Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá thức ăn chăn nuôi ’trên giời’: Nông dân và đại lý cùng chết
10 | 03 | 2009
Khi giá thức ăn chăn nuôi thế giới giảm một nửa trong khi giá nguyên liệu này trong nước chỉ giảm nhỏ giọt và kết quả là cả người chăn nuôi lẫn người kinh doanh thức ăn chăn nuôi đều đang đứng trước nguy cơ thua lỗ trầm trọng.

Như một số mặt hàng khác tại Việt Nam, giá TACN luôn trong điệp khúc tăng. Cả năm 2008, có đến hàng chục lần các doanh nghiệp sản xuất TACN điều chỉnh giá.

Chỉ vào cuốn số thanh toán cho mỗi đợt lấy cám, chị Hoài chủ đại lý Bích- Hoài, tại xã Tốt Động (Chương Mỹ, Hà Nội) nói: "Số tiền cám tăng đến chóng mặt. Một xe cám (10 tấn) từ 60 triệu, lên 70 triệu rồi 80 triệu, lúc cao điểm là tới 90 triệu đồng. Cty tăng giá nhiều lần đến nỗi đại lý không kịp điều chỉnh giá bán cho nông dân".

Theo anh Quý, chủ đại lý cám Sumô (sản phẩm của Cty TACN Việt- Pháp Proconco) tại xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội) giá cám tăng cao nhất là vào tháng 7/2008. Khi đó cám cho vịt đẻ giá 310.000 đồng/bao 40 kg, và giá trứng vịt là 1.800- 1.900 đồng/quả.

Khi giá nguyên liệu thế giới giảm xuống còn một nửa, giá trong nước chỉ giảm nhỏ giọt, doanh nghiệp giảm mạnh tay nhất cũng chỉ 10- 15 phần trăm. Anh Quý cho biết, từ cuối năm ngoái đến nay, sản phẩm TACN có điều chỉnh giảm nhưng hàng bán vẫn rất chậm do nông dân chăn nuôi thua lỗ, không tiếp tục tái đàn.

Hiện giá bao cám xuống còn 260.000 đồng (giảm 50.000 đồng/bao, tương đương 15%). Tuy nhiên, giá trứng vịt chỉ còn 1.200- 1.300 đồng/quả (giảm 600 đồng/quả). Vì chênh lệnh này, nông dân chăn nuôi đang rơi vào tình cảnh thua lỗ.

Chị Phạm Thị Tính, chủ đại lý cám Topfeed (Cty CP Nông sản Bắc Ninh) cũng nói: “Trước đây đại lý của chị bán trung bình 100 tấn/tháng. Thế nhưng cả tháng Hai bán chỉ được vài chục tấn”.

Chị Hoài bày tỏ, TACN đang bán rất chậm do giá vẫn ở mức cao mà giá gà, lợn xuống quá thấp khiến nông dân thua lỗ. “Nông dân lỗ thì chúng tôi kinh doanh cũng vất vả theo. Hàng không bán được, tiền bị nợ đọng”- Chủ đại lý Bích - Hoài nói.

Năm 2008 khi giá cám là 9.000 đồng/kg, giá lợn móc hàm là 40.000 đồng/kg, giá gà 28.000- 30.000 đồng/kg. Đến đầu năm nay giá cám giảm nhẹ, còn trung bình 8.000 đồng/kg, giá bán gà, lợn lại giảm sâu hơn nhiều, chỉ còn 18.000- 20.000 đồng/kg. Khi giá gà nhích lên 24.000 đồng/kg, nhiều hộ không còn hàng để bán.

Sản phẩm chủ yếu là của các hộ nuôi gia công cho Cty CP Thái Lan. Còn đa phần trại gà của tư nhân phá sản do không cầm cự được sau một thời gian thua lỗ kéo dài. 

Theo chị Hoài, đa số các đại lý đang bán cám trả chậm cho nông dân hoặc đầu tư nửa tiền cám đến khi nông dân xuất bán sản phẩm mới thu tiền. Thế nhưng, có gia đình trong xã làm bốn lứa gà thua cả bốn, lỗ tới hơn 100 triệu đồng.

Kết quả là một số đại lý chết theo nông dân. Từ cuối năm ngoái, đại lý của anh Đỗ Viết Bội, xóm Bến, xã Tốt Động (Chương Mỹ, Hà Nội) nghỉ kinh doanh TACN chuyển sang làm xay xát gạo. “Chúng tôi bỏ nghề mà 50- 60 triệu đồng vẫn chưa thể đòi được” - Anh Bội cho biết.

Đa số các hộ mua cám để chăn nuôi là bà con họ hàng. Bà con chăn nuôi thua lỗ thì không thể buộc họ thanh toán tiền cám. Gia đình anh Bội phải trừ nợ dần bằng cách mỗi vụ lấy vài tạ thóc.

Bác Nguyễn Trọng Ngâm, chủ trại gà tại xóm Trại, xã Tốt Động, bày tỏ, giá thành chăn nuôi gà hiện tính sơ sơ cũng phải 20.500 đồng/kg. Lứa gà vừa rồi bác Ngâm nuôi gia công 6.000 con cho Cty CP Thái Lan và phải bù cho Cty 20 triệu đồng do chi phí chăn nuôi quá cao, đặc biệt là giá thức ăn. 



Nguồn: www.tienphong.vn
Báo cáo phân tích thị trường