Bình Dương hiện có 450 doanh nghiệp và 203 hộ cá thể kinh doanh chế biến gỗ, trong đó có hơn 110 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất và xuất khẩu gỗ đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như: Mỹ, Anh, Đài Loan... Nhiều doanh nghiệp đầu tư lớn và có năng lực khá như Công ty Gỗ Kaiser (vốn đầu tư 12 triệu USD), Công ty Chấn Kiệt (10 triệu USD), Công ty Doanh Đức (10 triệu USD)... Số doanh nghiệp có mức xuất khẩu hơn 100 container ngày càng nhiều như Công ty Trần Đức, Công ty Tiến Triển, Công ty Trường Thành...
So với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực khác của tỉnh như da giày, hàng may mặc, ngành chế biến gỗ hiện đang có lợi thế nhiều vì không phải lo đối mặt với việc kiện bán phá giá ở thị trường chủ yếu như Mỹ, châu Âu. Tuy nhiên ngành chế biến gỗ hiện gặp khó khăn là vấn đề nguyên liệu. Chỉ có 15% nguyên liệu gỗ (chủ yếu là cao su) có ở trong nước và phần còn lại phải nhập khẩu. Nhưng nhập khẩu nguyên liệu hiện nay chi phí ngày càng cao vì nguồn gỗ ngày càng khan hiếm, phải nhập khẩu gỗ từ Mỹ và các nước Nam Mỹ... Ông Nguyễn Phi Tiến (Công ty Gỗ Tiến Triển) người đang có tâm huyết trong việc thành lập Hiệp hội gỗ Bình Dương cho rằng: nếu có được Hiệp hội, vấn đề nguyên liệu sẽ không còn đáng lo nữa, vì khi đó các doanh nghiệp có thể liên kết lại để nhập khẩu nguyên liệu với khối lượng lớn giảm được giá thành, tránh phải mua qua trung gian hoặc cạnh tranh đẫy giá lên sẽ hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp nhỏ.
Theo Sở Thương mại Du lịch tỉnh, ngành chế biến gỗ sẽ vượt kế hoạch 600 triệu USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2006.