Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá lương thực & thực phẩm thế giới sẽ giảm dần từ nay tới cuối năm
27 | 07 | 2008
Giá lương thực thế giới đã đạt đỉnh điểm và sẽ giảm dần từ năm nay bởi nguồn cung dần bắt kịp nhu cầu, mặc dù nhu cầu không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng nông sản làm nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học sẽ ngăn giá giảm trở lại mức của năm 2000, ít nhất là từ nay tới năm 2020. Đó là dự báo của một nhà kinh tế cấp cao thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), ông Dominique van der Mensbrugghe vừa mới đưa ra.
Giá lương thực thế giới năm nay đã tăng gấp đôi so với năm 2000, đạt kỷ lục cao trong lịch sử. Lúa mì đạt mức giá chưa từng có, 13,495 USD/bushel vào ngày 27/2; gạo đạt kỷ lục 1.050 USD/tấn, FOB Thái Lan vào ngày 22/5; giá ngô tại Mỹ đạt kỷ lục 6,75 USD/bushel vào ngày 9/6; đậu tương đạt kỷ lục 15,865 USD/bushel vào ngày 3/3…

Sau khi lập những kỷ lục đó, hầu hết các nông sản đều giảm giá dần sau khi sản lượng tăng mạnh. Duy chỉ có giá ngô và và hạt có dầu là vẫn duy trì ở mức cao bởi nhu cầu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học đều vẫn mạnh. Đây là hai nguyên liệu chính sử dụng trong các ngành này.

Theo ông van der Mensbrugghe, không có lý do để giá nông sản trở lại mức của năm 2000, bởi những kế hoạch gia tăng sử dụng nhiên liệu sinh học của các chính phủ làm tăng nhu cầu ngô, hạt cải dầu, đậu tương….trong khi người dân ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, thay đổi dần thói quen ăn uống, sử dụng nhiều thịt, trứng, sữa, bánh mì….hơn trước đây.

Ông dự báo ở thời điểm năm 2020, giá lương thực sẽ thấp hơn nhiều so với hiện nay, mặc dù còn cao hơn khoảng 25% so với thời điểm năm 2000. Giá cao sẽ khích lệ các nước gia tăng đầu tư cho nông nghiệp, tăng diện tích đất trồng trọt và cũng kéo người nông dân trở về với ngành này. Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở tốt hơn và xu hướng cơ khí hoá sẽ góp phần đẩy năng suất tăng lên. Tại Hội nghị thượng đỉnh về lương thực ở Rome, Cộng đồng quốc tế đã cam kết sẽ nâng cao hơn nữa vai trò của mình trong lĩnh vực nông nghiệp, với khoản đầu tư trị giá khoảng 10-15 tỷ USD mỗi năm.

Theo ông van der Mensbrugghe, trong khi sự phát triển nông nghiệp ở Bán cầu Bắc sẽ bị hạn chế thì các nước như Brazil, Mozambique, Tanzania và Nigeria lại có quỹ đất nông nghiệp dồi dào, cho phép họ phát triển mạnh lĩnh vực này. Brazil có khoảng 100 triệu hécta đất trồng có thể dùng trồng đậu tương và mía (dùng làm nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học) mà không ảnh hưởng tới sản lượng lương thực. Các nước châu Phí cũng có tiềm năng khổng lồ trong lĩnh vực này. Riêng Mozambique có khoảng 20 triệu hécta đất trồng trọt.

Ông van der Mensbrugghe cho rằng, giá cao sẽ làm chậm lại tốc độ tăng nhu cầu sản phẩm cây trồng. Thực tế là giá lương thực cao trong thời gian vừa qua đã khiến người tiêu dùng giảm tiêu thụ một số nông phẩm và đồng thời đa dạng hoá nguồn lương thực. Và những nước đông dân như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ không tăng mạnh nhu cầu lương thực trong tương lai. Ông dự báo trong 3-4 năm tới, tốc độ tăng nhu cầu ngũ cốc của Trung Quốc sẽ gần như bằng 0. Với những nước đang phát triển này, chỉ có nhu cầu thịt, sữa, các sản phẩm bột mì…là tăng mạnh.

Theo ông said van der Mensbrugghe, nếu sản xuất nhiên liệu sinh học chậm lại, hoặc nếu lĩnh vực này chuyển sang sử dụng những sản phẩm nông nghiệp phi lương thực như ngũ cốc chăn nuôi chẳng hạn, thì giá lương thực chắc chắn sẽ giảm nhanh.

Hiện tốc độ tăng sản xuất nông nghiệp trên toàn cầu trung bình là 1,5% mỗi năm, cao hơn so với tốc độ tăng dân số là 1% mỗi năm. Như vậy, vấn đề giá lương thực trong tương lai sẽ phụ thuộc nhiều vào ngành nhiên liệu sinh học.



Nguồn: Trung tâm Thông tin thương mại
Báo cáo phân tích thị trường