Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đánh “ bạc” trên đồng rau
02 | 10 | 2008
Cây rau thương phẩm được xem như mặt hàng nông sản mũi nhọn của nền nông nghiệp huyện Đơn Dương. Cả vùng rau lớn nhất Lâm Đồng, với bề dày canh tác hơn nửa thế kỷ qua, nhưng vẫn phải gồng mình “đánh bạc” với thời tiết và thị trường tiêu thụ. Bao giờ vùng chuyên canh rau Đơn Dương phát triển bền vững, “bài giải” chỉ có một con đường: sản xuất rau an toàn, rau chất lượng mới mong trụ vững trên thị trường khắc nghiệt hiện nay.
Vùng rau Đơn Dương sinh sau Đà Lạt, nhưng lại có tốc độ mở rộng diện tích nhanh nhất Lâm Đồng. Một số nông dân cho hay, từ những năm 50 thế kỷ trước, nông dân nơi đây đã bắt đầu trồng cây rau thương phẩm. Và trải qua hơn nửa thế kỷ “đánh vật” với ruộng vườn, giờ đây đã hình thành vùng chuyên canh cây rau lớn của Lâm Đồng hiện nay với sản lượng rau gần 400 ngàn tấn/năm.

Bất cứ lúc nào đi qua Đơn Dương, dọc theo quốc lộ 27 cũng có thể thỏa mắt nhìn những vườn rau xanh tốt. Đất đai nơi này không lúc nào được nghỉ ngơi, trộn lẫn mồ hôi của nông phu, quanh năm thắp lên màu rau xanh hi vọng. “Trồng cây rau thương phẩm như “đánh bạc” với thời tiết và thị trường. Chẳng có nông dân nào dám rời đất, cây cà chua vừa thu xong là xuống ngay cây đậu, cây sú… lỡ thất bại vụ này cầu trời bù lại vụ sau” - một nông dân cho tôi hay. Ông Phan Xuân Hải, Bí thư Đảng ủy xã Lạc Xuân đúc kết: “Cái khó của nông dân trồng rau là giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định mà bao năm nay vẫn không thay thay đổi”. Thị trường tiêu thụ luôn biến động như “chơi chứng khoán”, trúng mùa gặp giá có hộ phất lên, nhưng nếu rớt giá thì cũng có hộ bán đổ bán tháo thậm chí phải bỏ tại vườn vì tiền thuê công thu hoạch cao hơn tiền bán sản phẩm. Từ đầu năm đến nay, cây cà chua Đơn Dương - có diện tích và sản lượng lớn nhất tỉnh đã phải hứng chịu cảnh bầm dập vì giá. Sau tết, giá cà chua bán tại vườn 5-6 ngàn/kg nhưng đến tháng tư, tháng năm rớt xuống còn 400-700 đồng/kg. Mới đây, giá cà chua lại “leo thang” lên hơn sáu ngàn 1 kg mà không có để mua. “Biến động giá cả ở hầu hết các loại rau. Có lúc trong vòng một tuần giá lên chót vót, đùng một cái rơi xuống tận đáy” - một chủ vựa rau ở Lạc Lâm cho biết. Anh Nguyễn Thanh (thôn Nghĩa Tân, thị trấn Thạnh Mỹ) hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng rau than: “Sáu sào ớt vừa rồi bán đổ bán tháo lỗ 25 triệu đồng, đau đứt ruột nhưng vẫn phải vay mượn xuống lứa đậu lông cầu may gỡ gạt”. Chỉ tay qua những thửa ruộng xa lách, tần ô sát bên, anh Nguyễn Thanh nói thêm: “Mặc dù còn 20 ngày nữa mới thu nhưng nay thương lái đã đến tận vườn chồng đủ tiền, ít nhất mỗi sào lời ba, bốn triệu đồng”.

Trong vòng đời của cây rau, từ khi xuống giống cho đến lúc bước vào các gian bếp của các gia đình thì người dân chỉ chủ động được một phần ba công đoạn, xuống giống, chăm bón đến lúc thu hoạch. Hậu thu hoạch hầu như phụ thuộc vào thương lái, thị trường. Anh Trần Thanh bảo rằng: Bất cứ loại rau nào khi bán cũng bị ép giá. Lúc đắt, thương lái tranh mua, đưa cả người nhà đến tận ruộng sẵn sàng giao tiền. Không gặp chủ vườn thì để lại điện thoại di động cùng với số liên lạc, nhà vườn bán thì a lô, khi ấy nông dân trồng rau trở thành “thượng đế”. Còn khi rớt giá, ế ẩm kêu bán, năn nỉ ỷ ôi không ai ngó ngàng “thượng đế” cũng phải rơi nước mắt theo rau. Mối liên kết giữa người sản xuất và tiêu thụ rau tồn tại bao năm nay trên đồng rau Đơn Dương, những tưởng chữ tín được xây dựng gắn kết “hai nhà” để san sẻ lúc thăng trầm phận rau, thế nhưng, chữ tín ở vùng rau này - theo các lão nông, mỏng manh như sợi chỉ. Mới đầu ai cũng có một vài mối ruột để hợp tác làm ăn, nhưng nếu có 3 người trả giá 10 triệu, còn người khác trả 11 triệu, nông dân bán ngay bởi kiếm thêm được 1 triệu đồng/sào rau là khoản tiền lớn đối với người dân. “Thật khó “chung thủy” vì mỗi thương lái làm giá khác nhau nên chỗ nào trả cao thì bán. Ngược lại, khi dội chợ đó là cái cớ để thương lái ép giá” - anh Nguyễn Phúc, xã Ka Đô bộc bạch.

Tiền đầu tư xuống đồng ruộng mỗi ngày một nhiều hơn bởi giá phân bón, nông dược không ngừng tăng. Theo các nông dân, tất cả các loại phân đều tăng bình quân 50%, có loại tăng gấp đôi so với năm trước. Tương tự, thuốc trừ sâu, nông cụ, ngày công lao động cũng tăng chóng mặt. Trong khi đó giá rau thương phẩm tại vườn chẳng nhích lên được là bao, nên dẫu có gặp giá thì lời không nhiều, còn mất giá lỗ nặng hơn trước. Cơn “bão giá” quét qua khiến nông dân trồng rau vốn nhọc nhằn nay càng cực nhọc. Nhiều hộ gặp vận “đen” thất bát hai vụ liền, đành đem vườn cho người khác mướn, còn bản thân thì đi làm thuê vì không còn vốn tái đầu tư. Ông Nguyễn Văn Bình, xã Lạc Lâm thuê một mẫu đất ở Thạnh Mỹ với giá 75 triệu trong vòng 3 năm nói với tôi rằng: nông dân gặp khó khăn khi vốn đầu tư cao. Đã thế rất dễ mua phải phân, thuốc kém chất lượng, thậm chí làm giả. “Làm rau bao nhiêu năm nay, sành nông dược, quen hầu hết các nhãn hiệu phân bón thế mà vẫn mua phải hàng kém chất lượng. Vừa rồi mua trúng phân NPK giả nên cây sú hơn tháng tuổi nhưng cứ trơ ra như lúc mới trồng” - ông Phan Xuân Hải cho hay. Theo một cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Vừa qua trên địa bàn Đơn Dương phát hiện 4 mẫu phân kém chất lượng do nhà sản xuất pha trộn không đúng tỷ lệ ghi trên bao bì. Mới đây tình trạng nông dược quá hạn sử dụng cũng được ngành chức năng phát hiện tại một số quầy thuốc bảo vệ thực vật ở thị trấn Thạnh Mỹ.

Bà Lê Thị Bé - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho hay: Giá rau biến động liên tục nên không thể tính được giá trị thu nhập trên một diện tích đất. Nhưng đa số người nông dân đều thoát nghèo đi đến làm giàu từ nghề trồng rau, bởi đất đai luôn được quay vòng, thất bát chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Dẫu vậy khi bài toán đầu ra vẫn đi vào ngõ cụt, nông dân tiếp tục “đánh bạc” trên đồng rau của mình.




Nguồn: viet linh
Báo cáo phân tích thị trường