Xuất khẩu mặt hàng sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam 7 tháng đầu năm 2009 tăng mạnh, lên gấp 4,4 lần về lượng so với cùng kỳ 2008. Nhưng do giá giảm mạnh tới 45% so với giá xuất khẩu trung bình của cùng kỳ năm trước khiến kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng gấp 2,8 lần. Trong đó, khối lượng xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 90%.
Sau khi giảm mạnh xuống rất thấp trong những tháng đầu năm 2009, có lúc xuống còn 135 USD/T, giá sắn xuất khẩu của nước ta đang có xu hướng phục hồi trở lại, hiện đã lên đến 176-180 USD/T, nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức giá xuất khẩu bình quân là 278 USD/T trong 7 tháng đầu năm 2008.
Dự báo giá sắn xuất khẩu sẽ tiếp tục được hỗ trợ trong thời gian tới nhờ lượng tồn kho đã cạn và nhu cầu cao từ thị trường Trung Quốc. Việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu nước này có những thay đổi trong chính sách điều hành nhập khẩu cũng như có các biện pháp kỹ thuật nhằm ép giá. Thực tế, tình trạng này đã thường xuyên xảy ra, không chỉ ở mặt hàng sắn mà còn đối với nhiều mặt hàng nông, lâm sản khác của nước ta xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian qua.
Từ đầu năm đến nay, sắn là một trong ít các mặt hàng có khối lượng xuất khẩu cũng như kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. Theo số lượng thống kê sơ bộ, trong 7 tháng đầu năm 2009, cả nước đã xuất khẩu được 2,66 triệu tấn sắn và tinh bột sắn, đạt kim ngạch 408 triệu USD, tăng 4,4 lần về sản lượng và tăng 2,8 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2008.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính mặt hàng sắn của nước ta, chiếm hơn 90% kim ngạch. Tiếp theo là Hàn Quốc chiếm 5,5%, Đài Loan 2%…
Về giá xuất khẩu: giá xuất khẩu sắn đang có xu hướng phục hồi. Giá xuất khẩu trung bình trong tháng 6 và tháng 7 đạt 175-179 USD/T, tăng 25-29% so với giá xuất khẩu trung bình trong tháng 1/2009.
Diện tích trồng sắn của nước ta đã tăng mạnh từ 270.000 ha năm 2005 lên 510.000 ha vào năm 2008, sản lượng ước đạt hơn 8 triệu tấn, tăng 2,3% so với năm ngoái nhưng tăng gần gấp đôi so với 3 năm trước. Đáng chú ý là diện tích tăng vượt 135 nghìn ha so với quy hoạch phát triển sắn tới năm 2010. Năng xuất những năm vừa qua cũng tăng nhưng không đáng kể, từ 15,35 tấn/ha năm 2005 (trung bình của thế giới là 12,16 tấn/ha) lên 15,7 tấn/ha năm 2008 nhưng vẫn thấp hơn so với Ấn Độ (31,43 tấn/ha), Thái Lan (21,09 tấn/ha). Sản lượng cả năm 2009 ước đạt 8,1 đến 8,6 triệu tấn, cao hơn năm ngoái khoảng 0,2 đến 0,4 triệu tấn.
Nhiều nhà máy chế biến sắn ở trong nước cũng được xây dựng. Trên phạm vi cả nước có khoảng 60 nhà máy chế biến tinh bột sắn có quy mô công nghiệp với tổng công suất chế biến mỗi năm hơn nửa triệu tấn tinh bột sắn, tương ứng với nhu cầu sử dụng gần 2,5 triệu tấn củ sắn tươi, bằng 30% sản lượng cả nước, tăng gấp đôi số nhà máy và gấp 3 về công suất so với 5 năm trước đây.
Nếu trong năm 2008, bình quân giá sắn lát khô là 3.000 đ/kg thì trong những tháng cuối năm 2008 và 3 tháng đầu năm 2009, giá chỉ còn 1.500-1.700 đ/kg và hiện tăng lên 1.900-2.100 đ/kg.
Hiện tại, giá sắn lát xuất khẩu là 2.800-2.900 đ/kg tại cửa khẩu Hữu Nghị và 175 USD/T (khoảng 3.180 đ/kg) tại cảng Sài Gòn.
(Nguồn: InfoTV)