Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dự án 5 triệu ha rừng: Thủ tướng phải ra tay
24 | 07 | 2007
Trong suốt ngày 23/11, QH dành thời gian thảo luận về “dự án trồng mới 5 triệu ha rừng”. Các ý kiến tựu chung lại cho rằng 9 năm thực hiện với chi phí 8000 tỉ đồng nhưng dự án vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn.

Bộ NN&PTNT không nắm được...quỹ đất lâm nghiệp

Bất hợp lý, theo Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng, đoàn Bạc Liêu, là Bộ NN&PTNT lại không nắm được quỹ đất dành cho lâm nghiệp cũng như đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất, càng không đánh giá được chất lượng đất đai khi xác định tiềm năng của đất rừng để bố trí hợp lý, kết hợp với các biện pháp lâm sinh phù hợp từng loại rừng trồng.

Ông Hoàng nói thẳng rằng Nghị quyết số 08 của QH về “Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng” đã chưa được Bộ NN&PTNT nhận thức đúng. Ông đề nghị năm tới nên đưa dự án 5 triệu ha rừng vào danh mục kiểm toán nhà nước bởi diện tích sai phạm là rất lớn, cân đối chi phí gián tiếp cũng quá lớn, đây là dự án trồng mới chứ không phải dự án lâm nghiệp xã hội .

Về kết quả đạt được từ Nghị quyết 08 của QH, Đại biểu Hà Quyết, đoàn Yên Bái nêu một thực trạng là những vùng rừng trồng thêm chủ yếu nằm ở vùng trung du, đồi núi thấp hoặc gần đường quốc lộ, dễ thông thương. Trong khi đó rừng ở vùng sâu, núi cao lại chưa phát triển, mặc dù thu nhập của người dân nơi đây rất thấp .

Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Quyết, đó là thực hiện quy hoạch yếu kém, phân loại rừng chưa cụ thể. Việc thiếu chính sách trong quy hoạch đã gây lúng túng trong thực hiện. Ngoài ra còn do vấn đề dàn trải: "Dự án triển khai trong cả nước nhưng thiếu trọng điểm, điều này khiến những tỉnh miền núi, đời sống đồng bào thấp lại càng khó thực hiện dự án", ông nhấn mạnh.

Để giải quyết tình trạng này, theo ông Quyết, cần phân định rõ các loại rừng để có giải pháp phù hợp: đâu là rừng phòng hộ, đâu là rừng sản xuất. Bên cạnh đó cần phát triển các nhà máy khai thác gỗ. Trên thực tế, chi phí vận chuyển gỗ từ trong rừng ra đến các nhà máy hiện là rất cao, có nơi không còn đồng lãi nào cả.

Đồng tình quan điểm này, Đại biểu Vũ Ngọc Cừ, đoàn Lào Cai đồng tình: Diện tích trồng rừng mới so với Nghị quyết là rất thấp. Diện tích rừng có tăng nhưng chất lượng rừng kém, giá trị rừng chưa tăng. Nạn phá rừng xảy ra ở nhiều nơi là nghiêm trọng, trong khi đó trang thiết bị phòng cháy chữa cháy thô sơ, thậm chí có xã không có. Công tác quản lý nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác quy hoạch chưa tốt, không sát với thực tế. Ông Cừ kiến nghị: QH cần ra nghị quyết giám sát. Về cơ chế chính sách, cần tập trung vốn cho trồng rừng kinh tế. Nhà nước có chính sách hỗ trợ, cho vay vốn ưu đãi cho những người dân trồng rừng kinh tế.

Ông Huỳnh Minh Hoàng: Nên đưa "dự án trồng mới 5 triệu ha rừng" vào danh mục Kiểm toán Nhà nước năm 2007

Phá rừng nhiều nhất là... Nhà nước

Đại biểu Hà Sơn Nhìn, đoàn Gia Lai khẳng khái: Kết quả dự án đạt được thấp ở tất cả các mặt. Vốn rừng tự nhiên bị mất rất lớn. "Chúng tôi sống ở Tây Nguyên là nơi còn nhiều rừng nhất cả nước, được mệnh danh là lá phổi của Đông Dương, nhưng công tác giữ rừng còn nhiều thiếu sót, không làm chủ và bảo vệ được rừng".

Lâu nay chúng ta cứ nói dân địa phương phá rừng là chủ yếu nhưng tôi cho rằng phá nhiều nhất là…Nhà nước. Hình thức phá đó là từ khâu khai thác, khâu bảo vệ… Dân địa phương cũng có phá, họ lấy đất sản xuất và thiếu sót của chúng tôi là chưa quản lý được di dân tự do", ông nói.

Cảnh báo ở một khía cạnh khác, Đại biểu Y Ly Niê KĐăm, đoàn Đắk Lắk nêu một thực trạng là người miền núi giờ không còn yêu rừng như tổ tiên (khía cạnh văn hoá, tâm linh) mà chuyển qua yêu…cây rừng (khía cạnh văn hoá) hơn. Ông KĐăm kiến nghị, cần đưa ra quy hoạch rừng cụ thể, nhiều ngành nghề đã có quy hoạch đến năm 2020, thậm chí là 2025 thì rừng cũng cần phải có một chiến lược dài hơi. Ông cũng cho rằng cần thực hiện xã hội hoá về rừng, giảm thiểu việc nhà nước quản lý quá nhiều rừng, đến hơn 80%, như hiện nay .

Đề cập đến hiệu quả của ngành Kiểm lâm, Đại biểu Nguyễn Lân Dũng, đoàn Đắk Lắk cho rằng chúng ta mất quá nhiều rừng thời gian qua. Như vậy là ngành kiểm lâm hoạt động chưa hiệu quả, kiểm lâm chủ yếu vẫn ngồi ở tỉnh lị, thị trấn, chỉ có một lượng nhỏ ra chặn bắt gỗ lậu trên đường. Kiểm lâm cần về với rừng, với dân, cùng với nhân dân giữ rừng, bảo vệ rừng.

Quy hoạch kém: không phải là cái bị để nhét trách nhiệm

Dù là người phát biểu gần cuối buổi họp nhưng ý kiến của Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) vẫn thu hút sự chú ý. Ông cho rằng 2 báo cáo (của Chính phủ và của UBTVQH) thống nhất với nhau một điểm về dự án, đó là: kết quả thấp, còn nhiều tồn tại.

Theo ông Trân, những kết luận này không mới: "vì vậy tôi cũng như nhiều cử tri mong muốn tìm hiểu nguyên nhân sâu cái này. 9 năm qua chúng ta đã tiêu 8000 tỉ đồng, số tiền này lớn khiến chúng ta phải suy nghĩ. Các bộ trưởng nói quy hoạch còn kém, nhưng tại sao kém? đây không phải là cái bị để đổ hết vào đó những cái làm không tốt. Ý kiến này đúng nhưng còn hời hợt.

Về áp dụng khoa học công nghệ (KHCN), theo ông, cũng chưa đóng góp được gì. Nhiều đồng bào Tây Nguyên nói KHCN góp phá rừng nhiều hơn triển khai “dự án 5 triệu ha rừng” (ý họ nói về máy cưa, điện thoại di động, xe máy… đã khiến cho việc khai thác rừng nhanh hơn). Quản lý nhà nước tôi cho là rất yếu. Sự phối hợp giữa các bộ của Chính phủ là một lỗ hổng rất lớn. Báo cáo của Chính phủ đề cập chưa đầy đủ việc này

Cuối ngày làm việc 23/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã đứng lên tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu QH. Về phần trách nhiệm ông nói: Trách nhiệm để tồn tại yếu kém trong dự án 5 triệu ha rừng thuộc về Chính phủ, thuộc về Bộ NN&PTNT và trước hết thuộc về Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

Năm ngoái tại hội trường này tôi đã đề nghị chấm dứt chương trình 5 triệu ha rừng, ngày xưa rất ít lũ quét, nhưng từ khi làm chương trình thì lũ quét xảy ra rất nhiều, hễ mưa bão là có lũ, người chết vì bão thì ít mà chết vì lũ thì nhiều.

Nhận xét về báo cáo, Đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn, đoàn Bắc Giang cho rằng "chưa nghiêm túc". Ông cho rằng báo cáo chưa đúng tầm quan trọng của rừng. "Kế hoạch trồng rừng thì nhẹ nhưng kế hoạch phá rừng rất chi tiết, tại sao báo cáo chưa nói rõ, cấp uỷ nào phải chịu trách nhiệm, địa phương nào phải chịu trách nhiệm? Ví dụ, tại sao cháy rừng, phải nói rõ, tầm quan trọng của rừng ai cũng biết: chống lũ quét, lũ ống, tạo ra công ăn việc làm..."

Theo ông Ngoạn, vấn đề không phải thiếu nhân lực hay chính sách: “Chính phủ có truyền thống chỉ đạo quyết liệt, nhưng vấn đề rừng theo tôi bị buông lỏng, phải chỉ đạo chặt chẽ, tôi không đồng tình rút kết hoạch . Chúng ta cũng thiếu một phong trào nhân dân rộng rãi. Chúng ta có hàng ngàn km đường có thể trồng cây nhưng tại sao không phát động, để bỏ trống. Còn nữa, phải xử lý nghiêm phá rừng… Chính phủ phải thực sự quyết liệt, Thủ tướng phải ra tay”.



Theo Vietnamnet
Báo cáo phân tích thị trường