Pháp hiện đứng đầu các nước châu Âu đầu tư vào Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những bạn hàng lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu. Pháp cũng là nước ưu tiên dành ODA cho Việt Nam và là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai sau Nhật Bản.
Cường quốc kinh tế ở Tây Âu
Pháp là một nền kinh tế lớn với tổng thu nhập quốc nội năm 2006 đạt trên 1.710 tỷ Euro, đứng thứ 6 thế giới (sau Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Trung Quốc và Anh). Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 27.850 Euro.
Pháp cũng đứng đầu thế giới về các lò phản ứng hạt nhân tái sinh và phóng vệ tinh thương mại, thứ nhì về công nghệ khai thác dầu khí ngoài khơi, thứ ba về công nghiệp vũ trụ. Các hãng Renault và Peugeot - Citroen là những nhà sản xuất ôtô hàng đầu thế giới và đang chiếm 24% thị phần châu Âu.
Pháp cũng nổi tiếng thế giới với các sản phẩm tiêu dùng như nước hoa Chanel, rượu vang Bordeaux, săm lốp Michelin, đồ sứ Limoges,...Ngành dịch vụ của Pháp phát triển rất mạnh, đóng góp khoảng 65,9% tổng sản phẩm quốc nội; công nghiệp: 25%.
Ngành nông nghiệp tuy chiếm 6% lao động và khoảng 3,1% tổng sản phẩm quốc nội, nhưng vẫn đảm bảo hầu hết nhu cầu tiêu dùng về lương thực và thực phẩm hàng ngày của người dân Pháp.
Về xuất khẩu, Pháp đứng thứ 5 thế giới (sau Đức, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản). Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2006 đạt 386,882 tỷ Euro ; 6 tháng đầu năm 2007 đạt 199 tỷ Euro, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Pháp đứng thứ 4 thế giới về nhập khẩu, sau Hoa Kỳ, CHLB Đức và Trung Quốc. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2006 đạt trên 416,093 tỷ Euros; 6 tháng đầu năm 2007 đạt 214 tỷ Euros, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Với tiềm lực kinh tế mạnh và môi trường đầu tư thuận lợi, Pháp hiện đứng thứ 4 thế giới về thu hút vốn đầu tư nước ngoài; thứ 2 châu Âu (sau Anh) và đứng thứ 4 về đầu tư ra nước ngoài. Năm 2006, Pháp thu hút 88,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và tạo thêm 39.998 công ăn việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, Pháp hiện đối mặt một số khó khăn về kinh tế, xã hội. Tỷ lệ thất nghiệp chiếm 9% dân số ở độ tuổi lao động; một nửa số người ở độ tuổi đi bỏ phiếu đang phải sống nhờ vào các khoản tiền của Nhà nước. Trong khi đó, nợ nhà nước đã lên tới 66,6% GDP; mức tăng trưởng kinh tế của Pháp thấp hơn tất cả các nước láng giềng trong EU...
Tân Tổng thống Pháp, ông Sarkozy đã chủ trương xây dựng "một nước Pháp đổi mới", trong đó tập trung giảm nợ nhà nước, giảm thâm hụt ngân sách, cải tiến chính sách việc làm, chống nạn thất nghiệp...
Những dấu mốc trong quan hệ Việt - Pháp
Đáng chú ý là quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Pháp (thiết lập từ năm 1955), đã và đang phát triển rất tích cực. Từ năm 1990 đến 1996, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước tăng bình quân khoảng 10%/năm. Từ năm 1997 đến năm 2005, mức tăng trưởng bị chậm lại, nhưng từ năm 2006 đến nay, quan hệ thương mại giữa hai nước tiếp tục phát triển khá nhanh.
Theo ông Phạm Xuân Yên - Tham tán Thương mại VN tại Pháp, tổng kim ngạch buôn bán hai chiều Việt - Pháp năm 2006 đạt hơn 1,4 tỷ Euro, tăng 18,2% so với năm 2005 và 6 tháng đầu năm 2007 đạt 819 triệu Euro, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.
Dự kiến năm 2007, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Pháp đạt 1,7 tỷ Euro, tăng 14,3% so với năm 2006. Từ năm 2000, Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường Pháp.
Về đầu tư, Pháp hiện đứng đầu các nước châu Âu và đứng thứ 9 trong số các nước và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 179 dự án trị giá gần 2,25 tỷ USD. Đầu tư của Pháp tập trung chủ yếu vào công nghiệp nặng, giao thông, bưu điện.
Pháp tiếp tục ưu tiên dành ODA cho Việt Nam và là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai sau Nhật Bản với cam kết 1,4 tỷ Euro từ nay đến 2010, đạt khoảng 350 triệu Euro/năm. Hàng năm, Pháp duy trì ngân sách hợp tác dành cho Việt Nam trị giá khoảng 10 triệu Euro, tập trung vào các lĩnh vực giảng dạy ngôn ngữ, cải cách hành chính, xây dựng luật pháp, tài chính, ngân hàng,...
Chính phủ hai nước Việt-Pháp luôn coi trọng thúc đẩy mối quan hệ song phương theo phương châm “hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, lâu dài và tin cậy trong thế kỷ 21”.
www.vneconomy.vn