Được biết, phần đất mà chị trồng tre lấy măng là đất xấu, trước đây đã thử nghiệm trồng nhiều loại cây nhưng đều không cho hiệu quả. Vì thế, khi cây tre lấy măng phát triển làm chị rất mừng, nó không chỉ đáp ứng nguồn thực phẩm cho gia đình mà còn đem lại một khoản thu nhập khá lớn, giúp chị trang trải một số chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Còn theo ông K’ Biển, ở bon Bu Sóp, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa thì trước đây hơn 3 sào đất của ông đã bị bỏ hoang, nhưng từ năm 2006 đến nay cây măng tre lại phát triển tốt. Măng tre là loại cây rất dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, phân bón và rất hiếm khi có sâu bệnh nên ông có thể tận dụng mọi mảnh đất thừa, đất hoang hoá, đất dốc ở cuối vườn, rẫy để trồng. Nhờ được chăm sóc tốt nên măng nảy mầm liên tục, trung bình mỗi tháng ông có thể thu được khoảng 5 tạ, với giá bán chừng 3.000 đồng/kg thì mỗi năm cũng thu về khoảng 15 triệu đồng. Đây là một số tiền khá lớn so với việc để đất bỏ hoang như trước kia. Nhờ nó mà ông có thể đầu tư thêm phân bón cho vườn cà phê của gia đình.
Theo ông Hồ Tiến Cương, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông thì các mô hình trồng tre lấy măng bắt đầu được triển khai ở địa phương từ năm 2005. Đó là giống măng tre điềm trúc, được trồng rải rác ở tất cả các thôn, bon. Ban đầu chỉ có 18 ha ở thị xã Gia Nghĩa và huyện Đắk Song, sau đó được nhân rộng ra tất cả các huyện, đến nay đã lên tới gần 165 ha, trong đó Đắk Song, Krông Nô, Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa là những địa bàn có diện tích măng tre lớn.
Để việc triển khai các mô hình trồng tre lấy măng đạt hiệu quả, cùng với việc tổ chức tập huấn, các cán bộ kỹ thuật của các Trạm khuyến nông các huyện còn trực tiếp xuống cơ sở hướng dẫn nhân dân cách trồng, chăm sóc và thu hoạch đúng cách. Qua 5 năm, các mô hình măng tre đã chứng minh được hiệu quả của nó, vì đây là loại cây có thể phát triển tốt trên những diện tích đất xấu, đất hoang hoá, bạc màu, đất dốc.
Bà con có thể tận dụng mọi diện tích đất trống mà không bị ngập nước, nhiễm phèn để trồng, không chỉ nâng cao hiệu quả sử dụng đất mà còn giúp tạo nguồn thực phẩm thường xuyên. Hơn thế, các biện pháp thâm canh cây tre lấy măng cũng khá đơn giản nên bà con đã đăng ký với ngành chức năng nhân rộng mô hình rất nhiều. Đặc biệt, tre lấy măng có ý nghĩa rất lớn với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ từ bỏ thói quen vào rừng lấy măng. Đến nay, rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã có được một khoản thu nhập ổn định mỗi tháng từ măng tre, góp phần cải thiện đời sống.
(Hồng Thoan, Báo Nông nghiệp Việt Nam)