Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường mía đường: Sẽ biến động vào tháng 8
11 | 05 | 2009
Hiệp hội Mía - Đường VN dự báo, nguồn cung đường cho thị trường hiện vẫn khá dồi dào. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ chỉ kéo dài đến hết tháng bảy. Từ tháng tám trở đi, thị trường nước ta sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu đường.

Thiếu mía nguyên liệu

Báo cáo mới nhất của Bộ NNPTNT cho thấy, niên vụ mía 2008 - 2009, tổng diện tích mía cả nước khoảng hơn 270.000 hécta, giảm 36.000 hécta so với vụ trước (chiếm 11,7%). Diện tích vùng nguyên liệu tập trung của các nhà máy cũng giảm hơn 17.000 hécta (7,6%).

Hiện tổng sản lượng mía cả nước giảm gần 19% với khoảng 13,5 triệu tấn, năng suất mía bình quân cũng đã giảm xuống còn 50 tấn/hécta (gần 8%). Do năng suất giảm, nên sản lượng đường tiêu thụ từ đầu vụ đến nay thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 100.000 tấn, giá cả liên tục biến động ngay từ đầu vụ.

Ông Hà Hữu Phái - Tổng Thư ký Hiệp hội Mía - Đường VN - giải thích: “Ngoài những lý do khách quan như giá cả vật tư tăng cao, lãi suất ngân hàng cũng tăng trong khi giá mía, giá đường tăng không đáng kể, thì bản thân người trồng mía cũng chưa thật sự thiết tha với loại cây trồng này.

Một bộ phận không nhỏ nông dân Đông Nam Bộ đã bỏ mía sang trồng sắn, do nguồn lợi từ sắn cao hơn. Canh tác vốn đã manh mún, nay lại càng phân tán hơn”. Đánh giá của cơ quan này cho thấy, vẫn còn tình trạng các nhà máy tổ chức thu hoạch và thu mua mía không tốt.

Tại ĐBSCL, vào thời điểm cuối vụ các nhà máy tranh nhau hút nguyên liệu. Chất lượng mía nguyên liệu đưa vào sản xuất do vậy kém chất lượng, nhiều tạp chất. Còn tại miền Bắc, mặc dù chất lượng mía được đánh giá là cao hơn, song giá mua tại các nhà máy lại thấp hơn các vùng khác, gây nên sự mất ổn định về giá.

Sẽ “sốt” đường cục bộ?

Theo ông Phái, tình thiếu đường nguyên liệu là “bệnh” chung của nhiều nước trên thế giới do ảnh hưởng không nhỏ của sự suy giảm kinh tế. Đối với nguồn đường trong nước, đến thời điểm hiện nay lượng đường tồn kho và tồn trong khâu lưu thông vẫn còn lớn, chưa kể lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch thoả thuận WTO vẫn còn hơn 43.000 tấn, nên mức tiêu thụ cũng giảm hơn. Việc chống nhập lậu đường cũng còn hạn chế, nên vấn đề cân đối về cung - cầu chưa thể xác định được.

Tuy nhiên, theo hiệp hội, từ đây đến tháng bảy, nguồn cung đường vẫn đảm bảo đủ cho thị trường. Mức tiêu thụ tăng cao tập trung vào tháng tư - năm, sau đó nhiều khả năng đối mặt với việc “sốt” đường cục bộ. Sang tháng chín, các nhà máy đường vào vụ mới nên lượng đường thiếu tập trung vào cuối tháng tám và tháng chín.

“Chúng tôi sẽ theo dõi sát diễn biến của thị trường và nếu cần thiết, sẽ tính đến việc nhập khẩu đường nguyên liệu đáp ứng sản xuất. Tuy vậy, lượng đường nhập khẩu sẽ không đáng kể, chỉ khoảng vài chục nghìn tấn để đáp ứng nhu cầu trong khoảng thời gian ngắn” - ông Phái cho hay. Việc nhập khẩu đường để điều tiết thị trường, do đó cần xác định thận trọng và nên cân đối để đưa ra quyết định vào tháng bảy.



Nguồn: Lao động
Báo cáo phân tích thị trường