Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người vực dậy một làng nghề
12 | 11 | 2008
Gần 20 năm gắn bó với nghề, Nguyễn Thanh Hùng đã vực dậy nghề sơn mài vốn là nghề truyền thống của Việt Nam
Anh Nguyễn Thanh Hùng, chủ cơ sở sơn mài Hùng Dương (158/6 ấp 2, xã Tân Định, Bến Cát- Bình Dương) tuổi ngoài 30, với nước da ngăm đen, nụ cười hiền, giọng nói từ tốn. Đằng sau vẻ từ tốn, anh là người rất quả quyết trong công việc. Dù không được mệnh danh là nghệ nhân nhưng gần 20 năm qua, anh đã âm thầm cống hiến cho nghề, làm sống lại nghề sơn mài truyền thống từng nổi tiếng tại Bình Dương.

Lớn lên từ làng nghề

Nguyễn Thanh Hùng kể: Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp có cách nay gần 200 năm. Nghề này hình thành tại làng Bến Thế và Tương Bình Hiệp (Bình Dương). Dần dần, nghề phát triển rất mạnh và có mặt khắp nơi nhưng tập trung nhiều nhất tại Tương Bình Hiệp (thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

Cũng như bao thế hệ sinh ra và lớn lên tại làng nghề, từ nhỏ Nguyễn Thanh Hùng đã quen với tiếng xẻ gỗ, mùi nồng nồng của sơn và hương thơm của những thớ gỗ. Khi ấy, trong tâm trí cậu bé chưa đầy 10 tuổi đã in đậm hình ảnh những nghệ nhân như Tám Khiêm, Trương Văn Thành, Nguyễn Văn Lễ... vốn là những nghệ nhân nổi tiếng của làng. Anh Hùng nhớ lại: “Hồi đó, dân trong vùng ai cũng biết làm sơn mài dù không một ngày đi học”.

Ông chủ trẻ Nguyễn Thanh Hùng luôn trăn trở: “Tôi rất mong có một hiệp hội của những người làm nghề sơn mài. Hiệp hội sẽ định hướng cho hội viên phát triển đúng theo xu hướng thị trường. Có như thế, nghề truyền thống mới phát triển, không bị mai một và giải quyết việc làm cho nhiều người”.

Sớm nung nấu ý định mở cơ sở làm sơn mài chuyên nghiệp, Nguyễn Thanh Hùng đã theo học nghề của một người anh họ. Gần 10 năm vừa học vừa làm, Hùng có tay nghề khá vững với những nét cắt vỏ ốc điêu luyện và nghệ thuật khảm ốc thành thạo. Anh cho biết: “Để có một tác phẩm sơn mài, phải mất khoảng 1-2 tháng với vài chục công đoạn từ sấy gỗ, xử lý keo, sơn, mài, khảm, vẽ, làm bóng... Nhưng khó nhất là công đoạn vẽ trên sản phẩm. Phải làm sao cho nét vẽ thật sắc nét, màu sắc bắt mắt và đặc biệt mẫu mã đa dạng”.

Tìm tòi, sáng tạo

Chị Nguyễn Thị Linh, vợ anh Hùng, kể: “Khoảng năm 1991, chúng tôi dự định mở cơ sở riêng nên vừa đi làm thuê cho các cơ sở sơn mài vừa tự làm tranh để bán. Tối nào, hai vợ chồng cũng thắp đèn dầu làm tới khuya. Mỗi tuần, anh lại đạp xe từ Bình Dương về TPHCM để bán tranh và vật lưu niệm cho các cửa hiệu trên đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ... ”. Những bức tranh sơn mài được cẩn ốc dưới bàn tay khéo léo của anh khiến du khách rất chuộng. Cứ tưởng công việc sẽ thuận lợi, nào ngờ, thương lái lấy hàng mà không trả tiền. Bao nhiêu công sức bỏ ra bị mất hết, hai vợ chồng lại an ủi nhau và tiếp tục làm thuê kiếm sống.

Năm 1995, anh Hùng quyết định mở cơ sở làm sơn mài. Kinh nghiệm những năm lăn lộn với nghề khiến anh nhận ra, ngành sơn mài cẩn ốc dần không được ưa chuộng và có nguy cơ mai một. Trước tình hình đó, anh bàn với vợ tìm hướng mới cho nghề. Đạp xe đi khắp các phòng tranh trong và ngoài tỉnh quan sát, ghi nhận, anh bỗng nghĩ: “Sao không thử kết hợp giữa tranh và nghệ thuật khảm ốc vào những tác phẩm?”.

Năm 2000, anh bắt tay vào cuộc thử nghiệm làm mới sản phẩm bằng cách kết hợp nghệ thuật vẽ hiện đại vào tranh sơn mài truyền thống. “Đó là bức tranh hoa sen được tôi cẩn ốc, tre, trứng và cả những họa tiết vẽ trên cùng một bức tranh. Sau một tháng, bức tranh hoàn thành, đem về TPHCM giới thiệu và được khách nước ngoài đặt mua ngay”- anh kể. Từ thành công ban đầu, anh ứng dụng nghệ thuật vẽ lên những dòng sản phẩm khác như chân dung, bình, đĩa, khay, hộp... Những sản phẩm của anh dần dần được khách trong và ngoài nước biết đến.

Không quên những ngày nghèo khó

Hiện nay, trước sự xuất hiện của dòng tranh lập thể, anh lại chuyển hướng vẽ tranh lập thể kết hợp nghệ thuật khảm đá, tre, trúc, vỏ trứng lên từng tác phẩm. Những tác phẩm: thiếu nữ xõa tóc; mai, lan, cúc, trúc ngày xưa cũng được cách điệu theo phong cách mới tạo nên thế mạnh riêng. Trung bình mỗi tháng, cơ sở anh cho ra lò hơn 500 sản phẩm khác nhau, chủ yếu xuất khẩu sang các nước như Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập... Ngoài thị trường quốc tế, sản phẩm của anh còn có mặt tại TPHCM, Hà Nội và khắp các tỉnh, thành khác. Riêng showroom của Hùng Dương tại làng nghề Tương Bình Hiệp mỗi ngày đón hàng trăm khách đến tham quan, mua sắm.

Tuy thành công, nhưng Nguyễn Thanh Hùng không quên những ngày nghèo khó, vất vả của mình. Anh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho những cảnh đời khốn khó. Hiện cơ sở Hùng Dương giải quyết việc làm cho gần 100 lao động, chủ yếu là người nghèo. Như trường hợp của em Thạch Nghĩa, quê tận Cà Mau, vốn không có nghề đã được anh cưu mang, dạy nghề và hiện có thu nhập ổn định. Nguyễn Thanh Thuận, một công nhân trẻ ở bộ phận sơn, cho biết: “Mỗi khi công nhân có người nhà ốm đau, chú ấy đều giúp đỡ. Chú còn xây nhà tình thương, trao quà cho bà con nghèo những dịp lễ, Tết. Có lẽ do xuất thân từ nghèo khó nên chú Hùng hiểu và muốn chia sẻ khó khăn với bà con”.



Nguồn: Người Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường