Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nguồn gốc của cuộc khủng hoảng gạo ở Châu Á
06 | 05 | 2008
Nông trại của ông Gantallan Plorensio đang rơi vào tình trạng rất khó khăn vì nó đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng gạo đang ngày càng lớn mạnh diễn ra ở Châu Á. “Chúng tôi có rất nhiều cánh đồng trồng lúa nhưng lại không có nước và hệ thống tưới tiêu tốt. Do vậy, chúng tôi vẫn chỉ biết ngồi nhìn”, ông nói.
Khi cuộc khủng hoảng về gạo trong một khu vực bùng nổ thì nó sẽ đe dọa đến sự bình ổn của chính trị và tất yếu sẽ gây nên tình trạng náo động trong xã hội. Những cánh đồng bỏ hoang trong làng ông Plorensio đang là bằng chứng thực tế nhất nhấn mạnh sự thiệt hại của các chính sách phát triển đất nước và qua đó chúng ta có thể nhìn thấy trước viễn cảnh này sẽ được lặp lại trong khu vực. Hàng thập kỉ qua, chính phủ Philippines đã khuyến khích xây dựng ngày càng nhiều các dịch vụ và các tòa nhà chọc trời, nhưng không chú ‎tâm lắm đến việc phải trồng nhiều lúa gạo hơn. Nguồn chi cho nông nghiệp đã ngưng trệ và chỉ có một số ít nông dân vẫn làm công việc đồng áng để sản xuất ra nhiều gạo hơn phục vụ cho số lượng dân số ngày càng tăng nhanh.

Sự xao lãng đó là một trong những l‎ý do chính của những gì đang xảy ra mà một vài nhà phân tích gọi là “cơn bão hoàn hảo” – bao gồm sự tăng giá dầu, tình trạng hạn hán ở Australia và hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và sau đó là cuộc khủng hoảng gạo.

“Thất bại này giúp chúng ta nhận ra tầm quan trọng của ngành nông nghiệp”, ông Duncan Macintosh, người phát ngôn của Viện nghiên cứu về gạo quốc tế nằm ở Laguna, cách thủ đô Philippines, Manila khoảng 40 km nói. “Ngành nông nghiệp đang dần trở thành một ngành rất quan trọng nhưng không phải là ngành hợp “mốt””.


Người dân đang xếp hàng mua gạo được chính phủ trợ giá ở một cửa hàng tại Manila. Ảnh: VNN


Philippines là trung tâm của cuộc khủng hoảng

Trung tâm của cơn bão này chính là Philippines, nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Đảo quốc này hàng năm phải nhập khẩu khoảng 10% đến 15% sản lượng gạo do chính họ làm ra. Nhưng vì các nhà cung cấp gạo trên toàn cầu đang hết sức khó khăn – dẫn đến Ấn Độ, Trung Quốc, Campuchia và Việt Nam đều ngăn cấm việc xuất khẩu gạo ra các nước khác – nên Philippines đang phải đối mặt với một thời điểm hết sức khó khăn với mong muốn có được một hợp đồng nhập khẩu khoảng một triệu tấn gạo.

TIN LIÊN QUAN
Khi nhà nước làm kinh doanh (2)
Khi nhà nước làm kinh doanh (1)
Cà phê sữa và cảnh hồ: Vẻ quyến rũ nhất châu Á
OPEC và câu chuyện quyền lực đang cạn kiệt (Phần IV)
OPEC và câu chuyện về quyền lực đang cạn kiệt dần (phần III)
OPEC và câu chuyện về quyền lực đang cạn kiệt (phần II)
OPEC và câu chuyện về quyền lực đang cạn kiệt(Phần I)
Lòng trái đất đang kiệt?
Đất nước này đang phải chi trả với những cái giá cắt cổ cho bất cứ loại gạo nào được nhập vào, và do đó giá gạo trên thế giới cũng tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Người ta cho rằng năm 2008, sự thâm hụt là khoảng 10%, và họ sợ là sẽ có thể nổ ra một cuộc khủng hoảng lương thực ở Philippines như đã xảy ra ở các đất nước như Haiti, Ai Cập, Mexico, Burkina Faso và Senegal.

Có một câu hỏi hết sức đơn giản: Tại sao Philiippines và các nước khác ở châu Á không thể sản xuất ra gạo để cung cấp cho chính họ?

Một trong những lý do đó là ruộng của họ trải rộng ra hàng ngàn dặm và các đảo khác nhau nên việc sản xuất, việc cấy hái và vận chuyển trở nên đắt đỏ và cực kì khó khăn.

“Thái Lan, nhà sản xuất gạo lớn nhất thế giới hiện có khoảng 9,82 triệu hécta ruộng. trong khi Philippines có 4 triệu hécta các ruộng có thể trồng lúa Và 4 héc ta này trải dài trên khoảng 7000 dặm”, ông Macintosh nói, “Philippines cũng thiếu hệ thống sông có thể cung cấp nguồn nước dễ dàng, như các hệ thống sông có thể cho phép các nước châu Á khác như Việt Nam, Ấn Độ và Campuchia có được những vụ mùa bội thu”.

Nhưng vẫn có những yếu tố khác dẫn đến cuộc khủng hoảng gạo nằm ngoài sự quản l‎ý của chính phủ Philippines. Sự tăng giá dầu đã làm cho việc trồng lúa ra trở nên tốn kém hơn, do phải tăng thêm đầu tư cho hệ thống chăm sóc và chi phí vận chuyển; Các loài sâu bọ và bệnh hại các cánh đồng ở Việt Nam, một trong những nhà sản xuất gạo lớn nhất thế giới đã làm thiệt hại ước tính khoảng 200.000 tấn; và tình trạng hạn hán kéo dài ở Australia đã làm cho người nông dân nước này điêu đứng vì không thể sản xuất được và kết quả là lại thêm một “miệng ăn” ăn dần ăn mòn kho dự trữ gạo của thế giới.

Nhưng nhiều nguyên nhân khác là do sự thất bại của những việc làm trước đây. Mặc dù chi phí cho nông nghiệp đã tăng trong những năm 1960 – 1970, cải tạo hệ thống tưới tiêu, chăm sóc, phân bón và đầu tư vào giống lúa đã gây ra cuộc cách mạng xanh, nhưng nó phát triển chậm lại vào những năm 1990. Năm 2002, cứ 100 USD nông sản phẩm, chính phủ Philippines chỉ đầu tư 0.46 USD một mức tiền phù hợp với các nước khác ở Châu Á, (theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu các chính sách lương thực quốc tế ở Washington (IFPRI), Mỹ). Điều đó có nghĩa là châu Á là “ chểnh mảng” trong việc đầu tư cho nông nghiệp. Các nước đang phát triển con số này là 0.52 USD và ở các nước phát triển họ lên tới hơn 2 USD. Trung bình toàn cầu tiêu tốn khoảng 0.70USD.

Thay vào đó, Châu Á đang tăng dần việc chuyển các loại đất canh tác thành các công viên, văn phòng và vùng ngoại ô. Ở Philippines hai thập kỉ trở lại đây, một nửa diện tích đất được phát triển lên thành các khu đô thị. Tất nhiên đây là điều tốt, cung cấp chất đốt cho những ngành kinh tế mới như các ngành dịch vụ nhưng nó cũng làm mất đi các nguồn cần thiết để sản xuất lương thực.

Thiếu đất, thiếu nước, thiếu nguồn lao động nông nghiệp


Công nhân Philippines và đĩa cơm trưa. Giá gạo tăng cao đang đánh vào túi tiền của người nghèo và gây nguy cơ bất ổn ở quốc đảo. Ảnh: AP.

Sản xuất lúa gạo đòi hỏi phải nhiều nước. “Châu Á đang mong muốn được hơn 1ônsarn lượng gạo mỗi năm – nhưng họ phải làm điều đó với lượng nước ít hơn, diện tích đất ít hơn và nguồn lao động ít hơn”, ông Macintosh nói.

Nhưng dù thế nào thì có lẽ điều quan trọng hơn cả dẫn đến cuộc khủng hoảng này là do ngày càng có nhiều miệng ăn hơn.

Dân số Philippines tăng khoảng 2% /năm kể từ năm 2000, một trong những nước có tỷ lệ gia tăng dân số cao nhất ở châu Á, và điều này dẫn đến tình trạng tiêu thụ gạo cũng tăng không kém. Ở các nước châu Á mấy năm gần đây đã xuất hiện các tầng lớn trung lưu giàu có hơn và muốn được ăn ngon hơn, chính vì thế họ đang tiêu thụ nhiều gạo và nhiều thịt hơn. Muốn có thịt thì phải có một lượng nước lớn, cần nhiều lao động và ngũ cốc để chăn nuôi gia súc, những yếu tố góp phần làm cho người ta ít nhiều không hoàn toàn chú tâm đến sản xuất gạo nữa.

Theo các nhà phân tích, mặc dù sự gia tăng dân số rất rõ rệt, nhưng chính phủ các nước châu Á vẫn cho rằng họ luôn có thể nhập khẩu được nhiều lương thực hơn. Nhưng họ không để ‎ý rằng các kho dự trữ gạo, cùng với các loại ngũ cốc khác đang dần ít đi bởi sự gia tăng dân số, thiếu đất trồng trọt, canh tác, cộng với các kế hoạch canh tác không thích hợp và thời tiết xấu.

Người Philippines không có động cơ để tự sản xuất gạo cung cấp cho nhu cầu trong nước. Mọi người luôn cho rằng: “Mua gạo từ các nước láng giềng không khó”, Angelito Banyo, một cố vấn thương mại ở Manila cho biết.

“Cuộc khủng hoảng hiện tại đã cho thấy nghĩ rằng khi có của dư dật thì mới phải để dành là sai lầm”, các nhà phân tích nói. “Đồng thời qua đó cũng nổi lên một sự cần thiết phải có sự phối hợp giữa các việc sản xuất và buôn bán gạo giữa các nước châu Á”.

Thay vì phối hợp các chính sách để đối phó với vấn đề đang ảnh hưởng xấu đến toàn châu Á, thì Ấn Độ, Trung Quốc và Campuchia lại nghiêm cấm việc xuất khẩu đến các nước như Philippines và Malaysia để mong có được những thỏa thuận có lợi từ các nước này. “Điều đó sẽ càng làm cho giá gạo càng tăng cao trên thị trường”, các nhà phân tích cho biết.

Hiện Philippines đang “chĩa mũi nhọn” vào 10 quốc gia ASEAN để bàn bạc mong tìm cách thoát khỏi khủng hoảng, dự tính cuộc họp sẽ được tổ chức vào mùa hè này. Tuy nhiên, vài nhà phân tích cho rằng cuộc nói chuyện này ít có khả năng giải quyết được vấn đề.

“Khủng hoảng gạo hiện đang là một vấn đề ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị. Tuy nhiên, không quốc gia nào có ‎ định giảm bớt hay thay đổi giá gạo khi xuất sang các nước khác, họ đang muốn tiếp tục đeo đuổi một mức giá mà họ tin rằng sẽ thu được một nguồn lợi lớn về cho quốc gia”, Nicholas Minot, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu các chính sách lương thực quốc tế (IFPRI) nói.

Các quốc gia ASEAN cũng không giúp được gì. Ấn Độ và Bangladesh đang ra sức tích trữ gạo, còn ở Philippines thì chính phủ lại cấm việc tích trữ, nếu tích trữ có thể bị tù chung thân.

Ở Philippines, phản ứng tức thời của Tổng thống Aroyo là nhanh chóng thương lượng với Việt Nam để mua 2,2 triệu tấn gạo, và kêu gọi tạm dừng việc chuyển các khu đất canh tác thành các khu đô thị phát triển. Các nhà quan sát nói rằng họ đang đi đúng hướng. “Người Philippines đang rất lạc quan, chính phủ đang tiến hành các bước khắc phục rất hữu ích”, ông Paul Risley, phát ngôn viên của Chương trình lương thực thế giới ở Thái Lan nói.

Những nguồn đầu tư cần thiết

Nhưng khi cuộc khủng hoảng đang ngày càng gia tăng thì những người quan sát đồng ý rằng châu Á cần có một cuộc cách mạng xanh thứ hai, một sự chuyển dịch như những năm 1960 mà kết quả là cho ra gấp đôi sản lượng gạo hiện có, bằng cách đầu tư nhiều hơn vào hệ thống tưới tiêu và công nghệ để sản xuất được nhiều gạo hơn.

“Về lâu dài, những nước đang phát triển và cộng đồng quốc tế cần đầu tư nhiều hơn nữa vào nghiên cứu nông nghiệp và tìm cách khống chế các loại sâu bệnh mới cho cây trồng vật nuôi nhằm sản xuất ra sản lượng cao hơn”, ông Minot nói thêm.

Giữa tháng 3, Tổng thống Arroyo đã thông báo rằng sẽ chi 1 tỷ USD để đầu tư nâng cao sản lượng gạo. Số tièn này sẽ được dùng vào việc mua hạt giống, đào tạo chuyên gia và cho nông dân vay, cũng như cải tạo hệ thống tưới tiêu và các phương tiện vận chuyển. “Chúng ta phải làm việc chăm chỉ hơn để trồng và nuôi những gì chúng ta đang cần”, Tổng thống Arroyo phát biểu tại cuộc họp cấp cao bàn về lương thực quốc gia gần đây.

Các nông trại nhỏ như của ông Plorensio ở Bohol cũng cho rằng đầu tư nhiều hơn có thể tạo ra được thành công. “Bốn năm trước, các cơ quan địa phương đã giới thiệu một kế hoạch mua giống cây trồng trả sau và sản lượng vài năm sau đã tăng hơn đáng kể”, Plorensio nói.

Vài tuần trước, Plorensio và những người nông dân khác trong thị trấn của ông đã kiến nghị với các đại biểu quốc hội của địa phương vay 12.000USD để cải tạo hệ thống tưới tiêu. “Nếu chúng tôi vay được số tiền này thì những cánh đồng lúa đó sẽ không còn để hoang hoá như thế nữa”, ông nói.

Nguồn: vietimes.vietnamnet.vn

Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn



Báo cáo phân tích thị trường