Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hóa VN
13 | 08 | 2007
Năm 2005 là năm kỷ niệm nhiều mốc lịch sử quan trọng của Việt Nam. Kỷ niệm những sự kiện lịch sử trọng đại cũng là dịp nhìn lại quá trình phát triển của đất nước trong thời gian qua; khảo sát, đánh giá sức lực, vị trí của kinh tế, xã hội trong giai đoạn hiện nay, và vạch ra phương hướng, chiến lược, chính sách để đưa đất nước tiến lên một tầm cao mới.

Cuốn sách này được soạn ra để góp một phân tích, một ý tưởng, một kiến nghị vào không khí sôi nổi đó. Trọng tâm của cuốn sách xoay quanh hai đối tượng: Đông Á và công nghiệp hoá. Đông Á, gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN, ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong kinh tế thế giới, là vùng năng động, nổi trội nhất trên địa cầu hiện nay.

Trong khoảng nửa thế kỷ qua, từ năm 1950 đến 2004, tỷ trọng của Đông Á trong nền kinh tế thế giới đã tăng từ 10% lên 30% và đang tiếp tục tăng. Vùng Đông Á cũng là nơi mà trào lưu khu vực hóa tiến triển nhanh, các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã, đang và sẽ được ký kết. Nhiều nỗ lực cũng đang hướng tới việc xây dựng Cộng đồng Đông Á. Kinh tế phát triển nhanh, cơ cấu phân công lao động chuyển dịch mạnh và các nước vừa cạnh tranh vừa hợp tác là những đặc tính lớn của vùng này. Khu vực Đông Á do đó vừa là thách thức vừa là cơ hội đối với Việt Nam. Còn tại sao công nghiệp hóa là tiêu điểm của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới có lẽ không cần giải thích nhiều. Công nghiệp hoá mới khơi dậy và phát huy hết tiềm năng của đất nước, mới giải quyết trên căn bản vấn đề lao động dư thừa ở nông thôn. Với trình độ phát triển của kinh tế hiện nay, dịch vụ không đảm nhận được vai trò đó.

Phần I của cuốn sách sẽ trả lời các câu hỏi: Khoảng cách phát triển của Việt Nam so với các nước khác ở Đông Á cần được đánh giá như thế nào? Vị trí của Việt Nam ở đâu trên bản đồ công nghiệp Đông Á? Sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc tác động như thế nào, mang lại cơ hội gì đến kinh tế Việt Nam? Thách thức nào Việt Nam phải trực diện sau khi thực hiện AFTA và FTA Trung Quốc-ASEAN? Trào lưu hướng đến Cộng đồng kinh tế Đông Á có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam?

Với quan điểm Việt Nam phải nhanh chóng tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, của ngày càng nhiều các loại hàng công nghiệp mới đối phó hữu hiệu với các thách thức và tận dụng các cơ hội phát triển ở Đông Á, Phần II của cuốn sách tập trung phân tích hầu hết các mặt của chiến lược công nghiệp hoá, cụ thể trả lời các câu hỏi sau:

Chiến lược nào để thực hiện công bằng xã hội trong quá trình công nghiệp hoá, nhất là khi kinh tế phải phát triển trong bối cảnh toàn cầu hoá? Đâu là lợi thế so sánh động của Việt Nam và cần chiến lược gì để phát huy lợi thế đó? Làm sao xây dựng công nghiệp phụ trợ, một trong những khu vực mà cuốn sách này xem là mũi đột phá của công nghiệp Việt Nam? Phương pháp luận để phân tích nội lực và ngoại lực là gì và nên sử dụng ngoại lực như thế nào để tăng cường nội lực? Trong quá trình tích luỹ nguồn lực kinh doanh, doanh nghiệp trong nước nên có chiến lược liên kết hàng dọc và hàng ngang như thế nào với các công ty đa quốc gia?

Với nhận định rằng sản xuất hàng công nghiệp với chất lượng cao và giá thành rẻ vẫn chưa hội đủ các điều kiện để cạnh tranh trên thương trường thế giới, Phần II còn bàn đến chiến lược, tổ chức liên quan đến việc khám phá và tiếp cận thị trường, cơ chế thu thập và phân tích thông tin, v.v.. Cuối cùng, cuốn sách bàn về nhà doanh nghiệp, tác nhân quan trọng nhất của sự nghiệp công nghiệp hoá. Thế nào là tinh thần doanh nghiệp, thế nào là đạo đức kinh doanh, lý tưởng của nhà doanh nghiệp trong thời đại mà đất nước phải dồn mọi nỗ lực để thoát khỏi nghèo nàn, tụt hậu và đối phó với các thách thức ở khu vực và thế giới là gì?

Chương tổng luận tóm tắt và nối kết những kết quả phân tích, những luận điểm chính của cuốn sách thành một chủ đề thông suốt: Con đường công nghiệp hoá Việt Nam trước biến động của kinh tế Đông Á.

Những chủ đề trong cuốn sách này được tác giả suy nghĩ, nghiên cứu và có nhiều dịp phát biểu trong bốn, năm năm qua. Cuốn sách được xây dựng trên các khung mẫu phân tích của kinh tế học, nhất là kinh tế phát triển và kinh tế quốc tế, và gia công, phân tích nhiều loại thống kê về thương mại, về công nghiệp và các chỉ tiêu vĩ mô.

Tuy nhiên, việc tham dự các hội nghị quốc tế ở Tôkyô, Bắc Kinh, Xơun, Cuala Lămpơ, Bali (Inđônêxia), Băng Cốc, Viêng Chăn, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, v.v., và đi khảo sát thực tế ở Khu công nghiệp Thăng Long, Khu chế xuất Tân Thuận, và các khu công nghiệp ở Biên Hoà, Bình Dương, Đà Nẵng, v.v., đã cho tác giả nhiều ý tưởng và tư liệu làm phong phú cho nội dung cuốn sách này. Cũng như cuốn sách xuất bản bằng tiếng Việt năm 1997, cuốn sách này cũng được trình bày dễ hiểu cho mọi đối tượng độc giả.

Nhiều chương trong sách này nguyên là những bài viết cho Ban nghiên cứu của Thủ tướng, cho các tạp chí trong nước như Thời báo Kinh tế Saigon và Tia Sáng, cho các hội thảo tổ chức tại Việt Nam, cho Hội thảo Hè tổ chức hằng năm của nhóm trí thức người Việt Nam ở nước ngoài và cho bộ ba của các tập sách Đánh thức con rồng ngủ quên, Thử thách của hội nhập và Làm gì cho nông thôn? do một số trí thức trong và ngoài nước thực hiện (cả ba cuốn đều do Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh, Thời báo Kinh tế Saigon và VAPEC xuất bản).

Trong thời gian thực hiện các bài viết ấy, tác giả đã có dịp trao đổi ý kiến với các đồng nghiệp cùng chuyên môn ở Ban nghiên cứu của Thủ tướng (Trần Xuân Giá, Trần Đức Nguyên, Trần Việt Phương, Lê Đăng Doanh, Đặng Đức Đạm, Nguyễn Văn Nam, Lê Xuân Nghĩa...), ở Hội thảo Hè nói trên (Trần Hữu Dũng, Vũ Quang Việt, Ngô Vĩnh Long, Lê Văn Cường, v.v.) và các chủ biên của ba tập sách đã đề cập (Phạm Đỗ Chí, Trần Nam Bình...).

Đặc biệt, các anh Vũ Quang Việt và Trần Nam Bình đã đọc bản thảo Chương tổng luận và nêu nhiều ý kiến đáng tham khảo. Ngoài ra, mỗi lần tác giả về nước là có nhiều cuộc trao đổi ý kiến, bổ ích với nhiều đồng nghiệp ở các viện nghiên cứu như Võ Đại Lược, Lê Văn Sang, Mai Đức Lộc... của Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (VAPEC); Nguyễn Xuân Thắng, Lê Bộ Lĩnh... của Viện Kinh tế chính trị thế giới; Đinh Văn Ân, Trần Tiến Cường, Võ Trí Thành... của Viện Quản lý kinh tế trung ương; Trần Du Lịch... của Viện kinh tế Tp. Hồ Chí Minh; Phan Chánh Dưỡng, Huỳnh Bửu Sơn, Trần Trọng Thức, v.v., của Nhóm thứ sáu (họp vào mỗi thứ sáu để thảo luận về kinh tế Việt Nam) tại Thành phố Hồ Chí Minh; Võ Như Lanh, Đặng Thanh Tâm, Đoàn Khắc Xuyên, Nguyễn Vạn Phú, Nguyễn Ngọc Trân... của Thời báo Kinh tế Saigon và nhiều cơ quan, nhiều cá nhân khác.

Công nghệ thông tin tiến triển nhanh mà tác giả vốn không có năng khiếu về máy móc. Các bạn Vương Trí Tân (Công ty Sakura Engineering), Đỗ Mạnh Hồng (nghiên cứu sinh ở Đại học Waseda)... là những người đã giúp tác giả nhiều trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để những bài viết, những chương trong sách này thực hiện được. Đỗ Mạnh Hồng còn là người làm giúp nhiều đồ biểu và bảng thống kê dùng trong sách này và trong quá trình đó đã có nhiều ý kiến đóng góp bổ ích (ở giai đoạn cuối còn có thêm Trần Hoài Vũ, sinh viên thạc sĩ ở Waseda).

Việc thực hiện xuất bản cuốn sách này bắt đầu từ buổi họp giữa tác giả với các anh Nguyễn Quốc Hùng (Phó giáo sư sử học ở Đại học Quốc gia Hà Nội), Trịnh Thúc Huỳnh (Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia) và Hoàng Phong Hà (Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia) tại Hà Nội vào cuối năm 2004. Mọi việc tiến hành nhanh và có năng suất. Những ngày biên tập, sửa chữa bản thảo ở giai đoạn cuối với anh Nguyễn Khánh Hoà (Trưởng ban biên tập) và chị Nguyễn Kiều Anh (Biên tập viên), những người làm việc rất chuyên nghiệp, tận tâm và đầy tinh thần trách nhiệm, đã để lại nhiều kỷ niệm khó quên.

Tác giả xin cám ơn tất cả những cá nhân đã được nêu tên ở trên và nhiều người khác nữa đã đóng góp vào việc hoàn thành cuốn sách này.

Mong rằng những ý tưởng trong sách này sẽ đóng góp vào việc tìm ra con đường công nghiệp hoá có hiệu quả nhất cho Việt Nam trước những biến động lớn của kinh tế vùng Đông Á.

Tokyo và Hà Nội, tháng 11 năm 2005

Xem tất cả: http://www3.tuoitre.com.vn/Tusach/Book/ArticleList.aspx?TopicID=670



TRẦN VĂN THỌ - Theo Tuổi trẻ
Báo cáo phân tích thị trường