Bỏ giấc mơ con tôm vàng
Sự việc rục rịch từ năm 2005, khi mà xã Vĩnh Mỹ A và một số xã thuộc vùng quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) thuộc vùng Nam QL1A tôm nuôi liên tiếp bị thất bại. Không ít người phải bỏ xứ ra đi, nợ nần chồng chất.
Theo thống kê của ngân hàng, các xã vùng Nam này có tỷ lệ nợ quá hạn lên đến trên 25%. Tại xã Long Điền Đông A, huyện Đông Hải, một số hộ làm đơn xin trở lại trồng lúa trong điều kiện ruộng lúa bị xẻ dọc ngang nuôi tôm.
Trước cái thế quay ngoắt 180 độ của những người nông dân cùng quẩn ấy, các ngành chức năng xuống đến tận nơi để thuyết phục giữ lại hiện trạng sản xuất chờ chủ trương chung.
Còn tại xã Vĩnh Mỹ A, người dân cứ tự chuyển đổi. Điều khá lạ là trồng lúa ngay trên ao tôm công nghiệp. Năm 2005 có 19 ha diện tích nuôi tôm chuyển qua trồng lúa với năng suất 4,8 tấn/ha. Chính "thắng lợi" này mà năm 2006 có đến 21ha thuộc ấp Do Thới và ấp Vĩnh Thành ủi ao trồng lúa.
Ông Tào Hoàng Lang, ấp Vĩnh Thành có đến 5ha diện tích, trước khi chuyển đổi từ diện tích nông nghiệp sang NTTS ông được liệt vào gia đình giàu có tại nông thôn, vậy mà sau khi chuyển đổi (năm 2001) đến 2004 ông phải bỏ đất hoang và số nợ lên đến trên 200 triệu đồng vì con tôm.
Năm 2005, thấy bỏ đất trống quá uổng, ông sạ lại 28 công lúa trên ao tôm và điều bất ngờ là thu về đến trên 1.000 giạ lúa, trừ chi phí lãi trên 30 triệu đồng. Hiện nay thì toàn bộ 5ha đất của ông đều trồng lúa hết. Ông nhẩm tính: "Nếu giá lúa đứng 3.000 đồng/kg như hiện nay, tôi cầm chắc lãi 80 triệu đồng. Làm lúa khoẻ hơn nuôi tôm nhiều lắm, chẳng sợ lỗ lã, chỉ có lời ít hay lời nhiều thôi!".
Ông Nguyễn Văn Út, ấp Vĩnh Thành đang cho ủi 3ha diện tích nuôi tôm đã bỏ hoang 2 năm nay để chuẩn bị trồng lúa cho năm tới với hy vọng là sẽ đủ ăn: "Sợ lắm rồi, 3 năm nay chẳng thấy mặt con tôm 30 con/kg nó ra làm sao chỉ thấy cán bộ ngân hàng mỗi tháng đều xuống đòi nợ".
Bà Nguyễn Thị Hường có đến 6ha, đang cho lấp ao, phơi đất chuẩn bị trồng dưa hấu đón Tết Nguyên đán và quyết trồng lúa dù mỗi năm chỉ làm được một vụ và hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời.
Lập lờ chuyện trồng - nuôi
Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Mỹ A thừa nhận, chuỵện người dân bỏ tôm ủi ao trồng lúa đã diễn ra từ năm 2005; riêng năm nay có đến 21ha trồng lúa trở lại.
Ông Thành cho biết: "Theo quy hoạch Vĩnh Mỹ A thuộc vùng NTTS, ưu tiên nuôi theo mô hình CN-BCN, xã không còn diện tích nông nghiệp, nhưng hiện tại thì có đến trên 30ha trở lại trồng lúa. Người dân trồng lúa xen kẽ với nuôi tôm. Chúng tôi biết dân làm sai quy hoạch, nhưng chẳng lẽ để đất trống, chẳng lẽ để dân nuôi tôm hoài mà nợ nần chống chất?".
Thực tế Vĩnh Mỹ A trước đây là xã thuần nông với năng suất lúa đứng vào hàng đầu của tỉnh. Đời sống nông thôn tại đây có bước phát triển mạnh so với các xã thuần nông khác do trình độ sản xuất tại đây được nâng cao.
Tuy nhiên, từ khi nuôi tôm đã có đến gần 200ha đất bỏ hoang, nợ quá hạn tại các ngân hàng lên đến trên 30 tỷ đồng. Người dân trở lại trồng lúa với năng suất khá cao tạo điều kiện cho cả xã manh nha muốn trở lại làm lúa.
Trước hiện tượng người dân ủi ao trở lại trồng lúa, trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Ngọc Mai, Chủ tịch UBND huyện Hoà Bình cho biết: "Huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế xuống kiểm tra và có báo cáo cụ thể. Tuy nhiên trước mắt chúng tôi chỉ đạo cho xã nơi nào trồng lúa được thì tiếp tục trồng lúa, nơi nào nuôi tôm được thì tiếp tục nuôi. Xã cũng nên chú ý giải quyết mối quan hệ giữa người nuôi tôm và người trồng lúa, không để xảy ra tranh chấp, nhất là nguồn nước".
Đầu tháng 11.2006, UBND tỉnh, các ngành chức năng tại tỉnh Bạc Liêu cũng đã có cuộc khảo sát hiện tượng này. Sau khi lắng nghe ý kiến của người dân và các ngành, UBND tỉnh chỉ đạo, không xem xét mức độ vi phạm quy hoạch của người dân làm trái quy hoạch tại xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hoà Bình (trồng lúa trong vùng quy hoạch nuôi tôm), khuyến khích người dân sản xuất theo lợi nhuận.
Chuyển theo hướng nào?
Với việc chính quyền lập lờ theo cách này thì chắc rằng con số chuyển đổi từ tôm sang lúa tại vùng đất quy hoạch nuôi tôm này sẽ tiếp tục tăng vào năm sau. Dẫu sao thì cây lúa hiện tại làm cho người dân an tâm hơn nhiều so với con tôm.
Có được bài học này, Bạc Liêu đã phải trả giá bằng số diện tích đất bỏ hoang trên 2.000ha, nợ quá hạn trên 20% và tỷ lệ hộ nghèo lên đến trên 32.000 hộ. Đã đến lúc phải giao quyền định đoạt trên mảnh đất của mình cho nông dân; chọn nuôi tôm hay trồng lúa, trồng mì, trồng khóm... nhà nước chỉ nên định hướng, không nên quá cứng nhắc về quy hoạch.
Thực tế nhiều năm qua đã cho thấy, việc định hướng chung thường chậm hơn với nắm bắt tình hình và chuyển đổi của từng hộ, từng vùng dân cư cụ thể. Định hình sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường đang là xu thế tính toán nâng cao thu nhập trên chính mảnh đất của người nông dân. Vai trò định hướng có thể bám vào việc cung cấp đầy đủ thônng tin về thị trường lẫn khoa học kỹ thuật cho nông dân, mà ở đó thỏa được hướng phát triển bền vững.