Tuy nhiên, giới chuyên môn lưu ý nếu không kiểm soát chặt, gói kích cầu này sẽ làm lợi cho hàng ngoại nhậpNghe những thông tin về gói kích cầu cho vay ưu đãi đối với các hộ nông nghiệp sẽ có hiệu lực từ ngày 1-5 tới, nhiều người không giấu được vui mừng. Ông Trần Phước Vĩnh ở thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, cho biết: “Thông tin sắp tới nông dân sẽ được Nhà nước hỗ trợ bù lãi suất cho vay mua thiết bị, vật tư sản xuất nông nghiệp ai cũng mừng”.
Sẵn sàng mua máy móc phục vụ sản xuất
Điều mà hầu hết nông dân quan tâm trong thời điểm này là giá máy móc vẫn còn ở mức cao vì đa số là hàng ngoại nhập. Ông Nguyễn Văn Bé, ở xã Bình Hòa, huyện Châu Thành - An Giang, canh tác hơn 50 công ruộng thường đối mặt với cảnh thiếu nhân công cắt lúa khi vào chính vụ. Nhiều lần ông bàn bạc với vợ sẽ mua máy gặt đập liện hợp thu hoạch lúa để giảm bớt chi phí mà chất lượng, năng suất được nâng cao.
Có điều ông phải đắn đo mãi đến giờ vẫn chưa mua được chiếc máy gặt đập liên hợp vì hàng ngoại thì quá cao, còn hàng “made in Vietnam” thì chưa tìm được loại nào ưng ý. “Qua mấy lần tôi theo dõi hội thi máy gặt đập liên hợp đồng bằng sông Cửu Long tổ chức vẫn chưa tìm ra chiếc máy nội nào hoàn hảo, trong khi giá vẫn còn ở mức cao. Tôi nghĩ, Nhà nước cần hỗ trợ các cơ sở sản xuất máy móc phục vụ nông nghiệp trong nước để đầu tư dây chuyền sản xuất, giảm giá cho người dân. Được như vậy, chắc chắn máy “nội” sẽ có chỗ đứng trên thị trường trong nước” - ông Bé nói.
Ông Lê Văn Nhơn, ở xã An Hòa, huyện Châu Thành - An Giang, làm 15 công ruộng, cũng mê tít chiếc máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa. “Ấp ủ 2 năm qua, tôi vẫn chưa đủ tiền mua. Có máy vừa bảo đảm thu hoạch lúa nhà, mình còn có thể đi gặt thuê cho chủ ruộng xung quanh. Giá cả rẻ hơn so với cắt tay, chắc chắn nông dân sẽ mướn. Nếu được Nhà nước hỗ trợ vay ưu đãi để mua máy tôi sẽ tậu một chiếc” - ông Nhơn nói.
Thiết bị sản xuất trong nước có đủ đáp ứng?
Ông Võ Hùng Anh, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, cho biết việc hỗ trợ cho nông dân vay vốn không tính lãi suất là chủ trương kịp thời. Tuy nhiên, cần phải nâng mức cho vay lên vì giá máy gặt đập liên hợp hiện nay cũng đã từ 160 triệu - 190 triệu đồng/máy, loại rẻ nhất cũng cả trăm triệu đồng. Còn loại máy cày, máy xới có công suất đủ lớn cũng phải trên dưới 100 triệu đồng đối với máy cũ. Nếu mua loại máy xới đất dạng cầm tay thì không hiệu quả, tốn nhiều thời gian. Loại máy này chỉ phù hợp cho những hộ có diện tích đất nhỏ, vài ba công.
Cũng theo ông Anh, Nhà nước nên hỗ trợ cũng như đầu tư cho các cơ sở sản xuất máy móc nông nghiệp vì hiện nay phần lớn cơ sở nhỏ, manh mún, mạnh ai nấy làm; không đáp ứng được số lượng lớn đơn đặt hàng. Các cơ sở sản xuất máy nông nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo số liệu thống kê mới đây cho thấy cả nước hiện chỉ mới có 3.500 chiếc máy gặt đập liên hợp, máy cắt xếp lúa, trong đó có đến 2.000 máy được nhập từ Trung Quốc. Trong khi nhu cầu về loại máy này còn rất lớn, giá bán hiện nay còn quá cao so với khả năng của nhiều người...
Bất hợp lý Giới chuyên môn cho biết việc Nhà nước hỗ trợ hàng ngàn tỉ đồng cho việc nhập máy móc nông nghiệp không tính thuế (theo gói hỗ trợ phát triển nông nghiệp của Bộ NN-PTNT đang thực hiện) chỉ có lợi cho nhà nhập khẩu. Trong khi các cơ sở sản xuất, lắp ráp máy móc nông nghiệp trong nước lại không được đầu tư, hỗ trợ. Họ nhập động cơ, linh kiện để lắp ráp máy nông nghiệp thì bị áp vào loại phụ tùng xe tải với thuế suất lên đến 20%. Cơ sở sản xuất, lắp ráp máy nông nghiệp đáng lẽ họ phải được miễn, giảm các loại thuế nhưng trên thực tế họ vẫn phải chịu nhiều loại thuế có thuế suất cao như các ngành nghề khác là điều bất hợp lý, không khuyến khích đầu tư. Với việc cho nông dân vay tiền mua máy nông nghiệp không tính lãi suất, nếu không kiểm soát chặt không khéo sẽ rơi vào túi những người kinh doanh hàng ngoại nhập. |