Với tỷ lệ trên, 9,5 triệu thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 24 không có việc làm, báo cáo vừa công bố sáng nay (30-10) của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thuộc Liên Hợp Quốc cho biết.
Số thanh niên thất nghiệp ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương cao hơn nhiều so với toàn cầu. Tỷ lệ thất nghiệp trên thế giới trong một thập niên qua tăng 14,8%. Theo báo cáo xu hướng việc làm cho giới trẻ năm 2006, trên toàn cầu có 85 triệu người thất nghiệp.
Tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, số thanh niên thất nghiệp trong 2005 là 15,8%, trong khi đó ở Nam Á là 10% - tương đương 13,7 triệu nam và nữ. Tại Đông Á, trừ Nhật, số lượng thanh niên không có việc làm giảm từ 13,1 triệu người xuống còn 12 triệu người trong khoảng thời gian từ 1995-2005, tương đương 7,8 %.
Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp trên toàn cầu được dự đoán sẽ tăng thêm 24 triệu người vào năm 2015, với gần một nửa trong số đó, 11 triệu người là ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương.
Khu vực này gồm các quốc gia ở Đông Nam Á, đảo, lãnh thổ ở Thái Bình Dương nhưng không bao gồm các nền kinh tế phát triển như Australia và New Zealand.
ILO cảnh báo, tình trạng thanh niên thất nghiệp sẽ ảnh hưởng tới xã hội và kinh tế, khi đó, những người không kiếm được việc làm sẽ có cảm giác bị tổn thương, trở thành thừa thãi và chán nản. Các vấn đề xã hội sẽ dẫn tới các vụ phạm tội và buôn bán thuốc phiện - khiến quốc gia phải cố sức dẹp bỏ. Nền kinh tế quốc gia sẽ bỏ lỡ các khoản tiết kiệm, đầu tư.
Theo báo cáo của ILO, ngay cả với những thanh niên có việc làm, thu nhập thấp cũng là một vấn đề, dù tình trạng nghèo đã giảm bớt tại Đông Á và khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương. Trên toàn châu Á, nông nghiệp vẫn là ngành lao động lớn nhất.
Thu nhập sụt giảm đang là vấn đề trầm trọng tại Nam Á, nơi có 4 trong số 10 thanh niên kiếm chưa tới 1USD/ngày và chỉ có 1 trong số 10 người là có khả năng nuôi sống gia đình với mức thu nhập trên mức đói nghèo 2USD/ngày.