nhằm tạo ra sự hỗ trợ nhau để chiếm lĩnh thị trường có kết quả hơn.

Ông Đỗ Quang Hiển: Tại sao phải thành lập tập đoàn? Để hỗ trợ nhau, gắn kết, bổ sung cho nhau, mỗi bên có một thế mạnh nhưng phải có mục tiêu chung. Tập đoàn làm cái gì, chọn cái gì làm lĩnh vực xương sống, mũi nhọn? Ngay hiện nay, nhiều tập đoàn đang chạy đua vào một số lĩnh vực như bất động sản, ngân hàng, tài chính..., những lĩnh vực mới đối với họ. Tập đoàn nào cũng giống nhau, cũng đua nhau đầu tư vào những lĩnh vực đó mà ít chú trọng đến những thế mạnh chính, xương sống của mình. Các thành viên làm cái gì? Các thành viên trong tập đoàn phải là các Cty cổ phần, có số vốn từ bên ngoài tương đối chứ không nên là Cty 100% vốn của tập đoàn nhằm tăng tính xã hội. Nói chung cần phải có những quy định, tiêu chí cụ thể về tập đoàn, có thể đăng ký kinh doanh lấy tên là tập đoàn (pháp nhân) được, tạo quy định về cơ chế ngành. Hiện nay, nhiều DN tự xưng là tập đoàn nhưng trên thực tế chưa có cơ sở gì để khẳng định, công nhận. Có DN không đăng ký được là tập toàn thì lại cố làm sao để có được chữ tập đoàn trong tên đăng ký kinh doanh của mình. Cty TNHH tập đoàn là một ví dụ. Không ai, ở đâu đặt tên như vậy cả. Thành lập tập đoàn là cần thiết nhưng phải tránh loạn tập đoàn vì sẽ giảm hiệu quả, mục đích, ảnh hưởng đến thương hiệu quốc gia. Bản thân tập đoàn được hình thành do nội tại của nó, được xã hội thừa nhận, nhưng phải có những quy định, tiêu chí rõ ràng. Nói chung không phải lớn, đa dạng, nhiều thành viên là có thể thành tập đoàn.

Ông Đàm Xuân Hiệp: Theo tôi, chưa có định nghĩa chính thống và cũng chưa có tiêu chí cụ thể nào về tập đoàn, cho nên khái niệm này khá mơ hồ. Mặc dù chưa có định nghĩa rõ ràng, nhưng khi xem xét ta cần lưu ý một số điểm quan trọng sau đây:

- Tập đoàn trước hết đó phải là kết quả của quá trình cạnh tranh: Cty lớn thôn tính nhỏ hoặc các Cty nhỏ liên kết với nhau thành Cty lớn hơn và cứ thế sẽ đến một lúc “kẻ khổng lồ sống sót” đương nhiên trở thành 1 tập đoàn.

- Tập đoàn được hình thành do quá trình tích tụ tự nhiên về quy mô sản xuất (nhỏ đến lớn), về chủng loại sản phẩm (từ 1 vài loại đến nhiều và đa dạng)... đây là nhu cầu tự thân và rất khách quan của phát triển tư bản. Quá trình này cũng thường song song với việc tạo ra tích tụ tiền bạc và năng lực tài chính.

- Một khía cạnh cần hết sức quan tâm khi nói đến tiêu chí, đó là “sản phẩm lõi” của tập đoàn. Ví dụ, nói đến FPT người ta phải nhớ đến sản xuất phần mềm, nói đến Vinaconex phải nghĩ đến xây dựng...

Ông Võ Văn Mai: Tôi chưa thấy bất cứ tài liệu nào của Nhà nước về vấn đề này. Thực sự rất quan tâm bao giờ có được.

Năm ngoái khi HiPT nộp hồ sơ đổi tên thành Tập đoàn HiPT, cũng đã gặp phải nhiều ý kiến vì chưa có văn bản nào hướng dẫn. Tuy nhiên, sau khi có sự phối hợp giữa Phòng đăng ký kinh doanh Hà Nội với các Vụ chức năng của Bộ KHĐT thì cũng đã giải quyết xong. Và có lẽ HiPT là một trong những DN đầu tiên nhận được tên Tập đoàn HiPT. Vừa mới đây tôi cũng nghe là có nghị định về việc chấp nhận chữ tập đoàn như là tính từ trong tên riêng của DN. Đó cũng là cái gì đó mới hơn so với quan điểm hiện nay. Tuy nhiên theo tôi đây chưa phải là cái mà DN mong đợi: Tập đoàn phải có nghĩa về thể chế quản trị điều hành DN, chứ không phải là tên riêng.

Tập đoàn tư nhân - mới là tự phong!

- Có nhiều ý kiến cho rằng VN chưa có tập đoàn kinh tế tư nhân. Quan điểm của ông về vấn đề này?

TS Trần Tiến Cường: Không hẳn như vậy. Chúng ta đã chứng kiến khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian gần đây đã có bước phát triển tốt về quy mô, số lượng bằng cách tách thành các DN con, đầu tư thêm, hình thành Cty mẹ con mang dáng dấp tập đoàn kinh tế.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Tại VN, hiện nay ngoài một số tập đoàn nhà nước được Chính phủ quyết định, còn có một số DN cổ phần, tư nhân cũng lấy tên là tập đoàn. Vậy tiêu chí thế nào để gọi là tập đoàn và có cần tiêu chí không? Theo tôi, vì tập đoàn nhà nước liên quan đến chế độ đãi ngộ đối với cán bộ điều hành của tập đoàn nên Nhà nước phải có tiêu chí rõ ràng. Nhưng với các thành phần kinh tế khác không có quy định nào về vấn đề này nên họ gọi là tập đoàn, TCty hay Cty cũng chẳng có ai ngăn cấm cả. Vấn đề quan trọng là thị trường nhìn nhận, đánh giá họ thế nào?

Một vấn đề khác, các mô hình DN của chúng ta trong suốt nhiều năm qua đã có nhiều sự thay đổi để thích nghi với sự phát triển từ xí nghiệp, xí nghiệp liên hợp, liên hiệp các xí nghiệp, TCty... và bây giờ là tập đoàn. Mô hình nào được thị trường chấp nhận thì sẽ tồn tại và phát triển, nhưng phải đảm bảo được yếu tố cạnh tranh. ở một số chuyên ngành, nếu sự hình thành một số tập đoàn mà lại đẻ ra yếu tố độc quyền nhà nước làm triệt tiêu cạnh tranh thì cần phải xem lại.

Ông Đàm Xuân Hiệp: Theo tôi, ý kiến này không sai vì nước ta đã định nghĩa đâu. Ở nước ngoài chỉ có tập đoàn kinh tế tư nhân hầu như không có tập đoàn kinh tế nhà nước (trừ Pháp có 1 số tập đoàn nhưng cũng đang dần chuyển sang cổ phần hóa hay tư nhân hóa). Ở nước ta, ngoài các tập đoàn do Nhà nước thành lập, còn các Cty tư nhân thực sự chưa đủ mạnh để gọi đó là các tập đoàn. Nếu có thì cũng là... “tự phong”. Tôi không quan trọng là ai phong vấn đề vẫn là thực lực của chính những DN ấy.

- Tuy nhiên, trên thực tế, hiện chúng ta vẫn chưa có hành lang pháp lý cho mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân?

TS Trần Tiến Cường: Tại VN đã hình thành mô hình tập đoàn kinh tế nếu chúng ta hiểu khái niệm tập đoàn là có hơn một DN hoặc bao gồm một DN chi phối DN khác để hình thành nhóm Cty theo mô hình Cty mẹ - Cty con. Thực tế có khá nhiều DN chi phối, liên kết, kiểm soát chặt chẽ lẫn nhau nhưng vẫn tạo điều kiện phát triển cho nhau - đó chính là tập đoàn.

Thực tế, bắt đầu có điều khoản quy định nhóm Cty trở thành tập đoàn. Nghị định 139/2007/NĐ-CP mới ban hành có một điều hướng dẫn về tập đoàn. Tuy nhiên, tập đoàn kinh tế là một nhóm, một tổ hợp của các Cty có tư cách pháp nhân độc lập. Còn tập đoàn không phải là một pháp nhân nên việc quy định một khung khổ pháp lý về tổ chức của một nhóm Cty trong bối cảnh DN được quyền tự quyết về các mối liên hệ thì khung khổ pháp lý mà chúng ta muốn xây dựng có thể trở thành khiên cưỡng, thậm chí sẽ kìm hãm sự phát triển của DN.

Khía cạnh pháp lý đáng quan tâm lúc này là những vấn đề có liên quan đến hoạt động của DN trong tập đoàn: giám sát về công khai, minh bạch, báo cáo tài chính hợp nhất... để điều chỉnh những hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các nhóm thì lại nằm trong các luật khác. Thời điểm này, chúng ta nên tập trung rà soát, xem xét, bổ sung quy định pháp luật và thực hiện theo các yêu cầu trên, tăng cường năng lục quản trị của nhóm Cty và quyền hạn của nhà nước trong quản lý để đảm bảo công khai minh bạch, cạnh tranh lành mạnh.

Ông Đàm Xuân Hiệp: Tập đoàn, trước hết đó là 1 DN, nên hành lang pháp lý căn bản vẫn là Luật DN và các luật hiện hành phục vụ cho hoạt động của DN. Tuy nhiên, trong các bộ luật đó ta có thể bổ sung một số điểm sao cho phải tính đến xu hướng này. Đây là cách có vẻ đơn giản và mang tính khả thi. Như vậy bổ sung hành lang pháp lý là việc làm cần thiết.

Ông Võ Văn Mai: Thực sự đây là một vấn đề cần được Nhà nước đầu tư xây dựng sớm. Chứ như hiện nay, do không có khung pháp lý, chúng tôi phải vận dụng cùng một lúc nhiều bộ văn bản pháp luật... Từ đó phát sinh nhiều công việc thừa, không hiệu quả trong điều hành. Ví dụ: Chúng tôi có những chức danh như Chủ tịch tập đoàn, Hội đồng điều hành tập đoàn, nhưng những chức danh này không được Luật DN ghi nhận, nên cứ phải ép sang các chức danh khác của các Cty thành viên để được các cơ quan quản lý chấp nhận. Việc này không phản ánh thực chất điều hành. Và cơ bản là Nhà nước cũng không quản lý được thực chất thực thể của DN.

Chính sách quản lý

- Vậy ngoài sự nỗ lực tự thân, các tập đoàn kinh tế tư nhân còn cần những yếu tố gì?

TS Trần Tiến Cường: Các tập đoàn kinh tế tư nhân cần có môi trường kinh doanh thuận lợi, môi trường pháp lý bình đẳng, có các chính sách khuyến khích đầu tư liên kết để hình thành tập đoàn kinh tế có năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế. Vì vậy, cũng rất cần có chính sách khuyến khích đầu tư vào DN khác ra nước ngoài, tạo điều kiện để DN dễ dàng tiếp cận thông tin, cải cách thủ tục hành chính... đặc biệt là thực hiện các dự án đầu tư để hình thành những Cty có tiềm lực tài chính, bảo vệ quyền lợi, thương quyền...

Ông Võ Văn Mai: Sự quan tâm xây dựng một bộ khung pháp lý cho việc tổ chức, vận hành và quản lý các TĐKT (Nhà nước và tư nhân) là một việc quan trọng. Có hành lang đủ rộng thì các DN mới vững tin để đi, nếu vừa đi vừa dò dẫm thì mất thì giờ và kém hiệu quả.

Mặt khác, Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích xây dựng những đầu tàu kinh tế cho đất nước, chính sách về đào tạo, quản trị và khuyến khích đầu tư...

- Xin cảm ơn các ông!



Theo dddn.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường