Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền: Không hô hào chống tham nhũng chung chung nữa !
25 | 09 | 2007
“Chính phủ vừa có kế hoạch phân công các thành viên trong ban chỉ đạo từ nay đến tháng cuối tháng 11 phải hoàn thành kiểm tra việc triển khai thực hiện phòng, chống tham nhũng của các bộ, ngành. Yêu cầu đặt ra là phải cập nhật cho được các vụ việc tham nhũng để báo cáo Thủ tướng xử lý, chứ không dừng lại ở việc hô hào chung chung nữa.”
Hôm nay 31-10, trong khuôn khổ ngày làm việc thứ 12, kỳ họp thứ 10, QH khoá XI, thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng năm 2006, bên hành lang QH, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, đã thẳng thắn trao đổi với các phóng viên như vậy.

PV: Ông đánh giá thế nào về việc có không ít bộ, ngành, địa phương không thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ?

Ông Trần Văn Truyền: Thực tế còn khoảng 20 bộ, hơn 30 địa phương chưa có báo cáo hoặc nói chưa rõ, nên ta chỉ có thể đánh giá là họ làm đến đâu, chứ không thể nói là họ không có hoặc có mà không làm. Nhưng dù gì thì Thủ tướng cũng đã chỉ đạo mà anh chưa báo cáo, hoặc báo cáo chưa rõ là nhận thức chưa nghiêm, làm chưa đúng. Thủ tướng đã nghiêm khắc phê bình rồi, nhưng Thủ tướng cũng giao trách nhiệm cho các thành viên trong Ban chỉ đạo trung ương xuống để kiểm tra và yêu cầu các địa phương, bộ, ngành phải kiểm điểm trách nhiệm của mình, phải có báo cáo về tình hình triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Nếu trong thời gian nhất định vẫn chưa làm tốt thì Thủ tướng sẽ xử lý trách nhiệm.

PV: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ngày càng cam go, quyết liệt, nhưng lực lượng chuyên trách trong công tác này lại chưa đủ mạnh, trong đó có thanh tra, thậm chí chính thanh tra cũng có hành vi tham nhũng ?

Ông Trần Văn Truyền: Về tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành thanh tra, việc đó đã được xử lý bằng hình sự và hành chính, rất rạch ròi. Qua đây tôi cũng nói thẳng rằng, các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng của ta cũng chưa hoàn toàn đủ mạnh, chưa phải là một lực lượng sắc bén và hiệu quả, vì vậy cần phải củng cố, bổ sung trong thời gian tới.

Hiện tại, Thanh tra Chính phủ cũng đang kiến nghị Thủ tướng nhiều giải pháp để hoàn thiện, bổ sung; trong đó có việc xác định lại tổ chức bộ máy cho rạch ròi; bố trí lại đội ngũ cán bộ cho hợp lý, nhất là với những cán bộ đứng mũi chịu sào, cán bộ là trưởng đoàn thanh tra. Tôi cũng đã ban hành quy chế về hoạt động của đoàn thanh tra, trong đó quy định rõ đoàn thanh tra khi đi thanh tra được làm gì và cấm làm gì. Quy chế cấm mọi hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn khi đi thanh tra để vụ lợi.

PV: Theo ông, giải pháp phòng ngừa tham nhũng tốt nhất là gì ?

Ông Trần Văn Truyền: Tới đây, mọi vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách, tài chính công, kể cả chính sách cán bộ, đều phải được công khai minh bạch, công khai về tiêu chuẩn, công khai quy trình tuyển chọn, công khai trách nhiệm của người tuyển dụng. Trên cơ sở công khai, minh bạch mà nâng cao vai trò giám sát của các cơ quan chức năng, trong đó có thanh tra, kiểm tra, điều tra, đặc biệt có vai trò giám sát của đại biểu QH, đại biểu HĐND, MTTQ, báo chí….

Chúng tôi cũng đang soạn thảo Nghị định về vai trò của các đoàn thể, trong đó có báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Chống tham nhũng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò nòng cốt là các cơ quan chuyên trách.

HỒNG THANH

Công tác phòng chống tham nhũng qua các con số

* Thanh tra Chính phủ từ đầu năm đến nay đã kết thúc 14 cuộc thanh tra những dự án, công trình có số vốn đầu tư lớn như: Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh (giai đoạn l); Dự án tăng cường năng lực quản lý giao thông đô thị thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; dự án Khu đô thị “thành phố giao lưu” thành phố Hà Nội; dự án đầu tư, mua sắm trang thiết bị của Tập đoàn công nghiệp Than, khoáng sản Việt Nam (Tổng công ty Than Việt Nam trước đây); thanh tra tại Công ty liên doanh vận tải biển (Jematrans và Gemadept)…

Qua các cuộc thanh tra phát hiện tổng sai phạm trị giá 858 tỷ 969 triệu đồng, 5.478.583 USD, 120.569 EUR. Kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước 99 tỷ 491 triệu đồng, 207.923,3 USD; giảm trừ quyết toán 498 tỷ 778 triệu đồng, 82.081 USD; kiến nghị các bộ, ngành, địa phương xử lý khi quyết toán công trình, dự án 275 tỷ 698 triệu đồng và 3.625.022 USD; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xem xét bốn vụ việc. Thủ tướng Chính phủ đang tiếp tục xem xét xử lý nghiêm các sai phạm phát hiện qua thanh tra.

* Thực hiện Công điện 496/CĐ-TTg, ngày 06/3/2006, Thanh tra Chính phủ đã chủ trì năm Đoàn thanh tra liên ngành thanh tra năm dự án công trình trọng điểm: Dự án cải tạo Quốc lộ 5 ; Dự án Quốc lộ 3 ; Dự án cảng Cái Lân; Dự án đường vành đai 3 Hà Nội; Dự án công trình hồ Định Bình (tỉnh Bình Định). Theo kế hoạch, nhiệm vụ này sẽ kết thúc vào cuối tháng 11-2006. Bước đầu phát hiện, xác định có sai phạm, trong đó có một số sai phạm nghiêm trọng.

* Đối với các dự án do PMU 18 quản lý, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã rà soát, lựa chọn và sẽ tiến hành thanh tra hai dự án: dự án đầu tư xây dựng 37 cầu giao thông nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long và dự án giao thông nông thôn giai đoạn 4 (WB4). Đồng thời, Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra giải quyết đơn thư khiếu tố của bà Ôn Bích Loan về việc cấp đất tái định của thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, vụ khiếu nại về việc đền bù, giải toả xây dựng cụm công nghiệp Lai Vu, Hải Dương; vụ khiếu nại liên quan đến dự án xây dựng Trung tâm đô thị, thương mại Văn Giang, Hưng Yên v.v...

* Các bộ, ngành từ đầu năm đến nay tiến hành 346 cuộc thanh tra, kiểm tra đã phát hiện sai phạm về kinh tế 6.267 tỷ 417 triệu đồng, 4.187.786 USD, 395.890 EUR (riêng Ngân hàng Nhà nước phát hiện 87 tỷ 115 triệu đồng, 4.187.786 USD, 395.890 EUR và thanh tra Bộ Tài chính phát hiện sai phạm về sử dụng vốn sai mục đích tồn đọng nợ thuế... trị giá 6.13 tỷ đồng).

* Từ đầu năm đến nay Bộ Công an đã phát hiện, điều tra 7.772 vụ phạm tội kinh tế (tăng 25,2% so với năm 2005); ngành Kiểm sát đã phát hiện, khởi tố 338 vụ án tham nhũng, trong đó một số tội bị khởi tố tăng như tội tham ô tài sản, tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Một số vụ tham nhũng lớn liên quan đến việc cấp đất, bán đất trái phép, thanh quyết toán không, bớt xén khối lượng công việc ở các công trình xây dựng, đưa và nhân hối lộ đã được phát hiện, khởi tố điều tra. Ngành tòa án đã xét xử 281 vụ án tham nhũng với 602 bị cáo (tăng 37% số vụ so với năm 2005).

* Báo cáo của chín bộ ngành (Công nghiệp, Công an, Quốc phòng, Tài chính, Tổng cục du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Thương mại, Ngân hàng Nhà nước - các bộ, ngành còn lại không báo cáo số liệu tham nhũng), cho biết, sai phạm có dấu hiệu tham nhũng giá trị 421 tỷ 844 triệu đồng, 4.208.786 USD và 395.890 EUR. Đã thu hồi về cho ngân sách, cho tập thể 12 tỷ 722 triệu đồng 150.000 EUR. Các sai phạm về tiền, tài sản khác đang tiếp tục xử lý theo pháp luật; xử lý hành chính 142 người, kiến nghị xử lý hình sự 10 vụ 15 người. Riêng ngành Công an các cấp đã xử lý kỷ luật 113 cán bộ cảnh sát tham nhũng bằng các hình thức: Khiển trách 17, cảnh cáo 32, giáng và cách chức 10, giáng cấp hạ bậc lương 33, tước danh hiệu CAND 17, loại ngũ bốn chiến sĩ nghĩa vụ.

Về lĩnh vực đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra công tác quản lý đất đai xã Phong Phú, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh phát hiện 21 trường hợp cán bộ xã chia chác 71 lô đất ở dự án tái định cư, thu hồi 56 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp sai quy định diện tích 43.500m2 đất; tại huyện Tánh Linh (Bình Thuận) đã xác định được 3.367 ha rừng bị tàn phá, 1.302 ha đất nông nghiệp bị lấn chiếm; kiểm tra, thanh tra việc vi phạm pháp luật đất đai tại xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thuỷ, Hoà Bình, bước đầu phát hiện có 27 hộ được giao đất sai quy định, làm thất thoát 1.200 triệu đồng.

* Kết quả thanh tra, kiểm tra của các địa phương trong thời gian qua, đã phát hiện sai phạm về kinh tế trị giá 361 tỷ 783 triệu đồng 1.898 ha đất đai. Báo cáo của 28 tỉnh, thành phố (An Giang, Bình Thuận, Bình Định, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Đác Nông, Hoà Bình, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, Khánh Hoà, Nghệ An, Ninh Bình, Lâm Đồng, Lào Cai, Long An, Sóc Trăng, Thái Bình, Tây Ninh, Trà Vinh, Yên Bái, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Nam, Cần Thơ - các địa phương còn lại không báo cáo số liệu) phát hiện sai phạm có dấu hiệu tham nhũng giá trị 266 tỷ 381 triệu đồng 472 ha đất (riêng tỉnh Đác Nông phát hiện sai phạm 465 ha), đã thu hồi về cho ngân sách, cho tập thể 142 tỷ 486 triệu đồng 4.200 USD, 469 ha đất và xử lý hành chính 282 người, kiến nghị xử lý theo pháp luật 186 và 362 người.

* Một số vụ việc điển hình theo báo cáo của các tỉnh, thành phố: Vụ Nguyễn Đức Cường, nguyên giám đốc Xí nghiệp Gimex (Hà Nội) tham ô 1,9 tỷ đồng; vụ hai cán bộ thuế và một cán bộ UBND phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội tham ô hơn 800 triệu đồng tiền giải phóng mặt bằng; vụ NguyễnThị Phương Mai, Chi cục thuế quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tham ô hơn 3 tỷ đồng tiền thuế. Vụ Nguyễn Xuân Lý, nguyên Giám đốc Bưu điện ảnh Nghệ An, cùng đồng bọn đã bị xử phạt 17 năm tù và bồi thường 2,38 tỷ đồng, các bị cáo khác bị xử phạt tù từ hai đến 10 năm tù và phải bồi thường 15,8 tỷ đồng; vụ Nguyễn Thị Thanh, Xí nghiệp gạch ngói Hưng Nguyên, Nghệ An tham ô hơn 363 triệu đồng. Vụ Phạm Hồng Long, cán bộ Xí nghiệp than Hậu Giang, thành phố Cần Thơ tham ô 374 triệu đồng; vụ tham ô tài sản và gây thất thoát hơn 12 tỷ đồng ở Công ty cổ phần thương nghiệp và chế biến lương thực Thốt Nốt (tp. Cần Thơ). Vụ vi phạm về quản lý quy hoạch, quản lý sử dụng đất, phân lô bán nền, xây dựng trái pháp luật ở xã Thới Tam Thôn, Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) làm phá vỡ quy hoạch của nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng về mặt xã hội; vụ việc quản lý nhà, cấp nhà, cho thuê nhà, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn quận 1 và vụ bán nhà số 16- 14 Ký Hoà, phường 11, quận 5 ; vụ UBND quận Gò Vấp và Công ty Cổ phần Địa ốc 7 thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn; vụ Giám đốc Điện lực thành phố Hồ Chí Minh. Vụ Phó giám đốc Xí nghiệp sa khoáng Hàm Tân Chính Thuận) và thủ kho tham ô 3 tỷ 953 triệu đồng. Vụ tham ô tài sản tại Công ty Xuất nhập khẩu Phú Thọ, gây thiệt hại 452 triệu đồng; vụ tham ô 539 triệu đồng ở Công ty LICOGI 14, vụ tham ô 361 triệu đồng tại Chi nhánh bảo hiểm PJICO Phú Thọ; vụ tham ô 4,7 tỷ đồng tại Công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Phú Thọ; vụ sai phạm trong việc xét giao đất tại xã Hợp Châu, Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Vụ tham ô 500 triệu đồng tại Công ty TNHH thương mại Khatoco (Khánh Hoà) và tham ô ở nhà máy Đường Cam Ranh; vụ tham ô ở trạm Phương Câu thuộc Công ty cổ phần nước khoáng Khánh Hòa; vụ cố ý làm trái ở Công ty Cung ứng tàu biển, Thương mại và Du lịch Khánh Hoà; vụ cố ý làm trái ở Công ty chế biến hàng xuất khẩu Nha Trang, Khánh Hoà. Vụ Phạm Thị Thu, Tiết Thị Mỹ Lệ là nhân viên Sở Y tế Long Anh tham ô hơn 500 triệu đồng.

(Nguồn: Báo cáo tình hình thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng của Chính phủ trình trước QH ngày 31-10-2006)


(Nguồn: Nhân Dân)
Báo cáo phân tích thị trường