Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phát triển làng nghề tại Phú Nghĩa, không đạt được mục tiêu
21 | 11 | 2007
Phát triển các làng nghề truyền thống là một mục tiêu chiến lược tầm cỡ quốc gia, trong đó thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư tại các làng nghề là một giải pháp đúng đắn nhằm thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề truyền thống, từng bước nâng cao sức mạnh của các làng nghề, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lực lượng lao động tại làng nghề.
Tuy nhiên, việc thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư tại làng nghề thủ công mỹ nghệ mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây vẫn chưa hoàn toàn đạt được mục tiêu đó, đặc biệt là trong việc giải quyết việc làm cho người lao động.

>> Làng nghề thủ công mỹ nghệ Phú Vinh khó khăn vì thiếu nguyên liệu

Năm 2006 được sự đồng ý của các cấp chính quyền, xã Phú Nghĩa chuyển đổi 53 ha diện tích đất nông nghiệp thành đất xây dựng khu công nghiệp, nâng tổng diện tích đất khu công nghiệp lên 82ha đã làm cho 22,95% tổng số lao động sản xuất nông nghiệp bị mất việc làm, nâng số lao động bị mất đất sản xuất từ 462 người năm 2005 lên 1.732 người năm 2006 (tăng thêm 1270 lao động mất đất sản xuất), trong khi đó lực lượng lao động trong khu công nghiệp chỉ tăng từ 856 người năm 2005 lên 1.251 người năm 2006 (tăng 395 người), lực lượng lao động bị mất đất được làm trong khu công nghiệp cũng chỉ tăng từ 154 người năm 2005 lên 220 người năm 2006 (tăng 46 người).

Số người bị mất đất sản xuất tại địa phương tăng lên 1270 người do giảm 53 ha đất nông nghiệp năm 2006 để xây dựng khu công nghiệp nhưng thực tế số lao động mất đất được làm việc trong khu công nghiệp chỉ tăng thêm được 46 người điều này đã làm cho một lực lượng không nhỏ lao động bị thiếu việc làm.

Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại xã Phú Nghĩa tạo công ăn việc làm cho 1.251 lao động nhưng sự xuất hiện của khu công nghiệp đã làm cho 1.732 lao động nông nghiệp ở Phú Nghĩa bị mất đất sản xuất trong khi đó chỉ các doanh nghiệp chỉ thu hút được 220 lao động bị mất đất và 315 lao động khác tại địa phương. Phần lớn lao động trong khu công nghiệp là lao động từ địa phương khác đến (659 người, chiếm 52,68%). Như vậy khả năng tạo ra công ăn việc làm của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn đối với lao động địa phương thấp, không những không thu hút được thêm lao động địa phương mà còn không tạo ra đủ việc làm cho những lao động bị mất đất làm cho sức ép về việc làm của làng nghề gia tăng.

Phần lớn số lao động bị mất đất chuyển sang làm nghề tại địa phương (997 người), một bộ phận lao động đi làm thuê ở các địa phương khác (210 người). Trong khi đó những lao động đi làm ở địa phương khác đang có xu hướng quay trở về làng nghề làm việc vì lực lượng lao động này ra ngoài không cạnh tranh được với các lao động ở địa phương khác, hơn nữa họ phải chi trả đến 60-80% thu nhập cho việc ăn uống, sinh hoạt, thuê nhà cửa… ở nơi họ làm việc, một số khác lại mang nặng tâm lý không muốn xa gia đình. Do vậy sức ép về việc làm của làng nghề thủ công mỹ nghệ Phú Vinh vốn đã lớn nay còn lớn hơn.

Trong điều kiện hiện nay khi thu nhập của người lao động đang có xu hướng giảm do số lượng nguyên liệu thiếu giá cả nguyên liệu biến động theo hướng bất lợi cho người sản xuất mà giá sản phẩm lại không theo kịp giá nguyên liệu vào, các đơn đặt hàng của các đối tác nước ngoài bị rất nhiều làng nghề ở địa phương khác, nước khác cạnh tranh làm cho khả năng tạo thêm công ăn việc làm chậm lại, thu nhập của người lao động đã thấp nay phải chia sẻ việc làm cho lực lượng lao động bị mất đất đã khiến cho đời sống của người dân Phú Nghĩa xuống dốc.

Trong thời gian tới, việc giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động ở làng nghề thủ công mỹ nghệ Phú Vinh được giải quyết như thế nào đang là nỗi bức xúc của nhiều cấp chính quyền và vẫn là câu chuyện còn bỏ ngỏ… Mục tiêu giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động khi chuyển đổi 53 ha đất nông nghiệp năm 2006 sang xây dựng khu công nghiệp ở Phú Nghĩa vẫn còn chưa biết đến khi nào đạt được.!.

Liên hệ với người gửi tin này: Phạm Văn Hanh - phamvanhanh@agro.gov.vn


Nguyễn Đình Hùng (Ipsard)
Báo cáo phân tích thị trường