Lớp trẻ đã có nhiều trách nhiệm với cuộc sống và xã hội hơn trước.
Robotoid là một thuật ngữ xuất hiện từ bộ phim "Chiến tranh của các người máy", phát hành tại Mỹ vào năm 1966. Đây là những cụm từ chỉ những người có lối sống vô cảm, theo chủ nghĩa "mackeno", dửng dưng, bàng quan với mọi sự xảy ra xung quanh mình.
Thật đáng quan tâm khi một thuật ngữ không phổ biến của phim ảnh nước ngoài lại được một số phụ huynh sử dụng khi nói về con cái mình và bạn bè của chúng. Họ lo sợ rằng giới trẻ 8X, 9X hiện nay đang rơi vào lối sống vi kỉ bất cần ấy.
Tại căn nhà xinh xắn, gọn gàng ở đường Phạm Văn Hai, Q. Tân Bình, TP. HCM, bà Huỳnh Thi Ngọc Yến, 54 tổi, chỉ vào tấm ảnh treo tường. Đó là một cô gái khoảng 20 tuổi, tay ôm đàn, miệng cười rất xinh. Bà bảo: "Con gái tôi đấy. Nó hát rất hay và quyết tâm làm một ca sĩ từ năm 17 tuổi. Tôi và bố cháu lại muốn cháu trở thành kiến trúc sư hoặc cô giáo. Vậy mà nó có nghe đâu. Nó tìm đến các quán cà phê học nhạc sống, các bar để tự giới thiệu về mình".
"Thế là vợ chồng tôi làm ầm lên, phần sợ nó vào môi trường phức tạp sẽ dễ bị sa ngã, phần muốn lo con học hành. Nó bảo: "Miễn là con không để mình hư hỏng mà vẫn học hành tử tế, bố mẹ đừng cấm con".
Ông Phạm Anh Tùng, ngụ ở khu tập thể Quỳnh Mai, Q. Hai Bà Trưng Hà Nội, than thở về một việc khác: "Tôi có hai cậu con trai. Chúng nó đi suốt ngày, ít khi ở nhà trò chuyện hay ăn cơm với bố mẹ. Đi chơi với bạn thì phấn chấn, vui vẻ, đi với bố mẹ cứ như bị bắt buộc"
Bà Nguyễn Minh Thy ở khu đô thị mới Văn Quán, Hà Đông kể: "Con trẻ bây giờ ít khi thổ lộ với bố mẹ về tình cảm của mình, hỏi thì nó bảo rằng ngượng miệng. Tại sao mình là người ruột thịt mà nó lại ngượng khi nói điều đó? Tôi không muốn con cái càng lớn càng sống ích kỷ, không biết thể hiện tình cảm với người thân trong gia đình".
Tại trung tâm tư vấn tình yêu và hôn nhân gia đình, 145 Pasteur, Q. 3, TP. HCM, nhiều bậc phụ huynh cũng tìm đến gửi những băn khoăn về con cái. Theo cô Hồng Hà một chuyên viên tư vấn ở đây: "Họ than phiền con em mình hay cãi, không chịu tâm sự với bố mẹ. Bố mẹ mắng thì bỏ nhà đi, đòi tự tử. Nói tóm lại, họ than con mình hư, bướng bỉnh..."
Phải chăng teen của ngày nay có vấn đề thật? Hãy bước vào thế giới của họ để tìm câu trả lời.
Tuổi teen hôm nay sâu sắc theo kiểu rất khác
Một buổi chiều lang thang trên blog của Yahoo 360 độ, tôi đã đọc được một đoạn thế này: "Hôm qua đi học, đến trường lấy ổ bánh mì ra ăn thì có một bé gái gầy ốm đến xin tớ nửa ổ bánh mì. Tớ lưỡng lự vì tối nay mình phải học đến 8 giờ, nhưng rồi cũng gật đầu nhìn em: "Ừ không sao mà!". Thế là tớ bẻ đôi bánh, chia cho em một nửa. Tớ cứ tưởng em cho hết vào miệng và ăn một cách ngấu nghiến, nhưng không, em chạy đến bên đứa em nhỏ xíu, run rẩy cho đứa bé kia ăn. Nhìn cảnh tượng ấy, không kìm nổi xúc động, tớ vội chạy đến và đưa nốt ổ bánh mì còn lại cho hai chị em..."
Chủ nhân của đoạn tâm sự trên là cô bé Kim (tên thật là Cẩm Lê), sinh năm 1991, hát hip hop rất nổi tiếng ở Hà Nội.
Nếu không đọc những dòng nhật ký online này của Kim, chắc bạn sẽ nghĩ cô bé này hời hợt, vô tâm với mọi người xung quanh lắm đây.
Trong số 10 người lớn nhìn Kim với kiểu áo rộng thùng thình, quần tụt và dây đeo đầy người, 9 người có chung một nhận định: "Con bé này nhố nhăng thật!". Nếu đọc được những dòng tâm sự mà Kim đã viết, hẳn họ sẽ nghĩ khác đi. Một khi sống theo xu hướng rô bốt hoá, liệu Kim có dành hết chiếc bánh mì cho hai em bé tội nghiệp kia không?
Hiện nay trên các blog cũng như diễn đàn, những suy nghĩ và hành động như thế, thậm chí hơn thế của những người trẻ 8X, 9X còn nhiều vô kể
Tuy nhiên những lời than thở của những vị phụ huynh ở trên cũng không phải là thiếu cơ sở. Nhiều người lo ngay ngáy khi thấy con mình suốt ngày giam lỏng trong phòng, gõ lạch cạch bàn phím để chat chít, chơi game. Lũ trẻ ấy luôn kè kè di động bên mình, ngay cả việc tiếp thu phim ảnh, tin tức cũng qua internet chứ không cần xem ti vi hay đọc báo giấy, nhìn bên ngoài, có vẻ như chúng thật vô cảm, vô tình.
Có phải thời đại số hoá đã làm cho trẻ trở thành những con rô bốt vô cảm và không sâu sắc. Họ luôn nói điều mình nghĩ và làm điều mình thấy đúng và hợp lý.
Đỗ Khoa Mai Lâm (sinh năm 1984) hiện là chuyên viên PR của công ty Marketeers Việt Nam. Cô kinh doanh thời trang dành cho tuổi teen và làm biên tập cho một tờ báo nổi tiếng dành cho teen. Lâm bày tỏ quan điểm: "Thế hệ trước lấy cái gì làm quy chiếu để đánh giá thế hệ sau sâu sắc hay không? Giới trẻ bây giờ quan tâm đến chuyện làm thế nào là đúng, thế nào là sai hơn chuyện sâu sắc hay nông cạn. Hiện nay, chúng tôi đang quan tâm đến vấn đề của thế giới nhiều hơn thế hệ trước. Một người không quen biết bạn nhưng có thể nâng đỡ tinh thần cho bạn, người mà họ không hề biết mặt và ở xa đến nửa vòng trái đất. Đấy không phải là điều quá vĩ đại sao?"
Điểm nhấn ở thế hệ mới này là sự tự tin
|
Hoa hậu tuổi teen Mai Phương Thuý - Một 8X đầy lòng nhân ái và với những hành động đầy sức thuyết phục |
Nói đến khả năng chia sẻ và sự quan tâm tới cộng đồng, quả thật giới trẻ hiện nay có nhiều điều kiện hơn thế hệ trước. Điển hình là hoa hậu tuổi teen Mai Phương Thuý. Với vị trí hoa hậu Việt Nam, ngoài khả năng tài chính của bản thân, Thuý đã dùng danh hiệu của mình để kêu gọi bạn bè, các tổ chức trong nước ra tay hỗ trợ hoạt động từ thiện, nếu để đánh bóng bản thân, Thuý có thể chọn cách đơn giản khác. Thực ra, cô chỉ cần làm đủ các hoạt động từ thiện do ban tổ chức cuộc thi quy định rồi có thể đi nước ngoài du học. Thế nhưng, Thuý đã không "đơn điệu cứng nhắc" như thế. Cô chủ động lên kế hoạch, tiếp tục đi những chuyến đi từ thiện của riêng mình. Một 8X đầy lòng nhân ái và với những hành động đầy sức thuyết phục như vậy khiến nhiều người ở các thế hệ trước phải khâm phục.
Hay câu chuyện về hai "Free Hugs" Lê Xuân Khoa, 8X và Nguyễn Hoài Nghĩa, 7X là một ví dụ khác. Cái ôm miễn phí mà họ khởi xướng mang lại sự thân thiện cho cộng đồng vào một buổi sáng tại Hà Nội không phải là trò tự phát. Họ có nhiều chương trình, không ít hoạt động từ thiện, lớp học tình thương dành cho trẻ lang thang, người có hoàn cảnh khó khăn. Họ chính là những biểu tượng sinh động, dám nghĩ dám làm, đối đầu với chủ nghĩa robotoid mà thế hệ 5X, 6X đang lo ngại.
Bạn Võ Thạch Thảo (sinh năm 1983) vừa tốt nghiệp khoa Đạo diễn, trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, tự tin khẳng định: "Cá nhân tôi không phải là người máy. Tôi cho rằng mình phải sống tốt với chính mình trước đã, phải tử tế với bản thân để hiểu được cảm giác của người khác. Đó là cách thoát khỏi lối sống ích kỷ, dửng dưng và vô tâm. Trước kia gia đình tôi rất nghèo, bây giờ cuộc sống khá giả, đầy đủ hơn, tôi muốn san sẻ tiền do mình kiếm được với những người còn khó khăn".
Hiện nay, giới 8X, 9X không cố tình giấu giếm suy nghĩ hay cảm xúc của họ với xã hội. Họ cũng không làm ra vẻ bí ẩn trong mọi hành động mà đang phơi bày ra theo một cách rất riêng.
Trong thực tế, một số bạn trẻ thế hệ 8X, 9X đang tôn vinh lối sống vật chất bề ngoài. Tuy nhiên, không phải vì số ít tiêu cực đó mà ta đưa ra tổng kết chung về toàn bộ giới trẻ hôm nay.
Không phải tự dưng người ta gọi 8X, 9X là thế hệ vượt trội. Họ trội hơn thế hệ trước là do đâu?
Điểm nổi trội nhất của họ là sự tự tin thể hiện cá tính của mình. Họ dám thể hiện mình trước đám đông, dám hội nhập với thế giới bằng trang phục, đầu tóc lẫn cách trang điểm mà họ thấy thích. Họ muốn đi tiên phong trong cách sống và cách làm. Họ là những người truyền nhau khẩu hiệu: "Theo xu hướng hay tạo ra xu hướng".
Chính thế hệ trẻ đã tạo ra xu thế và khuynh hướng
Khi chương trình Vietnam Idol đầu tiên phát trên sóng truyền hình, không ít người giật mình vì giới trẻ Việt Nam. Họ, những người rất đỗi bình thường với mong ước trở thành thần tượng âm nhạc Việt Nam đã bộc lộ mình với tất cả biểu hiện kỳ quặc nhất, thậm chí ngớ ngẩn nhất để mong ghi điểm với ban giám khảo. Chính vì thế, cho đến thời điểm này, chương trình Vietnam Idol vẫn hấp dẫn khán giả nhiều hơn những vòng thi MC truyền hình trực tiếp gần đây.
|
Nguyễn Khánh Ánh Hoàng nhận cúp vàng cuộc thi Công nghệ thông tin truyền thông khu vực châu Á - Thái Bình Dương khi mới 11 tuổi. |
"Chơi ra chơi, học ra học" được xem là tuyên ngôn của giới 8X, 9X. Điển hình là Nguyễn Khánh Ánh Hoàng, cậu bé vàng của tin học Việt Nam. Chỉ mới 15 tuổi, Hoàng đã sở hữu một số thành tích đáng nể: 2 cup vàng về tin học và truyền thông khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Giải thưởng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới - Liên Hiệp Quốc; 3 Huy chương Tuổi trẻ sáng tạo; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Học như thế, lấy đâu ra thời gian chơi? Vậy mà có đấy. Hoàng vẫn sắp xếp được thời gian để học piano tại Nhạc viện, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện của trường. Mục tiêu của Hoàng là trở thành bác sĩ và là nhạc sĩ piano giỏi.
Hay Tăng Thanh Hà, sinh năm 1986, ngoài việc làm diễn viên điện ảnh, chơi chứng khoán, còn là một sinh viên đang theo học ngành Thương mại tại trường Đại học Quốc tế RMIT.
Với cô, việc học cũng quan trọng như làm kinh tế cho bản thân. Dù vừa học, vừa kinh doanh, Hà luôn dành khá nhiều thời gian tham gia các hoạt động từ thiện của nhãn hàng mỹ phẩm mà cô làm đại sứ quảng cáo.
Điều đó cho thấy tuổi teen bây giờ tiếp thu và thể hiện giá trị cuộc sống theo cách riêng của họ. Internet là phương tiện giúp họ sát nhập với cuộc sống toàn thế giới một cách nhanh chóng.
Một người bạn 7X của tôi bảo: "Ai trưởng thành mà không trải qua thời vắt mũi chưa sạch. Chưa kể tuổi trẻ là tuổi ương bướng, tìm tòi, thể hiện mình. Điều quan trọng là teen hôm nay thể hiện được mình như thế nào".
Đừng đòi hỏi 8X, 9X làm gì cũng phải chín chắn và hoàn thiện. Hiện họ vẫn còn thời gian để tiếp thu và thay đổi. Không nên so sánh khoảng cách giữa thế hệ này với thế hệ trước và yêu cầu họ trở nên hoàn hảo.
Một khi các bậc phụ huynh đứng ở phía đối đầu, không tin tưởng, không tạo điều kiện cho con cái thể hiện mình, chủ nghĩa robotoid có thể là kẻ cơ hội chen vào cuộc sống của giới trẻ như lời bà Huỳnh Thị Ngọc Yến đã kết luận: "Năm năm qua, con tôi đã giữ lời hứa. Giờ đây nó đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định. Buổi tối nó đi hát ở một quán cà phê nhỏ để thoả đam mê. Trước kia ai đó bảo đảm trẻ bây giờ sống như robotoid, chúng tôi cũng sợ con mình như thế, nay thì yên tâm rồi. Giới trẻ hiện nay tự tin, mạnh mẽ, dám nói, dám làm, hơn thời của chúng tôi nhiều. Bố mẹ nên tạo điều kiện cho con chứ đừng ép nó làm theo ý mình".