Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thậm hụt thương mại tháng 9/2007 ước đạt 1 tỷ USD
29 | 09 | 2007
Mức nhập siêu trong 9 tháng cao (7,63 tỷ USD, chiếm 21,7% tổng kim ngạch xuất khẩu) một mặt do ảnh hưởng của việc giảm thuế nhập khẩu, sự chậm trễ của việc áp dụng các quy chế phi thuế quan; mặt khác do giá nhập khẩu một số mặt hàng và nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất tăng cao.
Xuất khẩu phải tăng để đảm bảo mục tiêu của năm 2007

Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu cả nước tháng 9/2007 ước đạt 4,1 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ. Cộng chung 9 tháng đầu năm xuất khẩu được 35,3 tỷ USD tăng 19,4%. Trong đó, các doanh nghiệp 100% vốn trong nước xuất khẩu 15,4 tỷ USD tăng 24,6%, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu 19,8 tỷ USD, tăng 15,6%. Mặc dù chiếm tỷ trọng nhỏ hơn trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng các doanh nghiệp 100% vốn trong nước liên tục tăng trưởng ở mức cao trong thời gian gần đây, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa cả nước. Để đạt kim ngạch xuất khẩu 46,7 tỷ USD như mục tiêu đặt ra cho năm 2007, thì bình quân mỗi tháng cuối năm phải đạt khoảng 3,9 tỷ USD.

Nhóm sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản tăng trưởng ổn định và duy trì khả năng xuất khẩu do được lợi thế về giá như: giá gạo (tăng 16,7%), giá cà phê (29%), giá hạt tiêu (tăng gấp 2 lần), giá nhân điều (3,6%), chè các loại (2,9%). Tính chung 9 tháng đầu năm đã có 3 sản phẩm của nhóm đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD là thủy sản (2,7 tỷ USD), gạo (1,2 tỷ USD), cà phê (1,4 tỷ USD), xuất khẩu cao su ước đạt 933 triệu USD, bằng 98,0% cùng kỳ, dự kiến sẽ đạt trên 1 tỷ USD vào tháng 10. Những sản phẩm có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung là: cà phê (tăng 86,1%); hạt tiêu (29,2%); nhân điều (26,9%).

Các sản phẩm công nghiệp tiếp tục có đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong tháng 9, hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều tăng mạnh, đạt trên 20%) và cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung như: hàng dệt may ước đạt 750 triệu USD (tăng 54,0%), giày dép các loại 300 triệu USD (24,5%), sản phẩm gỗ 200 triệu USD (29,9%), sản phẩm nhựa 65 triệu USD (58,5%), dây điện và cáp điện 80 triệu USD (40,4%), túi xách, va li, mũ, ô dù 50 triệu USD (35,1%).

Một số sản phẩm tăng thấp hơn là: than đá 80 triệu USD, tăng 1,6%, hàng điện tử và linh kiện máy tính 200 triệu USD, tăng 14,9%; hàng thủ công mỹ nghệ 60 triệu USD, tăng 20,0%, xe đạp và phụ tùng 6 triệu USD, bằng cùng kỳ năm trước.

Riêng mặt hàng dầu thô ước đạt 640 triệu USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ do sản lượng xuất khẩu giảm 20,6%. Tính chung 9 tháng đầu năm, một số mặt hàng công nghiệp xuất khẩu đạt mức tăng trưởng cao là hàng dệt may đạt 5,8 tỷ USD, tăng 31,7% và vượt cả dầu thô trở thành mặt hàng công nghiệp có kim ngạch lớn nhất, giày dép các loại 2,96 tỷ USD tăng 13,1%, sản phẩm gỗ 1,71 tỷ USD tăng 24,8%, hàng điện tử và linh kiện máy tính 1,51 tỷ USD tăng 23,6%...

Riêng về thị trường xuất khẩu, trong 9 tháng đầu năm xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vào các thị trường lớn tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm 2006 như: thị trường EU tăng 28,5% và chiếm tỷ trọng 19,2% tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá cả nước; thị trường Mỹ tăng 25%, chiếm tỷ trọng 20,5%...

Nhập khẩu tăng cao hơn nhiều so với kế hoạch cả năm

Kim ngạch nhập khẩu cả nước tháng 9 ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 29,9%, cộng chung 9 tháng đầu năm ước đạt 42,8 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ. Trong đó, các doanh nghiệp 100% vốn trong nước nhập khẩu 27,4 tỷ USD tăng 31,1%; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu 15,4 tỷ USD, tăng 28,6%. Như vậy, nhập khẩu tiếp tục gia tăng và đứng ở mức cao hơn nhiều so với kế hoạch cả năm (30,3% so với 17,5%).

Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu trong tháng 9 vẫn là các sản phẩm công nghiệp, đặc biệt là nhóm hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng, nguyên, nhiên liệu phục vụ cho sản xuất. Các sản phẩm có mức tăng cao là: ô tô nguyên chiếc các loại (tăng 3,06 lần); linh kiện ô tô (90,0%); thép thành phẩm (73,3%); phôi thép (51,6%), giấy các loại (45,2%), bông (47,1%); hoá chất nguyên liệu (28,7%); máy móc, thiết bị, phụ tùng (60,1%); điện tử, máy tình và linh kiện ( 41,4%); vải (55,0%).

Những sản phẩm tăng thấp hơn là: linh kiện và phụ tùng xe gắn máy (tăng 2,6%); phân bón các loại (12,3%); xăng dầu (19,5%); chất dẻo nguyên liệu (15,7%); sợi các loại (8,8%)... (Phụ lục 4).

Về thị trường nhập khẩu, trong 9 tháng nhập khẩu hàng hoá cả nước chủ yếu từ 5 đối tác như Trung Quốc, Xingapo, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trị giá nhập khẩu từ 5 đối tác này chiếm trên 50% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá cả nước.



Nguồn: baothuongmai
Báo cáo phân tích thị trường